Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật: Nền tảng cho sự phát triển

Hoàng Anh (Thực hiện) 08:33, 17/12/2023

Xây dựng, thi hành pháp luật nhằm bảo đảm cho hệ thống pháp luật vận hành thông suốt, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Những năm qua, Thái Nguyên luôn chú trọng nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Thái Nguyên phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Sơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, về vấn đề này.

Ông Nguyễn Hữu Sơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp.
Ông Nguyễn Hữu Sơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp.

P.V: Ông có thể khái quát về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật tại tỉnh Thái Nguyên? Vai trò của Sở Tư pháp trong lĩnh vực này?

Ông Nguyễn Hữu Sơn: Thể chế pháp luật và thực thi pháp luật là nền tảng quan trọng để xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ, công bằng cũng như phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Vì vậy, hoạt động xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh được xác định là một yêu cầu cấp bách và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 12/4/2022 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật”. Ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, các cấp, ngành đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; UBND tỉnh đã phê duyệt đề án Tăng cường hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2023 – 2025. Theo đó, vai trò của các cấp ủy đảng, nhất là tổ chức đảng ở các cơ quan trực tiếp tham mưu xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật trong hoạt động này đã được nâng lên; kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật được tăng cường…

Với vai trò, nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp đã trực tiếp tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về xây dựng văn bản QPPL và theo dõi thi hành pháp luật trên các lĩnh vực như: Soạn thảo, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, trực tiếp thẩm định văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành, theo dõi thi hành pháp luật trong các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành.

Hằng năm, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch kiểm tra công tác xây dựng văn bản QPPL và theo dõi thi hành pháp luật tại các đơn vị cấp huyện và sở, ngành cấp tỉnh; qua công tác kiểm tra đã phát hiện các sai sót, tồn tại, hạn chế, bất cập trong hệ thống văn bản cũng như hoạt động thi hành pháp luật của địa phương, kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn, kiến nghị xử lý...

P.V: Ông có thể cho biết kết quả nổi bật trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?  

Ông Nguyễn Hữu Sơn: Trong năm 2023, Sở đã tiến hành thẩm định 62 dự thảo văn bản QPPL (25 nghị quyết của HĐND, 37 quyết định của UBND), giúp các văn bản được ban hành đúng pháp luật, góp phần xây dựng hệ thống thể chế, chính sách trên các lĩnh vực đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, minh bạch, đáp ứng yêu cầu quản lý.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 201 văn bản QPPL, trong đó có 79 nghị quyết, 122 quyết định. Các quyết sách liên quan đến hầu hết lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, như: Đầu tư, nông nghiệp - nông thôn, giáo dục, y tế... Trong đó mở ra cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút, tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản về phân công, phân cấp quản lý nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt cho các cấp chính quyền và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Có thể khẳng định công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL và thi hành pháp luật có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

P.V: Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật, Sở Tư pháp sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Sơn: Thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục chú trọng vào các giải pháp tham mưu nâng cao chất lượng hệ thống văn bản pháp luật của tỉnh, cùng các sở, ngành xác định trọng điểm cần ưu tiên xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, góp phần tạo bứt phá đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sở tiếp tục nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản QPPL, đảm bảo tuân thủ trình tự, thủ tục luật định, nhất là công tác lấy ý kiến, đánh giá tác động của chính sách, tác động của thủ tục hành chính, thẩm định dự thảo văn bản; nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện cơ chế kiểm soát, nhất là kiểm soát trong công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL; huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân trong xây dựng và thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện, kiến nghị, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc thay thế những văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo tính thống nhất, hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi, hiệu quả của hệ thống pháp luật…

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!