Kỳ tích của bóng đá châu Á tại World Cup 2022: Không tự nhiên mà có

Anh Khoa 17:02, 18/12/2022

Lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ World Cup, châu Á có 3 đại diện góp mặt ở vòng đấu knock-out. Hơn thế, chắc hẳn người hâm mộ môn túc cầu thế giới không thể không ấn tượng bởi cách các đại diện của châu lục đông dân nhất thế giới hiên ngang bước vào vòng 1/16 World Cup 2022, cũng như tâm thế khi họ phải rời giải.

Nhật Bản tạo “cơn địa chấn” với chiến thắng ngược dòng lịch sử 2-1 trước tuyển Đức ở lượt trận ra quân bảng E World Cup 2022. Ảnh: Inrtenet.
Nhật Bản tạo “cơn địa chấn” với chiến thắng ngược dòng lịch sử 2-1 trước tuyển Đức ở lượt trận ra quân bảng E World Cup 2022. Ảnh: Inrtenet.

Dù phải rời World Cup một cách đầy tiếc nuối, nhưng hành trình của “Samurai xanh” trên đất Qatar không chỉ khiến người hâm mộ phải cúi đầu thán phục mà còn gợi mở nhiều điều cho các nền bóng đá đang trong tiến trình vươn lên “tầm World Cup”. Rơi vào bảng đấu khó, với sự hiện diện của những cựu vô địch thế giới là Đức, Tây Ban Nha. Vậy nhưng, tuyển Nhật Bản đã ngược dòng đầy thuyết phục vượt qua cả “Những cỗ xe tăng” và “Bò tót” để bước vào vòng 1/16 với tư cách nhất bảng.

Ở vòng knock – out, tuyển Nhật Bản đã chơi sòng phẳng với đương kim á quân World Cup 2018 Croatria sau 120 phút và chỉ chịu thua trên chấm 11m đầy may rủi. Có thể khẳng định, bóng đá Nhật Bản đã có sự trưởng thành vượt bậc ở sân chơi thế giới.

Tiếp bước Nhật Bản, tuyển Hàn Quốc cũng tạo “địa chấn” khi lội ngược dòng ngoạn mục đánh bại tuyển Bồ Đào Nha để đoạt vé vào vòng knock-out với tư cách đội xếp thứ 2 bảng H.

Trong khi đó, Australia gây ấn tượng không kém khi giành hai chiến thắng trước các đối thủ mạnh là Đan Mạch và Tunisia để cùng có 6 điểm như đương kim vô địch thế giới Pháp, nhưng xếp nhì bảng D bởi chỉ số phụ.

Mặc dù ở vòng 1/16 cả Hà Quốc và Australia đều không thể hiện được nhiều trước những ứng viên hàng đầu thì giới chuyên môn đều có chung nhận định: Khoảng cách trình độ giữa các đội bóng châu Á với các đội bóng hàng đầu thế giới đã không còn quá xa.

Vậy, điều gì làm lên thành công của các đội bóng đến từ châu Á ở kỳ World Cup lần này? Đó chắc chắn phải là thành quả của sự nỗ lực không ngừng với chiến lược phát triển bóng đá quốc gia bài bản mà xương sống là giải vô địch quốc gia cùng dấu ấn chiến thuật, tinh thần thi đấu, cống hiến hết mình của mỗi cầu thủ.

Tất nhiên, không thể không kể đến sự đầu tư về tiền bạc, cơ sở vật chất và kỹ thuật… Ở bài viết này, người viết mạn đàm một khía cạnh đó là sự đóng góp của các cầu thủ đang thi đấu ở những nền bóng đá hàng đầu thế giới. Chính họ là những nhân tố then chốt tạo nên sự khác biệt, điểm tựa để các đồng đội tự tin thi triển tài năng của mình trước những anh tài bóng đá đương đại mà không “choáng ngợp”.

Nhìn vào đội hình thi đấu của Nhật Bản, Hàn Quốc hay Australia, người hâm mộ không khó để nhận ra có tới trên một nửa là cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài. Có thể kể đến như Ritsu Doan (Freiburg), Tomiyasu (Arsenal), Minamino (Monaco), Kubo (Real Sociedad); Maeda (Celtic)... của tuyển Nhật Bản; Son Heung-min (Tottenham), Hwang Ui-jo (Olympiacos),  tiền vệ Hwang Hee-chan (Wolverhampton), thủ môn Kim Seung-gyu (Al-Shabab) của Hàn Quốc… Thủ môn Ryan (Copenhagen), tiền vệ Leckie của Australia…

Rõ ràng, dù đóng góp ở những mức độ khác nhau, song họ chính là những then chốt, chìa khóa mở ra thành công của đội bóng trong hành trình đầy tự hào ở World Cup 2022. Với kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao, kỹ, chiến thuật có được sau những ngày khổ luyện, trui rèn ở các đội bóng chuyên nghiệp hàng đầu đã phát huy tác dụng đúng lúc.

Vậy nên, không chỉ đưa các giải đấu quốc nội “tương thích” với khung thời gian của các giải bóng đá chuyên nghiệp hàng đầu thế giới mà các nhà quản lý, các câu lạc bộ chủ quản cần tạo điều kiện tốt nhất để những cầu thủ con cưng có điều kiện ra nước ngoài thi đấu, phát triển tài năng, trui rèn kỹ chiến thuật. Đó cũng là cách để các đội bóng châu Á tiệm cận trình độ của các đội bóng hàng đầu thế giới.