Nhìn nhận lại hơn 90 phút thư hùng trên sân Mỹ Đình ở trận chung kết lượt đi AFF Cup 2022, chúng ta phải cay đắng thừa nhận: Thái Lan vẫn nhỉnh hơn Việt Nam một bậc về bản lĩnh thi đấu, đặc biệt là “độ lì” và “chất quái”.
Chất quái và độ lì của Bunmathan (phải) giúp tuyển Thái Lan chiếm ưu thế trước tuyển VN. |
Độ lì cả trên băng ghế chỉ đạo và trên sân
HLV Mano Polking khiến khá nhiều người, trong đó có cả BHL và các thành viên tuyển VN, bất ngờ khi cất những cầu thủ tấn công có phong độ cao như Bordin Phala (2 bàn/6 trận) và Ekanit Panya, người thường xuyên khuấy đảo bên hành lang cánh phải và để lại dấu ấn với 1 đường kiến tạo sau 6 trận đá chính.
Thay vào đó là những gương mặt hết sức lạ lẫm: Weerathep Pomphan (18) và Poramet Arjvirai (21) lần đầu đá chính tại AFF Cup 2022. Những “chú Voi chiến” cũng chuyển đội hình từ 4-4-2 sang thành 4-5-1 ưu tiên số đông ở khu vực giữa sân để kiểm soát bóng và kiểm soát trận đấu.
Hai nhân tố trẻ lần đầu xuất trận nhưng chơi tự tin và xuất sắc trong cả tấn công lẫn phòng ngự. Thậm chí Poramet Arjvirai chính là người đã phá bẫy việt vị của tuyển VN, quặt trôi Ngọc Hải và dễ dàng hạ gục thủ thành Văn Lâm, tạo nên bước ngoặt của trận đấu.
Với cách sắp xếp sơ đồ chiến thuật hợp lý, tuyển Thái chỉ lúng túng trước sức ép của VN trong khoảng 30 phút đầu trận. Nhưng sau đó họ đã xốc lại đội hình, chơi mạnh mẽ và quyết tâm hơn trước sức ép của tuyển VN cùng khoảng 40.000 khán giả trên sân Mỹ Đình.
Những nhân tố chủ chốt của Thái như S.Yoonen, A.Kraisorn, và đặc biệt là Bunmathan, đã từng bước thể hiện được bản lĩnh lì lợm trong từng pha bóng, trong từng khoảnh khắc tiếp theo của trận đấu.
Có cảm giác càng vào thế khó thì các tuyển thủ Thái lại càng bình tĩnh, càng quyết tâm và cùng với đẳng cấp kỹ chiến thuật vốn có, họ đã biến 60 phút còn lại của trận chung kết lượt đi trên sân Mỹ Đình thành sàn diễn của riêng họ.
Chất quái của Theerathon Bunmathan
Với 2 đường kiến tạo đẳng cấp thì cầu thủ mang áo số 3 của tuyển Thái được bình chọn là cầu thủ xuất sắc nhất trận. Nhưng nếu chỉ xem xét và nhìn nhận hoàn toàn dựa trên những yếu tố chuyên môn thì quả thực tài năng của đội trưởng bên phía đội tuyển Thái Lan đã vượt qua tầm của Đông Nam Á. Những năm tháng thi đấu tại J-League đã nâng tầm cầu thủ này về kỹ năng xử lý, nhất là bộ óc quan sát - phân tích - đưa ra quyết định để giải quyết vấn đề một cách nhanh và chính xác nhất. Hãy nhìn 2 đường chuyền chết người của Bunmathan: độ chính xác tuyệt đối, lực chuyền hoàn hảo đến đúng vị trí người nhận.
Và yếu tố quan trọng nhất của 2 đường chuyền là tính thời điểm. Không biết đội trưởng Thái quan sát, phân tích tình huống ra sao, nhưng khi anh cất chân chuyền thì đều là lúc hàng phòng ngự VN chệch choạc giữa việc lên xuống của Quế Ngọc Hải, là sự xộc xệch về cự ly đội hình của Duy Mạnh - Tiến Dũng hay là những tình huống dâng lên quá chậm của Văn Hậu - Việt Anh.
Đó thực sự là những pha kiến tạo đẳng cấp, cả về ý đồ, thời điểm và tính chính xác, chất nghệ thuật của người chuyền bóng. Cả những tình huống sẵn sàng gây chiến với Quế Ngọc Hải trong những tình huống tranh cãi trên sân, phản ứng gay gắt nhưng có kiểm soát để tránh thẻ không đáng có. Tất cả đã tạo nên một đội trưởng Bunmathan khá toàn diện của đội tuyển Thái.
Cần “tỉnh” hơn đối thủ
Trận chung kết lượt đi đã khép lại với một chút lợi thế nghiêng về người Thái với 2 bàn thắng trên sân khách. Nhưng như thầy Park đã chia sẻ, chúng ta vẫn có thể giành ngôi vô địch một cách ngọt ngào nếu giành chiến thắng 1-0 trong trận lượt về. Đó không phải là một hy vọng quá hão huyền, bởi ngay trong trận đấu vừa qua đã có 30 phút đầu tuyển VN chơi tốt, vấn đề chỉ là chúng ta đã không thể duy trì được phong độ đó trong suốt thời gian của trận đấu.
Đối đầu với một Thái Lan lì lợm thì chúng ta cần “tỉnh” hơn họ, và đối đầu với “chất quái” của Bunmathan thì thầy Park cũng cần có những tính toán chi tiết, cụ thể hơn về mặt chuyên môn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin