Tôi biết Đại úy QNCN Hoàng Trọng Sơn (Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh) từ ngày còn là học viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Vậy nhưng, hơn 10 năm từ ngày ra trường, chúng tôi mới có dịp gặp lại nhau.
Gia đình Đại úy Hoàng Trọng Sơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Tay bắt mặt mừng với bao câu chuyện hàn huyên, tôi hỏi: “Dạo này cậu còn hay tham gia ca hát nữa không”. Vẫn tính tình xởi lởi dễ gần như xưa, bạn tôi hồ hởi cho biết: “Mình thiếu gì cũng được nhưng không thể thiếu lời ca tiếng hát, đó là niềm đam mê từ bé. Cũng nhờ có “máu văn nghệ” mà mình lấy được vợ đấy!”.
Câu chuyện của bạn đồng môn đưa chúng tôi trở về miền ký ức yêu thương của đôi trẻ. Năm 2007, Hoàng Trọng Sơn ra trường, về nhận công tác tại Trung đoàn 841, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh, phụ trách hoạt động Phòng Hồ Chí Minh.
Chưa kịp quen với công việc mới thì một trận mưa lũ ập đến trên địa bàn đóng quân. Đơn vị được lệnh về các xã ven biển giúp nhân dân thu hoạch lúa. Sơn và một số đồng đội tới xã Thạch Thắng (Thạch Hà, Hà Tĩnh), hằng ngày chèo thuyền, lội nước gặt lúa giúp dân, góp phần làm giảm thiệt hại do thiên tai nên bà con vui lắm. Hôm chia tay, đơn vị và địa phương tổ chức giao lưu văn nghệ, Hoàng Trọng Sơn lại có dịp trổ tài.
Bài hát “Giấc mơ Chapi” được ngân lên, giọng hát của chàng trai trẻ chạm tới bao trái tim người nghe. Từ dưới khán đài, một cô gái lên sân khấu tặng hoa. Sau phút bối rối, anh không quên nói lời cảm ơn. Biểu diễn xong, Sơn tìm gặp người vừa tặng hoa để làm quen. Anh nhận ra cô gái có mái tóc dài, đôi má hồng, ánh mắt như biết nói, nụ cười duyên tên là Trần Thị Bình, sinh viên ngành y, về nghỉ hè giúp bố mẹ thu hoạch lúa. Cô nữ sinh không ngớt lời cảm ơn anh và đồng đội những ngày qua đã nhiệt tình giúp bà con quê mình. Đêm hôm ấy, Sơn trằn trọc, trái tim chưa một lần yêu cứ thổn thức khi nhớ đến ánh mắt của nàng.
Ngày Trần Thị Bình về Hà Nội để tiếp tục việc học, anh xin phép đơn vị đến nhà chở nàng ra bến xe. Trên đường đi, ngoài những lời tâm sự, anh còn tặng nàng bài hát “Giấc mơ Chapi”. Tiếng hát ngọt ngào và sự quan tâm đúng mực của anh khiến cô sinh viên trường y rung động.
Sau những giờ học tập, công tác, hai người thường xuyên liên lạc qua điện thoại, theo dõi hình ảnh của nhau trên Facebook. Quãng thời gian đồng hành, sẻ chia vui buồn trong cuộc sống, động viên nhau cùng vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng là quá trình tình cảm của hai người được vun đắp dày thêm.
Cuối năm 2009, Hoàng Trọng Sơn và Trần Thị Bình về làm con một nhà. Mái ấm của họ thêm trọn vẹn khi có con trai, con gái chăm ngoan, học giỏi. Tuy còn khó khăn nhưng vợ chồng đã tích góp xây dựng được căn nhà mới khang trang.
Hoàng Trọng Sơn tâm sự: “Mình là quân nhân, thời gian ở đơn vị nhiều nên khi rảnh rỗi là dành trọn cho gia đình, cùng nhau trồng rau, xới cỏ, nấu cơm, không nề hà chuyện rửa bát hay giặt giũ quần áo... Từ cuối năm 2019 tới nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, vợ chồng mình hay vắng nhà. Những lúc khó khăn nhất, mình lại hát tặng vợ, như một cách động viên để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin