Ngày 27/1, nhân kỷ niệm 80 năm giải phóng hoàn toàn Leningrad (nay là Saint Petersburg) khỏi phong tỏa, tại nhiều khu vực ở Nga đã diễn ra các hoạt động kỷ niệm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt hoa tại Tượng đài Mẹ Tổ quốc ở Nghĩa trang tưởng niệm Piskaryov. (Ảnh: KREMLIN.RU) |
Trước buổi hòa nhạc được tổ chức tại sân vận động “Gazprom Arena” ở Saint Petersburg nhân kỷ niệm sự kiện trọng đại này, Tổng thống Nga Vladimir Putin và những người có mặt đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân của nạn diệt chủng do Đức Quốc xã gây nên trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
Ông Putin nhấn mạnh, ngày hôm nay người dân cả nước bày tỏ lòng kính trọng sâu sắc nhất đối với sự dũng cảm, không chịu khuất phục của người dân và những người bảo vệ Leningrad. Số phận của thành phố, lòng dũng cảm và cuộc đấu tranh của người dân nơi đây vẫn sẽ mãi là một trong những trang bi thảm nhưng đầy kiêu hãnh, tự hào trong lịch sử nước Nga.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt hoa tại Tượng đài Mẹ Tổ quốc tại Nghĩa trang tưởng niệm Piskaryov. Tại làng Zaitsevo, quận Gatchina, thành phố Saint Petersburg, Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko cùng tham dự lễ khánh thành đài tưởng niệm những công dân Liên Xô là nạn nhân của Đức Quốc xã.
Nghĩa trang tưởng niệm Piskaryov. (Ảnh: KREMLIN.RU) |
Phát biểu tại lễ khánh thành, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, việc phong tỏa Leningrad của Đức Quốc xã là một quyết định chưa từng có tiền lệ về độ tàn ác và coi thường các chuẩn mực đạo đức. Hơn một triệu dân thường của thành phố này đã trở thành nạn nhân của đói khát, lạnh giá và bom đạn.
Vào ngày này, tại Saint Petersburg đã tổ chức bắn pháo tại Pháo đài Petropavlovsk và nhiều chương trình tưởng niệm thiết thực.
Thống đốc Saint Petersburg Alexander Beglov gửi lời chúc mừng tới toàn thể người dân thành phố. Ông Beglov khẳng định, sự kiên cường của người dân Leningrad vẫn là tấm gương về lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng bất diệt cho thế hệ ngày nay.
80 năm trước Leningrad được giải phóng hoàn toàn khỏi sự phong tỏa của phát-xít. Cuộc phong tỏa thành phố kéo dài gần 900 ngày và cướp đi sinh mạng của hơn một triệu người. Tuy nhiên, Leningrad vẫn “sống sót”, trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm và hy vọng cho toàn thế giới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin