Canada điều tra nguyên nhân vụ nổ tàu lặn Titan

Thanh Phương (TTXVN) 11:14, 25/06/2023

Ngày 24/6, các nhà chức trách Canada đã mở cuộc điều tra về thảm kịch tàu lặn Titan bị nổ khi thám hiểm xác tàu Titanic dưới đáy Đại Tây Dương.

Tàu lặn Titan thuộc sở hữu của công ty tư nhân Ocean Gate - công ty chuyên vận hành và cung cấp dịch vụ thám hiểm đại dương. Ảnh: AFP/TTXVN
Tàu lặn Titan thuộc sở hữu của công ty tư nhân Ocean Gate - công ty chuyên vận hành và cung cấp dịch vụ thám hiểm đại dương. Ảnh: AFP/TTXVN


Phát biểu với báo giới tại cảng St. John's (thuộc tỉnh Newfoundland, Canada), Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông vận tải (TSB) của Canada - bà Kathy Fox khẳng định: "Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm hiểu điều gì đã xảy ra và nguyên nhân, đồng thời tìm ra phương hướng khắc phục nhằm giảm thiểu nguy cơ tái diễn những sự cố như vậy trong tương lai. Chúng tôi biết mọi người đều muốn có câu trả lời, đặc biệt là gia đình của các nạn nhân và công chúng”.  Theo bà Fox, quá trình điều tra toàn diện này có thể kéo dài từ 18 tháng đến 2 năm.

Trong ngày 24/6, các điều tra viên của TSB đã có mặt trên tàu chở hàng Polar Price - mang cờ Canada, đồng thời là "tàu mẹ", hỗ trợ cho chuyến thám hiểm của Titan. Tàu Polar Price đóng vai trò thả và thu hồi tàu lặn Titan, cũng như giữ liên lạc với Titan trong suốt hành trình thám hiểm.  Polar Prince rời Newfoundland vào ngày 16/6 vừa qua, cùng con tàu Titan xấu số. Có tổng cộng 41 người trên tàu, trong đó bao gồm cả 17 thành viên phi hành đoàn và 5 nhà thám hiểm đã thiệt mạng khi Titan phát nổ.

TSB có nhiệm vụ điều tra các vụ tai nạn hàng không, đường sắt, đường biển và đường ống dẫn dầu khí với mục đích cải thiện an toàn giao thông. Cơ quan này không quy lỗi hoặc xác định trách nhiệm dân sự hoặc hình sự đối với các bên liên quan.

Bà Fox cam kết TSB sẽ chia sẻ thông tin mà họ thu thập được với các cơ quan khác, như Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Mỹ và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ, trong phạm vi luật pháp của Canada. Bà đồng thời nêu rõ các bản ghi âm giọng nói và lời khai của nhân chứng sẽ được bảo vệ theo luật Canada.

Cũng trong ngày 24/6, Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) tuyên bố đã bắt đầu đánh giá các tình huống dẫn đến vụ tai nạn của tàu Titan, để từ đó quyết định xem có cần tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ hay không. Giới chức RCMP cho biết một cuộc điều tra đầy đủ sẽ chỉ được tiến hành trong trường hợp "có các tình huống cho thấy có sự vi phạm luật hình sự của liên bang hoặc của tỉnh".

Trước đó, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Mỹ cho biết vụ tai nạn trên Đại Tây Dương là "sự kiện gây thương vong lớn trên biển", do đó trách nhiệm điều tra chính thuộc về lực lượng tuần duyên Mỹ và ủy ban này sẽ cử người hỗ trợ.

Tàu lặn Titan mất liên lạc từ ngày 18/6, gần hai giờ sau khi bắt đầu hành trình thám hiểm xác tàu Titanic. Lực lượng Tuần duyên Mỹ ngày 22/6 xác nhận tàu Titan đã bị ép nát dưới đáy biển, 5 người trong khoang thiệt mạng. Các mảnh vỡ được tìm thấy ở khu vực cách mũi xác tàu Titanic 488 m.

Theo các chuyên gia, tàu Titan đã bị nghiền nát do áp suất nước khổng lồ ở độ sâu gần 4.000 km, khiến các nạn nhân tử vong gần như ngay lập tức, nhưng hiện chưa rõ đây là do trục trặc kỹ thuật của tàu hay thao tác sai của con người. Các điều tra viên sẽ phải trục vớt các mảnh vỡ từ dưới đáy biển để tìm hiểu thêm thông tin, nhưng nhiệm vụ này được cho là rất khó khăn và mất nhiều thời gian.

Trên thực tế, những câu hỏi về sự an toàn của tàu Titan đã được đặt ra từ năm 2018, trong một hội nghị chuyên đề của các chuyên gia trong ngành, và trong một vụ kiện của cựu giám đốc từng làm việc tại công ty OceanGate (Mỹ) - đơn vị vận hành tàu lặn Titan. Vụ kiện đã được giải quyết vào cuối năm đó.