Cần xác định nguyên nhân gây ô nhiễm sông Đu

Dương Hưng 16:05, 18/04/2023

Thời gian qua, người dân sinh sống ở xóm Bến Giềng, xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên), lo lắng trước thực trạng nguồn nước sông Đu (đoạn chảy qua  xóm) chuyển màu đen, bốc mùi và xuất hiện cá chết. Mặc dù chính quyền địa phương đã kiểm tra nhưng chưa xác định được nguyên nhân của tình trạng này…

Nước sông Đu chuyển màu, đoạn chảy qua xóm Bến Giềng, xã Sơn Cẩm.
Nước sông Đu chuyển màu, đoạn chảy qua xóm Bến Giềng, xã Sơn Cẩm.

Ông Nguyễn Nam Tiến ở xóm Bến Giềng, xã Sơn Cẩm, cho biết: Tình trạng cá chết nhiều nổi trên mặt sông xuất hiện vào giữa tháng 3 vừa qua. Ban đầu chỉ có vài con cá nổi bụng như kiểu thiếu ô xi, sau đó cả lươn cũng chết. Một số con cá còn lại rúc vào các khe nước chảy từ ruộng xuống. Trước đây, tình trạng cá chết cũng có nhưng chỉ vài con.

Còn bà Lý Thị Hoa, nhà ở xóm Bến Giềng, nói: Gia đình tôi bán tạp hóa, cách bờ sông Đu hơn 100m. Giữa tháng 3, nước sông phát tán mùi thối, bay đến tận nhà tôi nên phải đóng kín cửa. Những ngày sau đó, nguồn nước có đỡ đen hơn, mùi hôi thối cũng giảm. Bà con trong xóm nghi nguồn nước bị ô nhiễm chứ không phải do thời tiết hay bệnh dịch khiến cá chết…

Có mặt tại sông Đu vào thời điểm đầu tháng 4 (đoạn chảy qua xóm Bến Giềng), chúng tôi thấy nước sông đã chuyển thành màu đen, trên mặt có rất nhiều bọt khí. Theo nhiều người dân tại đây, khi nào nước sông chuyển màu đen đặc thì kèm theo mùi hôi thối rất khó chịu, với chu kỳ khoảng 10-15 ngày 1 lần.

Ông Nguyễn Văn Thành, người có nhiều năm sinh sống bằng nghề đánh cá trên dòng sông Đu, cho biết: Vài năm trở lại đây, nguồn nước sông ngày càng bị ô nhiễm, nặng nhất là từ thị trấn Giang Tiên về đến khu vực giao với sông Cầu, dài hàng chục km. Nguồn nước bị ô nhiễm khiến các loại cá, tôm trên sông Đu gần như cạn kiệt. Trước đây, mỗi khi xuất hiện cá chết, nước sông chuyển màu, người dân chúng tôi nghi ngờ do một đơn vị tập kết quặng ở xã Sơn Cẩm, nhưng khi kiểm tra cơ sở này thì không phát hiện có nguồn thải ra sông Đu. Sau khi xuất hiện cá chết nhiều, chúng tôi đi dọc sông đến cầu Giang Tiên vẫn phát hiện tình trạng cá chết.

Theo lãnh đạo xã Sơn Cẩm, sau khi nhận được phản ánh của người dân, chính quyền địa phương đã xuống kiểm tra và có phát hiện cá chết dưới sông. Bên cạnh đó, địa phương cũng đi kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến dọc sông để xác định nguồn thải. Tuy nhiên, tại xã Sơn Cẩm không có cơ sở nào khả nghi gây ô nhiễm… Xã mong muốn cơ quan chuyên môn vào cuộc đánh giá chất lượng nguồn nước sông Đu, xác định nguyên nhân gây ô nhiễm.

Sông Đu chảy từ các xã Ôn Lương, Phủ Lý, Phấn Mễ, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương), qua xã Sơn Cẩm rồi vào sông Cầu. Dọc 2 bờ, thuộc khu vực thượng nguồn của sông Đu, có nhiều cơ sở chế biến than, trạng trại chăn nuôi quy mô lớn và một số nhà máy chế biến khoáng sản có nguồn thải ra sông… Từ lâu, sông Đu đã bị ô nhiễm, nhưng hiện tượng nguồn nước chuyển màu, bốc mùi và cá chết bất thường thì mới xuất hiện.

Vì vậy, cơ quan chức năng cần xác định rõ nguyên nhân để đưa ra biện pháp xử lý triệt để. Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, chăn nuôi xả thải ra sông không đảm bảo quy chuẩn về bảo vệ môi trường.