Toàn tỉnh hiện có 196 cơ sở Phật giáo (với 195 chùa); 49 cơ sở tôn giáo của Công giáo; 12 Hội thánh Tin Lành cơ sở. Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường với các tổ chức tôn giáo về bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với biến đổi khí hậu, thời gian qua, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình BVMT thiết thực, hiệu quả.
Các phật tử chùa Thuần Lương, phường Lương Sơn (TP.Sông Công), thường xuyên giữ khuôn viên nhà chùa xanh, sạch, đẹp. |
Trước đây, nhiều phật tử của chùa Huống, xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên), sau khi dọn bàn thờ vào dịp cuối năm thường hay vứt chân nhang, bát hương, bàn thờ cũ xuống sông Cầu. Được sư thầy của nhà chùa vận động, các phật tử đã không vứt chân nhang, bát hương, bàn thờ cũ xuống sông mà thu gom sử dụng vào việc hữu ích khác.
Mục sư Hoàng Văn Thái, Trưởng Ban Đại diện Hội thánh Tin Lành tỉnh Thái Nguyên, chia sẻ: Hội thánh Tin Lành Chòi Hồng, xã Tràng Xá (Võ Nhai) có gần 400 tín đồ, hằng tháng các tín đồ đều phân công nhau quét dọn đường làng, ngõ xóm. Ngoài ra, để bảo vệ nguồn nước, bà con luôn nhắc nhở nhau không phun thuốc trừ sâu tại đầu nguồn nước và không phá rừng.
Trên đây chỉ là 2 trong nhiều cơ sở tôn giáo có những hành động thiết thực, cụ thể chung tay BVMT. Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường với các tổ chức tôn giáo về BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, MTTQ các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức cho các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc và tín đồ nắm được nội dung và mục tiêu của Chương trình để có những hành động cụ thể.
Sở Tài Nguyên và Môi trường thời gian qua luôn tích cực hỗ trợ, hướng dẫn cộng đồng tôn giáo thực hiện các biện pháp BVMT như: Sinh hoạt hợp vệ sinh, trồng hoa và cây xanh tại nơi ở, nơi công cộng, cơ sở tôn giáo... Thông qua chương trình phối hợp, các tổ chức tôn giáo, chức sắc, nhà tu hành tích cực tuyên truyền BVMT thông qua các buổi sinh hoạt giáo lý, thường xuyên tuyên truyền tới tín đồ về vai trò, ý nghĩa của vệ sinh môi trường đối với tín ngưỡng tôn giáo và sức khỏe con người.
Hàng năm, các tôn giáo đưa nội dung BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu vào hiến chương, điều lệ và chương trình hoạt động; vận động chức sắc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo nâng cao ý thức, hành động BVMT...
Với sự nỗ lực đó, nhận thức của đồng bào tôn giáo về BVMT được nâng lên rõ rệt. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 24 mô hình “Cộng đồng tôn giáo và dân cư tham gia BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Điển hình như, huyện Võ Nhai xây dựng được 9 mô hình, gồm: Xóm Chòi Hồng (xã Tràng Xá); xóm Lân Vai (xã Dân Tiến); xóm Đồng Day (xã Phương Giao); xóm La Mạ (xã Lâu Thượng); xóm Mỏ Chì (xã Cúc Đường); xóm Ngọc Sơn I (xã Thần Sa); xóm Lũng Luông (xã Thượng Nung); xóm Khuổi Mèo (xã Sảng Mộc); tổ dân phố 1 (thị trấn Đình Cả). TP. Sông Công xây dựng được 4 mô hình, gồm: tổ dân phố Làng Mới (phường Bách Quang); chùa Tân Yên, xóm Đông Tiến (xã Tân Quang); xóm La Cảnh 2 (xã Bá Xuyên); chùa Thuần Lương (phường Lương Sơn)...
Ông Nguyễn Đức Tôn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, cho biết: Trong thời gian tới, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, MTTQ các cấp sẽ cùng Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các khu dân cư có đồng bào tôn giáo sinh sống duy trì hiệu quả các mô hình “Cộng đồng tôn giáo và dân cư tham gia BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu” hiện có và xây dựng, nhân rộng thêm nhiều mô hình mới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin