Thế giới trước trách nhiệm bảo vệ rừng

Theo NDĐT 11:03, 14/03/2023

Lưu vực sông Congo đang đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng khi lượng mưa tại đây có thể giảm tới 10% vào cuối thế kỷ này do tốc độ phá rừng tăng nhanh. Rừng xanh đang kêu cứu trước nạn phá rừng bừa bãi và tác động của biến đổi khí hậu, đẩy nhiều loài động, thực vật quý hiếm vào nguy cơ tuyệt chủng.

Khói bốc lên từ một đám cháy rừng ở Cuba. 
Khói bốc lên từ một đám cháy rừng ở Cuba. 

Nạn chặt phá rừng là một trong những nguyên nhân hàng đầu phá hủy cuộc sống của cộng đồng dân cư và làm mất đa dạng sinh học trên Trái đất. Đáng nói là, theo báo cáo do nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận Global Canopy thực hiện, nhiều công ty và tổ chức tài chính lớn trên thế giới, vốn góp phần vào nạn chặt phá rừng dưới các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp, lại không có bất kỳ chính sách nào để bảo vệ rừng.

Cụ thể, trong số 500 công ty và tổ chức tài chính có ảnh hưởng lớn nhất đến nạn phá rừng nhiệt đới, có tới 201 công ty không đưa ra bất kỳ chính sách chống phá rừng nào.

Tầm quan trọng của việc phát triển và bảo vệ rừng từ lâu đã được thế giới quan tâm. Hồi tháng 12/2022, tại Hội nghị lần thứ 15 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15) ở thành phố Montreal của Canada, các quốc gia đạt được thỏa thuận lịch sử nhằm bảo vệ 30% diện tích đất và biển của thế giới vào năm 2030.

Dù nhận thức chung về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng đã được nâng cao song trên thực tế, nạn phá rừng vẫn xảy ra phổ biến. Các nhà khoa học cảnh báo, hơn một phần ba diện tích rừng nhiệt đới Amazon bị suy thoái do hoạt động của con người và hạn hán. Từ rừng Amazon đến các khu rừng của châu Phi và Đông Nam Á, nạn chặt phá rừng trên diện rộng có nguy cơ khiến lượng mưa giảm trên khắp vùng khí hậu nhiệt đới.

Các nhà khoa học cảnh báo, nạn phá rừng trên diện rộng gây gián đoạn vòng tuần hoàn của nước. Điều này khiến lượng mưa giảm đáng kể. Theo một nghiên cứu, lượng mưa tại lưu vực sông Congo có khả năng giảm tới 10% vào cuối thế kỷ này.

Biến đổi khí hậu khiến các đợt sóng nhiệt trở nên khắc nghiệt và thường xuyên hơn, từ đó làm gia tăng các vụ cháy rừng. Một vụ hỏa hoạn xảy ra mới đây ở miền đông Cuba đã thiêu rụi gần 3.600ha rừng thông, đồng cỏ và cây cà phê của nước này.

Theo Cơ quan Kiểm lâm Cuba, chỉ riêng tháng 2/2023, hơn 80 vụ cháy rừng xảy ra ở nước này, con số tương đối cao so với cùng kỳ các năm trước đó. Trong khi đó, Chile đã đưa ra báo động đỏ về nguy cơ cháy rừng trên diện rộng tại 26 cộng đồng dân cư ở miền nam và miền trung nước này.

Vấn đề huy động tài chính cho các nỗ lực bảo vệ thiên nhiên luôn được quan tâm thảo luận tại các hội nghị khu vực và quốc tế về môi trường, khí hậu. Tại hội nghị cấp cao về bảo vệ rừng diễn ra ở Gabon hồi đầu tháng 3/2023, Pháp đã thông báo đóng góp thêm 100 triệu euro cho kế hoạch bảo tồn rừng nhiệt đới thế giới.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cam kết hỗ trợ 200 triệu euro cho các dự án bảo vệ môi trường tại Brazil. Một phần trong khoản hỗ trợ nêu trên được chi cho các dự án xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, tiết kiệm năng lượng, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo trong công nghiệp và giao thông, cũng như dự án tái trồng rừng ở các khu vực bị suy thoái.

Mỹ, một trong những quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, cho biết nước này đang cân nhắc đóng góp cho Quỹ Amazon và nhấn mạnh, thế giới không thể đạt được mục tiêu giới hạn tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C nếu không bảo vệ rừng mưa Amazon.

Rừng là môi trường sống quan trọng của hàng triệu loài sinh vật và là lá chắn để chống lại biến đổi khí hậu. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng nhiều lần thúc giục cộng đồng quốc tế rằng, đây chính là thời điểm để đưa ra những hành động thực tế và đáng tin cậy, chấm dứt các mô hình tiêu thụ và sản xuất không bền vững gây nguy hiểm cho rừng.