Nhớ về Đại đội Anh hùng

11:24, 19/04/2018

“Sống  bám  cầu  đường,  chết  kiên  cường  bất  khuất”- Khẩu hiệu của một thời đạn lửa khắc vào trái tim tuổi trẻ. Trở thành mệnh lệnh, hiệu triệu những người con ưu tú của đất nước ra trận, trong đó phải kể đến đội ngũ cán bộ, đội viên Đại đội TNXP 915 Anh hùng.

Ông Lê Huy Lanh, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh cho biết: Tháng 6 năm 1972, Đại đội TNXP 915 được thành lập, đóng quân tại xã Linh Sơn, T.P Thái Nguyên. Đại đội có nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải thông suốt; tiếp nhận, trung chuyển quân lương phục vụ chiến đấu. Và các anh, chị đã “không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”, kiên cường bám trụ, bền bỉ làm nhiệm vụ ngay lúc trận bom vừa lặng tiếng.

Dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu với quân thù, nhưng các anh, chị trong Đại đội luôn phải đối diện với hy sinh, mất mát. Bởi đó là tháng ngày vùng đất Thái Nguyên rên xiết, quằn quại vì bom thù cày xới. Cao điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ tập trung vào những ngày cuối của năm 1972, liên tiếp nhiều tốp máy bay chiến thuật và B52 của địch xâm phạm vùng trời thành phố. Chúng quần đảo, gây nhiễu và thực hiện các phi vụ ném bom hủy diệt. Lúc này tại Ga Lưu Xá và Ga Quán Triều, hàng trăm toa tàu hỏa chứa gần 20.000 tấn lương thực và hàng hóa quốc phòng cần được giải toả gấp.

Mệnh lệnh tập hợp, từ sáng sớm ngày 24-12, đồng chí Triệu Đức Việt, Đại đội trưởng Đại đội 915 cùng hơn 60 cán bộ, đội viên của Đại đội hành quân đến Ga Lưu Xá, phối hợp cùng anh, chị em TNXP Đại đội 912 làm nhiệm vụ bốc dỡ, giải tỏa hàng. -“Tất cả vì tiền tuyến”; “Tất cả vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Bà Liêu Thị Ly, cựu TNXP Đại đội 915 bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng cách nhắc lại dòng khẩu hiệu đầy chất thép: Trước khi bước vào trận chiến này, chúng tôi được đả thông tư tưởng, đồng lòng nêu cao quyết tâm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chính vì tư tưởng thông suốt, nên cả ngày hôm đó cán bộ, đội viên của Đại đội đã làm việc quên ăn, quên nghỉ. Cùng hò nhau chuyển hàng hoá từ các toa tàu hỏa sang xe ô tô để chuyển đến vị trí tập kết an toàn.

Chợt bà Ly dừng lời, đôi mắt hướng về phía cánh đồng bản Cưa trước nhà như để giấu xúc động. Bà thở dài như vừa lục tìm được trong ký ức một niềm đau. Năm đó, bản Cưa, xã Phong Huân (Chợ Đồn, Bắc Kạn) có tôi và các chị Ma Thị Chảy, Tô Thị Phùng đi TNXP cùng đợt, cùng ở Đại đội 915. Ít hôm trước chị em còn ngồi kể cho nhau nghe chuyện về các vùng đất Nà Tấc, Pác Cộp, Khuổi Xỏm, rồi chuyện mò cua, bắt ốc bên dòng suối Vân Hồ, Nà Ca, Khuổi Lai. Nhưng chị Chảy, chị Phùng đã không về nữa. Noel hằng năm là ngày giỗ các anh, chị.

Tôi nghe thấy rất rõ tiếng khóc của ai đó nép sau cánh cửa nhà sàn. Vì câu chuyện về ngày Noel màu lửa trên vùng đất gang thép Thái Nguyên, luôn gợi nhớ một niềm đau khôn tả. Niềm đau ấy giội về cả những làng quê xa khuất của vùng đất huyện Chợ Đồn, Chỡ Rã, Bạch Thông, Na Rì, Ba Bể (Bắc Kạn) và một sống làng quê thuộc tỉnh Thái Nguyên. - “Miền Nam gọi, miền Bắc trả lời”. Chất giọng hồn nhiên, vô tư như ngày trẻ trung tình nguyện đi TNXP, bà Nguyễn Thị Nhung, cựu TNXP Đại đội 915, ở xã Bằng Lãng (Chợ Đồn, Bắc Kạn) nói to như cách gọi điện thoại tác chiến giữa hai đơn vị phối hợp. Rồi bà kể: Trong TNXP chúng tôi có nhiều đứa bé như que kẹo, toàn 40, 45 cân ký lô. Tôi cũng nặng 42 ký lô. Hôm đó tinh thần hăng say lắm, toàn Đại đội cùng khuân, vác hàng từ toa tàu sang xe vận tải. Có lúc cùng đứng thành một dây, chuyền hàng qua tay nhau từ kho lên xe ô tô. Vừa làm, vừa ca hát, chẳng biết mệt nhọc là gì.

Còn cựu TNXP Hoàng Thị Mới, phường Trưng Vương, T.P Thái Nguyên kể: Tất cả chúng tôi đều còn rất trẻ, nhưng chỉ sau vài lần chứng kiến cảnh bom rơi, mặt đất bị cày xới, nhà đổ, người chết, lòng căm thù giặc làm ý chí chiến đấu tăng cao. Dù biết mỗi ngày ra công trường cũng có thể là giỗ của mình, nhưng không ai sợ hy sinh. Tôi còn nhớ trước hôm Đại đội nhận nhiệm vụ bốc dỡ, chuyển hàng hoá ở Ga Lưu Xá, tại điểm đường 16A bị máy bay địch bắn phá, đơn vị có chị Hoàng Thị Cát, người xã Thượng Giáo (Chợ Rã, Bắc Kạn) hy sinh tại chỗ, 8 đồng chí khác bị thương. Nhưng nhiệm vụ Tổ quốc đặt lên vai, chúng tôi sẵn sàng.

Cựu TNXP Lương Thị Hội, xóm Đồng Ngõ, xã Bản Ngoại (Đại Từ). Dù cuộc đời riêng nhiều bận rộn, mưu sinh chật vật, nhưng không bao giờ bà quên cái đêm bom dội lộng óc, nghẹt thở ấy. Bà xúc động: Khi phát lệnh báo động 1, toàn bộ đội viên chúng tôi di chuyển vào hầm trú ẩn. Phát lệnh báo động 2, các đồng chí Ban Chỉ huy Đại đội mới xuống hầm. Nhưng rồi… cả mặt đất rung lên bần bật báo hiệu một chết chóc kinh khủng. Bất thình lình căn hầm chữ U đơn vị trú ẩn bị bom đánh trúng cả hai cửa, tiếp đến là một quả bom rơi trúng giữa hầm. Cả một khối bê tông lớn sập xuống, sức em làm nhiều đồng chí bị hất văng lên cao, có đồng chí bị ép xuống dưới. Khi đó tôi nghe rõ tiếng đồng đội tôi gọi, gào trong bất lực. Một chị bảo: Hội ơi, nâng hộ tao tấm bê tông, nặng quá, rồi chị tắt thở. Còn anh Hoàng Văn Thắng bảo: Hội ơi, bới giúp anh một lỗ thông hơi, khó thở quá… Tôi bất lực, ngất đi vị bị sức ép của bom.

Mới đó đã 46 năm, các anh, chị ngàn thu yên nghỉ, chỉ khói hương thoảng thơm mỗi sớm cùng ngàn gió thầm thì kể chuyện về cái đêm định mệnh đau đớn mà hiển vinh. Đêm Noel năm 1972, khi những người theo đạo công giáo phấn chấn chào đón ngày Thiên chúa Giáng sinh, và những con người bằng xương, bằng thịt, tay không tấc sắt đang nghỉ ngơi sau một ngày làm việc, họ kể cho nhau nghe chuyện về quê hương, về mơ ước tương lai đời mình. Tất cả họ đã sống và chiến đấu hồn nhiên. Cả lúc dưới màn bom khủng khiếp vẫn hiên ngang lấy thân mình che chắn cho đồng đội. Trước ban thờ chung trong Nhà tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ TNXP (Ga Lưu Xá, Gia Sàng, T.P Thái Nguyên), hàng triệu con dân đất Việt đã về, dâng hương, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với người nằm xuống. Đọc dòng tên tạc vào bia đá, thấy các anh, chị còn trẻ quá, nhiều người cha, người mẹ khóc nghẹn lời.

Tất cả đã đi vào miền sử xanh, nhưng với những cựu TNXP bước qua bom đạn thảm khốc, tiếp tục cùng đồng đội hành quân trên đường ra trận đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, trở về cuộc đời thường sẽ không bao giờ phai lạt tình đồng chí, đồng đội cùng nếm trải giây khắc oanh liệt, bi hùng. Đau đớn lắm, cựu TNXP Nguyễn Thị Vê, ở tổ 13, phường Tân Long (T.P Thái Nguyên) kể: Nhìn đồng đội nằm xếp hàng ngang chờ khâm liệm, nhiều người thân thể không trọn vẹn, chúng tôi không ai cầm được nước mắt. Và trong số những người bị bom vùi không chết ở Đại đội TNXP 915, còn có cựu TNXP Hoàng Văn Thắng, ở thôn Nà Duồng, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn). Ông Thắng được đồng đội tìm thấy trong đống gạch vỡ ngổn ngang. Được cứu sống, nhưng sau này về đời thường ông phải chịu đựng những cơn đau kinh khủng lộng lên từ lồng ngực. Mến phục người cựu TNXP quả cảm, có nhiều phụ nữ trong vùng nhờ người dạm ướm lấy ông làm chồng, tự nguyện được cùng ông sẻ chia nỗi đau thân thể và gánh nặng cuộc sống. Nhưng ông từ chối, vì không muốn trong cuộc đời có thêm một ai đó phải chịu gánh nặng chiến tranh.

Luôn sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, nhưng lại biết từ chối hạnh phúc riêng. Trong cuộc đời còn có gì trân quý hơn hành động cao đẹp ấy. Tôi nghĩ như thế khi thắp nén trầm thơm, cúi đầu trước anh linh những Anh hùng liệt sĩ TNXP Đại đội 915. Máu của các anh, chị đã tô thắm thêm sắc cờ Tổ quốc, và sống mãi trong lòng các thế hệ con dân đất Việt. Vâng! tôi viết bài này, nguyện như một nén tâm nhang, kính dâng các Anh hùng liệt sĩ của một Đại đội Anh hùng.