Đến nay đã mấy năm trôi qua, nhưng tôi vẫn còn nhớ như in những chia sẻ, những gói quà của Thượng tướng Bùi Văn Huấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, trong chuyến công tác ra thăm biển, đảo Trường Sa của Tổ quốc. Cái tâm, cái tầm của một vị tướng đối với nhiệm vụ, đối với Tổ quốc nói chung, Trường Sa nói riêng vẫn vẹn nguyên giá trị.
Thượng tướng Bùi Văn Huấn đến với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. |
Sau ba ngày, hai đêm cùng con tàu HQ 936 lênh đênh trên biển cả, xa xa trong tầm mắt chúng tôi đã thấy đảo Song Tử Tây. Mọi người không ai bảo ai tất cả cùng hô lớn: Đảo Song Tử Tây kia rồi! Tổ quốc mình nhìn đâu cũng thấy đẹp. Trong màn sương mờ đục, đảo Song Tử Tây hiện ra tựa như một ốc đảo xanh bồng bềnh trên mặt sóng.
Tôi cùng “vị tướng già”, tên gọi thân mật của anh em trong Đoàn công tác dành cho Thượng tướng Bùi Văn Huấn và các thành viên trên tàu vui mừng ôm nhau reo hò, ai cũng thấp thỏm chờ đợi cảm giác sung sướng khi được đặt chân lên bờ, được chạy nhảy và thu hết cảnh đẹp, con người trên hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc vào ống kính của chiếc máy ảnh.
Trong khoảng thời gian đợi chờ và “chuẩn bị tâm thế” để lên đảo, tôi đến boong tàu cùng “vị tướng già” uống chén trà nóng. Không giấu được xúc động, Thượng tướng Bùi Văn Huấn thổ lộ: “Đây là lần thứ sáu tôi ra Trường Sa, mỗi lần đi là một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời quân ngũ. Song lần này có lẽ ấn tượng hơn, bởi vì những ngày này toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang hướng về Trường Sa, Hoàng Sa-vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, hướng về cuộc sống của quân và dân trên các đảo và tôi không phải làm “trưởng hay phó đoàn” nữa, mà chỉ là một thành viên tham gia, mình “từ quan” về làm dân rồi”. Nói xong ông cười rất vui, nụ cười mãn nguyện của một vị tướng đã từng xông pha nhiều trận mạc.
Cùng Thượng tướng Bùi Văn Huấn và anh em lên đảo, một cảm giác sung sướng đến khó tả. Cán bộ, chiến sĩ và bà con trên đảo đón chúng tôi như người thân lâu ngày gặp lại, tay nắm chặt tay, mắt nhìn nhau rưng rưng xúc động. Dưới bóng những cây phong ba, bàng quả vuông, dương liễu..., từng đàn gà, vịt gọi nhau tìm về tổ ấm. Đàn bò lông mượt, béo núc ních, lười nhác nằm nhai cỏ. Thoáng xa xa trong gió và sóng biển ngân vang, chúng tôi lặng nghe tiếng trẻ đọc bài... Trường Sa xa cách ngàn trùng mà sao quá ấm áp, thân thuộc, chẳng khác gì những ngôi làng thân thuộc, yên bình mọc lên từ sóng...
Sáu lần ra Trường Sa, sáu lần Thượng tướng Bùi Văn Huấn đều “mang quà” của riêng mình ra tặng cán bộ, chiến sĩ và bà con ở nơi này. Lúc thì những bao đất phù sa được lấy từ những đồng ruộng tươi tốt trên đất liền; lúc thì những bao phân vi sinh, phân đạm, cây giống…
Trả lời câu hỏi của tôi: “Quà của Thượng tướng mang ra cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa lần này có gì đặc biệt hơn so với những lần trước?”, Thượng tướng Bùi Văn Huấn bộc bạch: Đợt này ra Trường Sa, tôi đem theo 50kg hạt cải, 30kg hạt rau muống và 100kg hạt đỗ xanh để tặng anh em bộ đội trên các đảo và 30 chiếc cặp học sinh để tặng các công dân nhỏ nơi đầu sóng, ngọn gió tiền tiêu của Tổ quốc.
Một ngày không xa, số hạt giống này sẽ được sinh sôi, nảy nở..., góp phần cho Trường Sa thêm đẹp, thêm xanh và cũng để cải thiện thêm chất rau trong bữa ăn của bộ đội. Còn 30 chiếc cặp sách tặng các cháu học sinh trên các đảo, là quà của một người bạn tặng cho tôi, tôi lại đem ra đảo tặng các cháu. Các cháu mang cặp vào rồi tung tăng đến trường, chở theo bao hoài bão, mơ ước... Tôi thấy vui, thấy mừng, ngoài học tập, các cháu có khu vui chơi với những cầu trượt, xích đu, thú nhún... như trên đất liền.
Các cháu học sinh ở đây chính là những chủ nhân tương lai của Trường Sa, của Tổ quốc. Đầu tư cho các cháu là đầu tư cho tương lai ngày mai của đất nước, Trường Sa của chúng ta vững mạnh, phát triển cũng đang chờ vào những chủ nhân này...
Cũng theo vị tướng già, lần thứ sáu vượt biển ra Trường Sa, có dịp trở lại các đảo: Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Đá Tây, Trường Sa Lớn và Nhà giàn DK1..., ông thấy cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo đổi thay rất nhiều. Ngày trước khi còn đương nhiệm, thì hằng ngày, hằng tháng được anh em chuyên môn báo cáo đầy đủ các hoạt động của quân và dân huyện đảo Trường Sa. Còn bây giờ hằng ngày, Thượng tướng Bùi Văn Huấn vẫn theo dõi về Trường Sa qua sách báo, truyền hình...
Mỗi bước tiến, mỗi bước trưởng thành của Trường Sa khiến ông rất mừng, Trường Sa bây giờ đã gần gũi với đất liền hơn. Nhiều công trình phòng thủ, công trình kinh tế, nhiều trường học, bệnh xá, nhà khách và cả chùa được xây dựng, đi vào hoạt động rất hiệu quả.
Bên cạnh tính trách nhiệm cộng đồng, tính hiệu quả của phong trào “Góp đá xây Trường Sa”, thì việc xây dựng Đài tưởng niệm các liệt sĩ Trường Sa tại đảo Trường Sa Lớn rất đẹp, rất có ý nghĩa, thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân của đồng bào ta ở trong và ngoài nước đối với các liệt sĩ đã hiến dâng máu xương của mình vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ngoài việc tăng gia sản xuất tự túc rau xanh trên đảo nổi, đảo lớn, thì Dự án kết hợp trồng rau xanh, nuôi trồng hải sản, gia súc, gia cầm, được quy hoạch và bước đầu đạt được hiệu quả. Những công trình kết hợp quốc phòng với kinh tế ngày càng phục vụ hiệu quả đời sống, sinh hoạt cho quân và dân huyện đảo như: Kết cấu giao thông-âu tàu, trạm thu phát tín hiệu điện thoại-truyền hình qua vệ tinh, trạm khí tượng thủy văn; hệ thống năng lượng sạch...
Các đảo đều có tủ sách, sách pháp luật và phòng đọc sách, báo... 100% số hộ dân và các đầu mối đơn vị được trang bị ti-vi, hệ thống thu tín hiệu vệ tinh. Đây là những cái mới, những thành tựu quan trọng đạt được để nâng tầm Trường Sa, giúp Trường Sa gần gũi với đất liền hơn và sẽ trở thành một trung tâm phát triển kinh tế sau này.
Những hạt cây của vị tướng già từ đất liền mang ra, mùa Xuân này chắc đã lớn lên, xanh tốt, đơm hoa kết trái... Đâu đó trên bầu trời xanh của biển, đảo Tổ quốc, những chú chim én đang bay về, chao lượn... báo hiệu một mùa Xuân nữa đang về với quân dân Trường Sa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin