Công tác tại Phòng bán hàng online (Trung tâm kinh doanh VNPT Thái Nguyên) nhưng ngoài kết quả công tác, chị Mai Thanh Thúy còn có thành tích thi đấu bóng bàn đáng nể. Tính đến nay, chị đã "sở hữu" hơn 50 huy chương các loại, trong đó có hơn 30 Huy chương Vàng, 10 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng.
Chị Mai Thanh Thuý cùng đồng đội Phạm Đức Long (Thái Nguyên) giành Huy chương Vàng nội dung đôi nam nữ tại Giải bóng bàn các đơn vị, địa phương toàn quốc thành viên Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam lần thứ II. |
Mới đây nhất, chị Thúy “ẵm” thêm 1 Huy chương Vàng tại Giải bóng bàn các đơn vị, địa phương toàn quốc thành viên Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam lần thứ II, tổ chức cuối tháng 12/2022. Chị chia sẻ: Giải gồm 10 đoàn, với hơn 100 vận động viên tham gia. Đoàn Thái Nguyên có 8 vận động viên tham gia thi đấu ở nhiều nội dung khác nhau. Kết quả, chúng tôi giành 15 huy chương các loại, gồm: 8 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng.
Kết thúc Giải, chị Thúy cùng đồng đội trở về trong niềm hân hoan chiến thắng - “Nhất toàn đoàn”. Đó chỉ là một trong rất nhiều lần chị làm thủ lĩnh "đưa quân" tham gia các giải đấu đầy kịch tính. Chị bảo: Quan trọng khi lâm trận phải bình tỉnh, tự tin, biết tận dụng ưu điểm của mình để tấn công vào điểm yếu của đối thủ. Nhưng quan trọng hơn cả là cống hiến cho khán giả những đường bóng đẹp, chứ không phải ở việc thắng hay thua.
Rồi chị dừng lời phóng đôi mắt ra màn trời ấm nắng. Tôi nhìn theo, thấy ở đó những sắc hoa nồng thắm đang đua nở gọi Xuân về. Trong không khí phấn chấn, tươi mới thường làm lòng người hoài niệm về một thời mình đã trải qua.
Chị Thúy bâng khuâng: Tôi sinh ra ở Hải Dương, cùng thời với huyền thoại bóng bàn Việt Nam Vũ Mạnh Cường. 6 tuổi, tôi bắt đầu làm quen với bộ môn bóng bàn. Huấn luyện viên Phạm Đức Thành (sau này là Vụ phó Vụ Thể thao Thành tích cao; Trưởng Bộ môn bóng bàn) là cậu ruột tôi. Ông là người thầy đầu tiên hướng dẫn cho tôi bước vào bộ môn bóng bàn bài bản nhất. Tôi nhanh chóng học được các chiêu thức bóng từ giản đơn đến phức tạp, như: kỹ thuật đỡ bóng xoáy trái, phải, lên, xuống; kỹ thuật đỡ giao bóng ngắn, dài; cách phán đoán được bóng đến, tốc độ bóng, độ xoáy và giật bóng phải, trái. Rồi khi trả giao bóng phải lập tức chuyển từ phòng ngự sang tấn công, chủ động kiểm soát bóng để tấn công hiệu quả nhất...
Để tự nâng cao kỹ thuật, trau dồi, đúc kết kinh nghiệm, hằng ngày, chị Thúy tham gia tập luyện, cọ sát cùng các anh chị lớp trên. 7 tuổi, chị được tỉnh lựa chọn cho tham gia đội tuyển thi đấu Giải trẻ Thiếu niên nhi đồng toàn quốc tại Hà Nội và lọt vòng 8 quốc gia. Không có huy chương, cô bé Thúy bấy giờ chỉ thoáng buồn rồi chú tâm tập luyện kiên trì hơn.
Và Thúy đã từng bước đến gần hơn đài vinh quang bằng việc thi đấu nhiệt tình. Chị không nhớ mình đã “đánh” bao nhiêu trận. Cả những tấm huy chương giành được trong suốt nhiều năm thi đấu cũng không nhớ chính xác. Cứ “áng chừng hơn năm chục cái chưa chắc đã hết”. Chị hồn nhiên, vô tư lự, chỉ có quả bóng bàn mới đủ sức mê hoặc một tâm hồn chân chất. 10 tuổi, Thúy giành Huy chương Vàng tại Giải Vô địch các trường năng khiếu toàn quốc tổ chức tại Nghĩa Bình (nay là hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định) năm 1986 và trở thành vận động viên cấp I quốc gia.
Tiếp tục với những tháng ngày học tập, tập luyện và thi đấu, chị liên tục giành huy chương ở các mùa giải. Những tấm huy chương ấy vô tình trở thành “tấm vé thông hành” đưa chị đến tỉnh Thái Nguyên. Năm 1995, chị được tuyển dụng vào làm việc tại Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên. Ngay năm này, chị được tỉnh trưng tập cử tham gia thi đấu tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc và đứng thứ 5 về thành tích bóng bàn.
Công việc bận rộn, nhưng chị Thúy tham gia hầu hết các mùa giải dành cho vận động viên không chuyên, và mùa giải nào chị cũng có huy chương. Chị cho biết: Trong 2 năm gần đây, dịch COVID-19 làm nhiều giải đấu phải hủy bỏ, nhưng tôi vẫn được tham dự 5 giải câu lạc bộ quốc gia và giải ngành, giành tổng số 9 huy chương các loại, trong đó 4 huy chương Vàng, 3 huy chương Bạc và 2 huy chương Đồng.
Giây lát dừng lời với vẻ suy nghĩ, chị thủ thỉ: Năm 2022, tôi tham gia làm trọng tài tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31).
Thường xuyên tham gia các đoàn vận động viên của tỉnh đi thi đấu, nhưng chưa bao giờ chị Thúy làm ảnh hưởng đến công việc chuyên môn. Chị nhiều năm liên tục là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Hằng ngày, ngoài giờ làm việc, chị lại cùng bạn bè cầm vợt giao đấu với tinh thần rèn luyện sức khỏe để làm việc minh mẫn. Chị nói vui: Tôi sẽ chơi bóng bàn cho đến lúc đôi tay không còn sức cầm vợt, đôi mắt không còn nhìn thấy bóng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin