Mục tiêu kiềm chế sự tăng nhiệt của Trái Đất trong giới hạn 1,5 độ C so thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp dường như đang xa tầm với khi lượng khí thải CO2 đang tiến tới mức cao nhất mọi thời đại.
Hoàng hôn ở Bucharest (Romania) khi nhiệt độ lên tới ngưỡng 38 độ C, ngày 17/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Giới chuyên gia cho rằng, các đợt lũ lụt thảm khốc, hạn hán làm héo khô cây trồng và nắng nóng kỷ lục trong năm 2022 là những chỉ dấu cho thấy những cảnh báo về biến đổi khí hậu đang ngày một trở thành hiện thực, mặc dù nhiều nỗ lực quốc tế vẫn đang được triển khai nhằm cắt giảm tối đa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Trong năm 2022, thế giới đã ghi nhận một số tiến bộ vượt bậc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu với những quy định pháp lý quan trọng được thông qua tại Mỹ và châu Âu, cũng như việc các nước đạt một thỏa thuận sau các cuộc đàm phán của Liên hợp quốc về hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương ứng phó với những tác động ngày càng gia tăng của tình trạng biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, mục tiêu kiềm chế sự tăng nhiệt của Trái Đất trong giới hạn an toàn là 1,5 độ C so thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp dường như đang trôi xa tầm với, khi lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch - nguyên nhân chính gây ấm lên toàn cầu - đang tiến tới mức cao nhất mọi thời đại trong năm nay.
Tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập hồi tháng 11 vừa qua, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo các nhà lãnh đạo thế giới rằng nhân loại đang phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn: hoặc hợp tác cùng nhau trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu, hoặc "tự sát tập thể".
Trước đó, trong tháng 2/2022, các chuyên gia khoa học khí hậu của Liên hợp quốc đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ nhất về những mối nguy hiểm mà con người và Hành tinh Xanh phải đối mặt trong một báo cáo mang tính bước ngoặt về tác động của biến đổi khí hậu - tài liệu mà họ gọi là "Bản đồ về sự thống khổ của con người".
Để chứng minh về điều này, kể từ sau khi báo cáo được công bố, một loạt các diễn biến thời tiết cực đoan đã cho thấy nguy cơ ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, dù nhiệt độ Trái Đất mới chỉ tăng thêm 1,2 độ C.
Những đợt nắng nóng kỷ lục đã gây thiệt hại mùa màng từ Trung Quốc đến châu Âu, trong khi hạn hán khiến hàng triệu người ở vùng Sừng châu Phi rơi vào cảnh chết đói. Biến đổi khí hậu đã gây lũ lụt nghiêm trọng tại Pakistan, ảnh hưởng đến cuộc sống của 33 triệu người và gây thiệt hại về kinh tế khoảng 30 tỷ USD.
Nhà khoa học về khí hậu Robert Vautard, Giám đốc Viện Pierre-Simon Laplace (Pháp) cho biết: "Năm 2022 là một trong những năm nóng nhất trên Trái Đất, với tất cả các hiện tượng thiên tai xảy ra khi nhiệt độ cao hơn. Thật không may, đây mới chỉ là sự bắt đầu".
Năm 2022 đang trên đà trở thành năm nóng thứ 5 hoặc thứ 6 từng được ghi nhận trong lịch sử nhân loại, bất chấp tác động kể từ năm 2020 của La Nina - một hiện tượng xảy ra một cách tự nhiên và định kỳ ở Thái Bình Dương có tính năng làm mát bầu khí quyển. Do đó, chuyên gia Vautard cho rằng, khi chu kỳ La Nina kết thúc (dự kiến trong vài tháng tới), nền nhiệt trung bình của thế giới sẽ còn tăng lên một nấc mới.
Trong bối cảnh các điều kiện khí hậu cực đoan gây thiệt hại cho nền kinh tế - vốn đang chịu mức giá năng lượng tăng cao do xung đột tại Ukraine, COP27 đã thiết lập dấu mốc lịch sử, với việc những nước giàu gây ô nhiễm nhất trí thành lập một quỹ tài chính để hỗ trợ các nước nghèo hơn khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Khí hậu Pakistan Sherry Rehman gọi động thái này là "khoản trả trước trong chi phí đầu tư dài hạn hơn cho tương lai chung của chúng ta". Tuy nhiên, điều đó là chưa đủ để các quốc gia dễ bị tổn thương và các nhà hoạt động vì khí hậu thật sự hài lòng.
COP27 đã không đưa ra được mức giảm phát thải cần thiết để hạn chế tổn thất và thiệt hại vì biến đổi khí hậu trong tương lai. Chuyên gia Harjeet Singh thuộc Mạng lưới Hành động khí hậu cho biết: "COP27 đã giải quyết hậu quả của biến đổi khí hậu, nhưng không xử lý phần nguyên nhân - đó là nhiên liệu hóa thạch".
Để duy trì mức tăng nhiệt của Trái Đất ở 1,5 độ C, lượng khí thải khiến Hành tinh Xanh nóng lên cần phải giảm 45% vào năm 2030 và tiếp tục giảm xuống mức 0% vào giữa thế kỷ này.
Tại COP26 ở Glasgow (Vương quốc Anh) năm 2021, các quốc gia được khuyến khích tăng cường cam kết về giảm phát thải. Nhưng chỉ có khoảng 30 nước chú ý đến lời kêu gọi đó và vì vậy, thế giới đang trên đà nóng lên khoảng 2,5 độ C.
Tổng Thư ký Guterres đã chỉ trích sự thất bại của các cuộc đàm phán về khí hậu trong việc đưa ra các biện pháp cắt giảm mạnh lượng khí thải cần thiết, đồng thời nhấn mạnh rằng: "Hành tinh của chúng ta vẫn đang trong phòng cấp cứu".
Đầu tháng này, Liên hợp quốc đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp khác tại Montreal (Canada), nhằm giải quyết một cuộc khủng hoảng khác mà Hành tinh Xanh phải đối mặt, đó là mất đa dạng sinh học do hoạt động của con người đang gây tổn hại nghiêm trọng cho thiên nhiên.
Các quốc gia đã nhất trí về lộ trình đảo ngược nhiều thập kỷ hủy hoại môi trường, đe dọa sự sống của các loài, cũng như hệ sinh thái trên đất liền và đại dương vốn hỗ trợ sự sống cho Trái Đất.
Ông Guterres ca ngợi thỏa thuận này là một "hiệp ước hòa bình với thiên nhiên", nhưng một số nhà hoạt động vì môi trường lại cho rằng kế hoạch này chưa đạt kỳ vọng.
Vết nứt tại thềm băng Larsen C ở Nam Cực, tháng 2/2017. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Dự kiến, một loạt các sự kiện quan trọng về khí hậu có thể sẽ kéo dài trong năm tới. Theo bà Laurence Tubiana - người đứng đầu Quỹ Khí hậu châu Âu - trong số các hoạt động này sẽ bao gồm cả cuộc họp mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), sau "yêu cầu chính thức xem xét hệ thống tài chính quốc tế và xem xét vai trò của các tổ chức tài chính quốc tế" sau COP27.
Cuộc họp về khí hậu tiếp theo của Liên hợp quốc sẽ diễn ra vào tháng 11/2023 tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) - một quốc gia xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch.
Theo kế hoạch, sự kiện này sẽ chứng kiến việc công bố "bảng kiểm kê toàn cầu" về tiến độ thực hiện các mục tiêu được đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 nhằm hạn chế sự ấm dần lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C và lý tưởng nhất là 1,5 độ C.
Bà Tubiana, kiến trúc sư chính của Hiệp định Paris cho rằng, các cuộc đàm phán ở UAE có thể sẽ "rất căng thẳng" và bị chi phối bởi cuộc thảo luận về ngành dầu khí, cũng như đóng góp tài chính của lĩnh vực này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin