Tuy là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của tỉnh nhưng số hộ dân ở khu vực nông thôn của TP. Thái Nguyên vẫn chiếm khá lớn. Để người dân nâng cao ý thức về vệ sinh môi trường sống, xây nhà tiêu hợp vệ sinh thì công tác tuyên truyền luôn được đưa lên hàng đầu. Đây cũng là phần việc được lực lượng y tế ở 32/32 xã, phường trên địa bàn thành phố thực hiện xuyên suốt trong những năm qua.
Hằng năm, cán bộ y tế phường Hương Sơn (TP. Thái Nguyên) đều kiểm tra chéo các tiêu chí y tế, trong đó có tiêu chí về xây nhà tiêu hợp vệ sinh. |
Khoảng 5 năm trước, số hộ dân chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh của TP. Thái Nguyên vẫn còn khá lớn. Ông Nguyễn Văn Thành, xã Phúc Trìu, cho hay: Những năm trước, nhiều hộ dân còn thờ ơ do chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của vệ sinh môi trường sống, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh hoặc “tiếc rẻ” khi phải đầu tư một khoản tiền không nhỏ để xây dựng hạng mục này.
Để người dân hiểu được tầm quan trọng của bảo vệ sức khỏe, môi trường sống bằng việc ăn chín, uống sôi, đặc biệt là xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, lực lượng y tế cơ sở đã rất tích cực tuyên truyền, vận động người dân theo nhiều hình thức. Khi thì thông tin trên các cụm loa xã, phường; lúc lại lồng ghép với các buổi họp xóm, tổ dân cư, sinh hoạt các chi hội…
Chị Đinh Thị Sen, cán bộ Trạm Y tế phường Đồng Bẩm, nói: Chúng tôi không chỉ tuyên truyền tại Trạm, lồng ghép trong các hội nghị mà còn vận động trực tiếp tại hộ dân. Chúng tôi nhấn mạnh để người dân hiểu, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh không chỉ giúp bà con sống trong môi trường trong sạch mà còn giúp cho việc phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. “Mưa dầm thấm lâu”, dần dần, người dân cũng đã hiểu ra và chủ động xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, Trung tâm cũng đã tập huấn nâng cao năng lực truyền thông, thay đổi hành vi cho cán bộ y tế xã, phường, lãnh đạo các khu dân cư, xóm, phố, cũng như nhân viên y tế thôn bản. Ông Hà Đức Trịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên, cho biết: Qua tập huấn đã giúp lực lượng y tế cơ sở có kiến thức để hướng dẫn người dân các kỹ thuật xây dựng nhà tiêu và cách sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Đồng thời chỉ ra cho người dân biết việc sử dụng nhà tiêu không hợp vệ chính là nguyên nhân gây nên một số bệnh dịch tiêu hoá ảnh hưởng đến sức khoẻ gia đình và cộng đồng…
Với nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, cùng sự đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác nhau, số hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn TP. Thái Nguyên tăng nhanh theo thời gian. Hết năm 2022, tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh của thành phố là 81.922/83.503, đạt 98%, tăng 0,8% so với 2 năm trước. Trong đó, tỷ lệ hộ dân thành thị (sống tại phường) có nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm 98,9%; tỷ lệ hộ dân ở nông thôn (sống tại xã) có nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm 95,5%. Đáng nói, 100% trạm y tế của thành phố đều có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh… đảm bảo an toàn cho công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Khẳng định tính hiệu quả của việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, chị Lê Thị Hóa, xã Tân Cương, chia sẻ: Trước đây, gia đình chưa chú trọng xây nhà tiêu hợp vệ sinh. Cách đây 3 năm, gia đình tôi đã xây dựng công trình vệ sinh khép kín, có nhà xí tự hoại, mọi sinh hoạt thuận tiện hơn rất nhiều. Đặc biệt là không còn tình trạng mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường xung quanh như trước.
Có thể thấy, việc làm tốt công tác truyền thông đã phát huy nội lực trong dân, đẩy lùi một số tập quán, thói quen không có lợi trong cộng đồng. Nhận thức về vệ sinh môi trường sống, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh được nâng lên đồng nghĩa với việc chất lượng sống của cộng đồng dân cư cũng được cải thiện đáng kể. Vì vậy, trong thời gian tới, TP. Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phấn đấu 100% số hộ dân trên địa bàn có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin