Tạo đột phá từ Quy hoạch tỉnh

Thu Hằng (Thực hiện) 16:56, 10/02/2024

Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/3/2023 (QHT Thái Nguyên), được xem là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với định hướng phát triển, tạo ra sự đột phá của địa phương trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Để hiểu rõ hơn về nội dung này, phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc trao đổi với đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, trước thềm Xuân 2024.

Toàn bộ bản đồ, đồ án Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên được công khai rộng rãi. Trong ảnh: Các bản đồ, đồ án Quy hoạch tỉnh được in trên khổ lớn trưng bày tại sảnh tầng 2 Trụ sở Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh.
Toàn bộ bản đồ, đồ án Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên được công khai rộng rãi. Trong ảnh: Các bản đồ, đồ án Quy hoạch tỉnh được in trên khổ lớn trưng bày tại sảnh tầng 2 Trụ sở Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh.

P.V: Trước hết, đồng chí có thể cho biết, QHT Thái Nguyên sẽ khắc phục được những hạn chế gì trong phát triển kinh tế - xã hội, cũng như diện mạo của tỉnh Nguyên hiện nay?

Đ/c Trịnh Việt Hùng: Theo thống kê của cơ quan chức năng, giai đoạn 2011-2020, cả nước có trên 3.600 quy hoạch được lập cho cấp Quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh. Trong đó có trên 3.300 quy hoạch ngành, sản phẩm. Số lượng quy hoạch lớn, chưa đồng bộ… đã dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, làm ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án, chương trình phát triển kinh tế -xã hội (KT-XH). 

Xuất phát từ thực tế đó, năm 2017, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch với phương pháp quy hoạch tích hợp, đây là phương pháp tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững, tránh được sự trùng chéo, mâu thuẫn giữa các quy hoạch trước đây. Qua đó, số lượng quy hoạch đã giảm tới 97%, hiện chỉ còn 111 quy hoạch.

Với nỗ lực và quyết tâm cao nhất của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Thái Nguyên là tỉnh thứ 5 trong toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt QHT. QHT được phê duyệt giúp huy động nguồn lực một cách đồng bộ và đạt hiệu quả cao nhất; đây là kim chỉ nam để tỉnh Thái Nguyên hoạch định phương hướng phát triển, lãnh đạo, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển KT-XH, phát triển không gian trên địa bàn tỉnh; đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực để phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.

Đồng chí Trịnh Việt Hùng trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Thái Nguyên.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Thái Nguyên.

P.V: Điều gì khiến đồng chí cảm thấy tâm đắc nhất ở bản Quy hoạch này?

Đ/c Trịnh Việt Hùng: Đó là việc đã tích hợp được tất cả nội dung quan trọng, cần thiết trong phát triển và định hướng phát triển của tỉnh đồng bộ với định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị, về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bao gồm quan điểm, mục tiêu cụ thể; phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng; phương án tổ chức các hoạt động KT-XH; phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng; phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đến phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên.

Theo đó, đến năm 2030, Thái Nguyên sẽ trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

QHT Thái Nguyên cũng đã xuất sắc giành được giải Bạc - Giải thưởng quốc tế tại Singapore về quy hoạch (Singapore Insitute Planners) của Viện Quy hoạch Singapore hồi cuối tháng 9-2023. Điều này thêm một lần nữa khẳng định chất lượng và giá trị mà QHT Thái Nguyên mang lại.

Một góc trung tâm TP. Thái Nguyên.
Một góc trung tâm TP. Thái Nguyên.

P.V: Sau khi được phê duyệt, UBND tỉnh đã triển khai các bước để thực hiện quản lý QHT cũng như nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với QHT như thế nào, thưa đồng chí?

Đ/c Trịnh Việt Hùng: Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện QHT tỉnh trên các ngành, lĩnh vực, địa phương liên quan để tổ chức thực hiện. Tính đến cuối tháng 12-2023, cả 9/9 huyện, thành phố đã được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; 3 huyện được phê duyệt quy hoạch vùng huyện. Các đơn vị khác đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, phê duyệt quy hoạch vùng huyện.

P.V: Đồng chí có thể nói rõ thêm về những điểm nhấn trong QHT, nhất là trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế đến năm 2030?

Đ/c Trịnh Việt Hùng: Trong năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đã thông qua đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đối với 4 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ thông tin tập trung; đồng ý chủ trương thành lập 6 cụm công nghiệp trên địa bàn theo QHT được phê duyệt; chấp thuận chủ trương đầu tư 2 sân gôn, gồm: Dự án Khu thể thao sân gôn Tân Thái (Đại Từ) và Dự án Sân gôn Glory (TP. Phổ Yên)...

Dự án nâng cấp, mở rộng đường gom đoạn từ nút giao Yên Bình đến Khu công nghiệp Yên Bình (TP. Phổ Yên) đã cơ bản hoàn thành.
Dự án nâng cấp, mở rộng đường gom đoạn từ nút giao Yên Bình đến Khu công nghiệp Yên Bình (TP. Phổ Yên) đã cơ bản hoàn thành.

Cùng với đó, tỉnh cũng đã tập trung nguồn lực triển khai, xây dựng nhiều công trình, dự án có ý nghĩa quan trọng, trọng điểm về kết nối giao thông để liên kết vùng, tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt, tạo sự đột phá, thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, khẳng định vị thế, vai trò trung tâm, tạo động lực lan tỏa phát triển KT-XH của tỉnh đối với cả vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị.

Trong đó, đáng chú ý là các dự án: Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc; Phát triển tổng hợp đô thị động lực TP. Thái Nguyên; cầu Huống Thượng; đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội (đoạn tuyến từ Quốc lộ 37 đến cầu vượt sông Cầu, huyện Phú Bình); Nâng cấp, cải tạo ĐT.266, ĐT.261…

Với các định hướng phát triển được phê duyệt trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, QHT Thái Nguyên còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, việc tỉnh đã và đang quyết liệt triển khai các nhiệm vụ ngay sau khi QHT được phê duyệt đã cho thấy quyết tâm đi tắt, đón đầu; nắm bắt cơ hội thu hút đầu tư và khát khao tạo ra thêm các động lực bứt phá đưa Thái Nguyên ngày càng phát triển.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Theo Quy hoạch tỉnh, Thái Nguyên xây dựng và phát triển 2 vùng KT-XH bao gồm:

- Vùng phía Nam với 3 khu vực (i) Cụm TP. Thái Nguyên - Sông Công - Phổ Yên là khu vực đô thị hóa tập trung, là hạt nhân và là động lực phát triển KT-XH của tỉnh; (ii) huyện Phú Bình là đô thị công nghiệp, công nghệ cao, đổi mới và sáng tạo; (iii) huyện Đại Từ là đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch.

- Vùng phía Bắc được phân thành 2 khu vực: (i) Khu vực Đông Bắc gồm huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ; (ii) Khu vực Tây Bắc gồm huyện Định Hóa và Phú Lương. Định hướng phát triển là vùng bảo vệ thiên nhiên; bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa; phát triển nông, lâm nghiệp; công nghiệp chế biến; khai thác khoáng sản và du lịch.