Sáng 13-3, Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu tiến hành cuộc tập trận chung "Lá chắn tự do" (FS) thường kỳ, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng liên quan các vụ thử tên lửa của Triều Tiên.
Máy bay chiến đấu của Mỹ và Hàn Quốc tham gia cuộc diễn tập tại Hoàng Hải ngày 6/3/2023. (Ảnh: Yonhap/TTXVN) |
Giới chức Seoul cho biết, cuộc tập trận dựa trên mô phỏng máy tính sẽ kéo dài 11 ngày, với các kịch bản "thực tế" phản ánh các hoạt động tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Cuộc tập trận được tiến hành song song với cuộc huấn luyện trên thực địa mang tên "Khiên chiến binh" (Warrior Shield).
Theo kế hoạch, hoạt động tập trận diễn ra liên tục, kể cả các ngày cuối tuần. Đây được xem là cuộc tập trận chung lớn nhất của đồng minh Hàn - Mỹ trong 5 năm qua.
Trong 1 tuyên bố, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc nhấn mạnh, "Lá chắn tự do" là cuộc tập trận phòng thủ chung dựa trên kế hoạch phối hợp tác chiến, nhằm tăng cường năng lực phòng vệ của Hàn Quốc.
Bên cạnh cuộc tập trận này, Hàn Quốc và Mỹ lên kế hoạch tiến hành khoảng 20 cuộc diễn tập thực địa, trong đó có cuộc tập trận đổ bộ Ssangyong (Song long).
Giới chức Hàn Quốc cho biết, quân đội Mỹ dự kiến sẽ điều tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Nimitz tới Hàn Quốc vào cuối tháng 3 này để tham gia các hoạt động diễn tập phối hợp với hải quân Hàn Quốc liên quan đến cuộc tập trận "Lá chắn tự do".
Sáng 12-3, Triều Tiên thông báo phóng thử thành công 2 tên lửa hành trình chiến lược từ tàu ngầm 8.24 Yongun ngoài khơi thành phố duyên hải Sinpo ở phía đông. Động thái này được cho là nhằm phản đối các hoạt động diễn tập chung của liên minh Hàn - Mỹ.
Cùng ngày, lực lượng Không quân Hàn Quốc đã bắt đầu cuộc tập trận huấn luyện dã chiến riêng, bao gồm các nội dung xuất kích ban ngày và ban đêm; lên các phương án dự phòng về việc cung cấp đạn dược kịp thời, khôi phục khẩn cấp các đường băng bị hư hại và huấn luyện khả năng ứng phó các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học, sinh học và phóng xạ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin