Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số có vai trò quan trọng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực Kiểm sát. Xác định rõ tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đối với việc nâng cao chất lượng công tác kiểm sát, thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp trong tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai các giải pháp phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong công tác kiểm sát.
Năm 2023, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên được nhận Cờ thi đua của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. |
Để công tác chuyển đổi số được thực hiện hiệu quả, toàn diện, VKSND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của ngành Kiểm sát tỉnh do đồng chí Viện trưởng làm Trưởng Ban và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo; đồng thời ban hành và quán triệt đến các đơn vị VKSND hai cấp thực hiện nghiêm quy chế quản lý và sử dụng Internet, quy chế sử dụng thư điện tử trong ngành Kiểm sát. Trên cơ sở đó, mỗi đơn vị đều đề ra kế hoạch, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả, phân công rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể chịu trách nhiệm trong từng khâu, lĩnh vực công tác và tiến độ hoàn thành...
Một trong những dấu ấn trong công tác chuyển đổi số năm 2023 của ngành Kiểm sát tỉnh là việc tổ chức thành công Cuộc thi xây dựng Báo cáo án bằng sơ đồ tư duy thông qua phần mềm XMind để nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức vào công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Sau Cuộc thi này, việc báo cáo án bằng sơ đồ tư duy đã và đang được các đơn vị áp dụng thường xuyên.
Hội nghị giao ban công tác tháng của ngành Kiểm sát được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. |
VKSND tỉnh chỉ đạo VKSND cấp huyện thực hiện báo cáo án bằng sơ đồ tư duy đối với các vụ án thuộc diện phải báo cáo lãnh đạo Viện và Ủy ban Kiểm sát, các vụ án do VKSND cấp huyện thỉnh thị, vụ án có tính chất phức tạp. Theo đó, nội dung vụ án được trình bày có hệ thống, logic, trực quan và sinh động bằng hình ảnh, sơ đồ nội dung kết hợp với tài liệu, chứng cứ (chữ viết, âm thanh, hình ảnh, vật chứng...). Việc báo cáo bằng hình ảnh và video về vụ án ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo phản ánh đúng, toàn diện các hành vi phạm tội của từng đối tượng, giúp kiểm sát viên hệ thống được toàn bộ các tài liệu, chứng cứ trong vụ án.
Cùng với báo cáo án bằng sơ đồ tư duy, thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, VKSND hai cấp của tỉnh đã tích cực triển khai số hóa hồ sơ các vụ án, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phân tích, chứng minh các chứng cứ tại phiên tòa... Đây được xem là bước đột phá lớn trong công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát và Tòa án, phục vụ cho hoạt động tranh tụng, xét xử tại phiên tòa đảm bảo khách quan, chính xác và thuyết phục cao.
Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân huyện Định Hóa báo cáo án bằng sơ đồ tư duy. |
Bằng phương pháp sử dụng thiết bị công nghệ để chuyển chứng cứ ở dạng văn bản thành dạng thông tin hình ảnh hoặc video để những người tiến hành tố tụng sử dụng máy tính, thông qua thiết bị trình chiếu có thể nhìn thấy, nghiên cứu và trích cứu, số hóa hồ sơ vụ án đã nâng cao tính thuyết phục đối với những người tham gia tố tụng, đồng thời giúp cơ quan kiểm sát hạn chế việc in ấn, chuyển hóa các chứng cứ điện tử thành giấy tờ cũng như thuận lợi cho việc lưu trữ; giúp việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan tiến hành tố tụng thuận lợi hơn. Trong kỳ, VKSND hai cấp đã phối hợp tốt với TAND hai cấp tỉnh tổ chức 183 phiên tòa số hóa. Trong đó, 156 phiên tòa hình sự, 20 phiên tòa dân sự và 7 phiên tòa hành chính (tăng 92 phiên tòa so với năm trước).
Bên cạnh đó, VKSND tỉnh và VKSND cấp huyện thường xuyên rà soát, đánh giá đúng thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin; qua đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị. Đơn cử như: Trình bày báo cáo bằng hình thức trình chiếu hình ảnh minh họa tại các hội nghị; chuyển, nhận văn bản, tài liệu và sử dụng tài liệu tại các hội nghị bằng dữ liệu điện tử; lập các nhóm mạng xã hội để xử lý công việc kịp thời; lập hệ thống bảng biểu trên máy vi tính nhằm theo dõi công việc...
Ngoài ra, trong năm, VKSND tỉnh còn tổ chức hội nghị tập huấn phần mềm quản lý văn bản và điều hành cho cán bộ, công chức các đơn vị VKSND hai cấp...
Một phiên tòa xét xử trực tuyến do Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức. |
Từ thực tế có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành cũng như công tác chuyên môn nghiệp vụ của VKSND hai cấp bước đầu đã tạo sự chuyển biến tích cực trong mọi hoạt động, xây dựng môi trường làm việc từng bước hiện đại, minh bạch, khoa học, đảm bảo chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm, kiểm sát tốt các hoạt động tư pháp... Qua đó góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, cải cách tư pháp của ngành Kiểm sát... Trên cơ sở đó, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tiếp tục được ngành Kiểm sát tỉnh xác định là khâu công tác đột phá trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Đồng chí Phùng Đức Tiến, Viện trưởng VKSND tỉnh, cho biết: Trong bối cảnh khối lượng công việc cần xử lý ngày càng lớn, nguồn nhân lực có hạn thì việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là cần thiết và tất yếu. Năm 2024, ngành Kiểm sát Thái Nguyên xác định là năm bứt phá, chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực từ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành cho tới hoạt động nghiệp vụ với các mục tiêu cụ thể.
Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 17/5/2021 của Viện trưởng VKSND Tối cao về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong Ngành...
Năm 2024, ngành Kiểm sát tỉnh Thái Nguyên đề ra các mục tiêu chuyển đổi số: 100% văn bản trao đổi, xử lý công việc hành chính trong ngành Kiểm sát được thực hiện trên môi trường mạng, có chữ ký số chuyên dùng; 100% đơn khiếu nại, tố cáo, đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong lĩnh vực quản lý hành chính và trong lĩnh vực tư pháp của ngành được theo dõi, quản lý trên môi trường mạng; thực hiện báo cáo án bằng sơ đồ tư duy đối với 100% vụ án hình sự, hành chính; thủ trưởng các đơn vị VKSND hai cấp chỉ đạo thực hiện đầy đủ các phần mềm, quy định, chỉ đạo của VKSND Tối cao về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số... |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin