Trong gần 3 năm tính đến tháng 10/2022, kho dự trữ vàng của Trung Quốc hầu như không thay đổi, song từ tháng 11 trở đi, Bắc Kinh lại đẩy mạnh mua vàng thỏi.
Ảnh minh họa - CCO |
Đài Sputnik đưa tin chính phủ Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu vàng trong tháng thứ năm liên tiếp. Các chuyên gia trong ngành nhận định động thái này là do Bắc Kinh đang chuẩn bị để đề phòng những biện pháp trừng phạt có thể xảy ra trong tương lai.
Chuyên gia tài chính người Trung Quốc Sun Xiaoji tin rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đang tích cực đẩy mạnh dự trữ vàng nhằm đối phó với khả năng bị loại trừ khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu bằng đồng đô la Mỹ.
Ông Sun lập luận rằng mặc dù Bắc Kinh tuyên bố chủ động phi đô la hóa, nhưng thực chất là biết rõ sớm muộn gì cũng sẽ bị Washington trừng phạt. Do đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang tìm kiếm một giải pháp thay thế cho đồng đô la Mỹ và giải pháp thay thế duy nhất đó là vàng.
Vị chuyên gia này cũng bình luận về nỗ lực phi đô la hóa hiện nay của nhóm Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) mà Trung Quốc là thành viên, cùng với Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi.
Ông Sun lý giải nguyên nhân các nước BRICS quyết định “hạ bệ” đồng USD không phải để thuận theo ý định của Trung Quốc và Nga. Thay vào đó, ông cho rằng vấn đề là do làn sóng toàn cầu hóa gần đây đã kết thúc và thế giới sắp bước vào giai đoạn phát triển theo khu vực, hoặc thậm chí là đối đầu giữa các khu vực.
Ngược lại, nhà tư vấn tài chính tại Anh, ông Fang Qi lại đánh giá việc PBoC giảm nắm giữ trái phiếu Mỹ và tăng dự trữ vàng chủ yếu do lo ngại về tỷ suất sinh lợi và giảm sự biến động.
Nhận xét này được đưa ra vài tuần sau khi PBoC tăng dự trữ vàng thêm khoảng 18 tấn. Tổng kho dự trữ vàng thỏi của quốc gia này hiện ở mức 2.068 tấn, sau khi cộng thêm khoảng 102 tấn trong bốn tháng trước tháng 3/2023.
Diễn biến xuất hiện sau khi Trung Quốc tuyên bố đạt được thỏa thuận với Brazil vào cuối tháng trước để giao dịch bằng đồng nội tệ, như một cú đánh mới nhằm vào đồng đô la Mỹ.
Tại thời điểm đó, truyền thông phương Tây cho rằng thỏa thuận này chủ yếu cho phép Trung Quốc, đối thủ hàng đầu của nền kinh tế Mỹ, và Brazil, nền kinh tế lớn nhất ở Mỹ Latinh, thực hiện trực tiếp các giao dịch tài chính và thương mại lớn bằng đồng nhân dân tệ và real, thay vì sử dụng USD làm trung gian.
Một báo cáo khảo sát gần đây của Ngân hàng Trung ương Brazil cho thấy, tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ đồng nhân dân tệ trong kho dự trữ ngoại hối quốc tế của Brazil đã đạt 5,37%, vượt qua tỷ trọng của đồng euro là 4,74. Điều này đồng nghĩa với việc nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ lớn thứ hai của quốc gia Nam Mỹ này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin