Suốt 16 năm “xẻ dọc Trường Sơn” thành tuyến chi viện chiến lược, hào khí Trường Sơn đã lan tỏa đến khắp mọi miền của Tổ quốc, góp phần quan trọng làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Trong hòa bình, hào khí Trường Sơn tiếp tục lan tỏa khi đơn vị kế tục truyền thống Bộ đội Trường Sơn vẫn luôn có mặt trên những công trình trọng điểm quốc gia, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp với củng cố quốc phòng.
Từ tuyến chi viện chiến lược trong chiến tranh
Thực hiện quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 19-5-1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”-Đoàn 559 được thành lập, có nhiệm vụ mở tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh vận chuyển hàng quân sự chi viện cho chiến trường miền Nam và tổ chức đưa đón cán bộ, bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ miền Bắc vào miền Nam và từ miền Nam ra miền Bắc.
Trong 16 năm (1959-1975), Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí, phương tiện, vật chất và hàng hóa chi viện cho các chiến trường; vận chuyển, bảo đảm hành quân cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ vào miền Nam chiến đấu và đưa hàng vạn thương binh, bệnh binh ra miền Bắc. Vừa mở đường vận tải phục vụ chiến đấu, Bộ đội Trường Sơn đã tổ chức đánh hàng nghìn trận, bắn rơi 2.455 máy bay các loại, tiêu diệt hàng chục nghìn sinh lực địch (18.740 tên), phá hủy hàng vạn tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch. Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội giao phó, góp phần quan trọng, quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn. Ghi nhận chiến công và thành tích vẻ vang đó, Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; 85 đơn vị, 52 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và hàng trăm lượt đơn vị, hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng huân chương, huy chương các loại.
Binh đoàn 12 thi công Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng. Ảnh: TRƯỜNG SƠN |
Đến các công trình trọng điểm quốc gia trong hòa bình
Đất nước thống nhất, Bộ đội Trường Sơn được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ chuyển sang xây dựng kinh tế kết hợp củng cố quốc phòng, hàn gắn vết thương chiến tranh, với tên gọi Binh đoàn 12 (được thành lập ngày 10-10-1977, trên cơ sở lực lượng chủ yếu xây dựng cầu, đường của Bộ đội Trường Sơn trong chiến tranh). Trên mặt trận mới, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng của Binh đoàn không ngừng phát huy truyền thống của Bộ đội Trường Sơn anh hùng, có mặt ở khắp mọi miền đất nước, chủ yếu là những nơi khó khăn, gian khổ, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, triển khai xây dựng hàng nghìn công trình, dự án. Trong đó có nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh đất nước và nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào, Campuchia. Binh đoàn từng bước hội nhập, phát triển, trở thành một doanh nghiệp Quân đội có uy tín, thương hiệu trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy điện, thủy lợi và là đơn vị dự bị công binh cầu đường chiến lược của Bộ Quốc phòng.
35 năm qua (kể từ năm 1989, khi Binh đoàn 12 được chuyển thành doanh nghiệp kinh tế-quốc phòng, với tên doanh nghiệp là Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, tự hạch toán trong sản xuất, kinh doanh), đơn vị đã vượt qua nhiều khó khăn trước sự cạnh tranh gay gắt của kinh tế thị trường, chủ động tổ chức lại bộ máy phù hợp với mô hình hoạt động của một doanh nghiệp Quân đội. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, đơn vị đã đầu tư thiết bị hiện đại; chủ động tiếp cận thị trường, áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và luôn coi trọng “chữ tín” với khách hàng.
Năm 2023 vừa qua, dù phải đối mặt với nhiều thách thức, trong điều kiện khó khăn chung, nhưng quy mô sản xuất, kinh doanh của Binh đoàn 12 vẫn tăng trưởng khá cao. Giá trị sản xuất bằng 171% kế hoạch Bộ Quốc phòng phê duyệt, tăng 65% so với năm 2022. Giá trị doanh thu tăng 78% so với năm 2022. Binh đoàn và các đơn vị trong Binh đoàn đã ký hợp đồng 333 công trình xây lắp, rà phá bom mìn với giá trị 20.456 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2022. Việc làm chuyển tiếp sang năm 2024 và các năm tiếp theo trị giá hơn 34.000 tỷ đồng. Đời sống người lao động được cải thiện rõ rệt.
4 tháng đầu năm 2024, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ và người lao động của Binh đoàn 12 tiếp tục ghi nhiều dấu ấn trên các công trình trọng điểm quốc gia như: Công trình mở rộng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, dự án xây dựng sân bay Long Thành, dự án cao tốc Bắc-Nam... bởi tiến độ nhanh và kỹ thuật xây dựng tốt.
Tiếp tục lan tỏa hào khí Trường Sơn trong thời bình
Đó là lời hứa quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 12 trước anh linh của các liệt sĩ Trường Sơn, những người đã làm nên huyền thoại của tuyến chi viện chiến lược mang tên Bác Hồ vĩ đại.
Trong thời bình, Bộ đội Trường Sơn đã khẳng định vị thế của một doanh nghiệp kinh tế-quốc phòng mạnh của đất nước, đơn vị đã thi công và bàn giao đưa vào sử dụng hàng trăm công trình trên khắp mọi miền Tổ quốc, góp phần quan trọng củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; trong đó, có nhiều công trình trọng điểm quốc gia. Tiêu biểu như: Đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh-Trung Lương, TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Hà Nội-Thái Nguyên, Cam Lộ-La Sơn, La Sơn-Túy Loan; Quốc lộ 5; Quốc lộ 1A; đường Trường Sơn Đông; đường tuần tra biên giới; đường ô tô Tân Vũ-Lạch Huyện (Hải Phòng); cơ sở hạ tầng khu Công nghệ cao Hòa Lạc; tham gia xây dựng các hạng mục quan trọng của Nhà máy Thủy điện Sơn La, Lai Châu; thủy điện Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, làm tổng thầu xây dựng Nhà máy Thủy điện Srêpôk 3 (Đắk Lắk), xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Mơ mở rộng; hồ chứa nước Tả Trạch (Thừa Thiên Huế); hồ chứa nước Ngàn Trươi (Hà Tĩnh); hồ chứa nước Cánh Tạng (Hòa Bình); hồ chứa nước Ea H’leo 1 (Đắk Lắk); luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu; Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc (Kiên Giang); dự án cải tạo nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Nội Bài... Các công trình, dự án này đã góp phần lan tỏa hào khí Trường Sơn trong thời bình. Binh đoàn 12 còn dũng cảm tiếp nhận một số công trình, dự án đã được các cơ quan chức năng của Nhà nước giao cho các doanh nghiệp khác thi công nhưng họ đã rút khỏi công trình, dự án do không đủ khả năng thi công tiếp, ví như công trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Đray H'linh ở Đắk Lắk...
Những trang sử vẻ vang của Bộ đội Trường Sơn năm xưa đã cho Binh đoàn 12 hôm nay một điểm tựa, một thương hiệu vô giá. Thực tế, khi nhắc tới Trường Sơn, các chủ đầu tư đều có một niềm tin nhất định, vì đầu tiên họ sẽ nghĩ tới tính kỷ luật, sự quyết tâm của bộ đội trong lao động sản xuất. Kỷ luật và khả năng dân vận của bộ đội ở những địa bàn đóng quân đã giúp cho Trường Sơn giải quyết nhanh, gọn những việc khó liên quan tới giải phóng mặt bằng khi thi công xây lắp hay lúc cần điều quân đẩy nhanh tiến độ.
Thiếu tướng, TS NGUYỄN HỮU NGỌC
Tư lệnh Binh đoàn 12, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin