Dự án Khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm TP. Thái Nguyên, bài 1: Nâng tầm đô thị - Bước đi đột phá

Hồng Hà - Kim Oanh 10:02, 18/02/2024

Đón Xuân mới Giáp Thìn 2024, nhân dân TP. Thái Nguyên nói riêng, tỉnh Thái Nguyên nói chung, có thêm niềm vui mới: Trong tương lai không xa, TP. Thái Nguyên sẽ có thêm tuyến phố đi bộ văn minh, hiện đại, diện mạo đô thị tiếp tục được nâng lên ở một tầm cao mới. Hằng ngày, không ai khác, người dân Thái Nguyên sẽ trực tiếp được thụ hưởng những thành quả này…

Dự án Khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm TP. Thái Nguyên đưa vào sử dụng sẽ tạo tính kết nối với hạ tầng đô thị sẵn có, tạo điểm nhấn cho đô thị Thái Nguyên ngày càng hiện đại, khang trang.
Dự án Khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm TP. Thái Nguyên đưa vào sử dụng sẽ tạo tính kết nối với hạ tầng đô thị sẵn có, tạo điểm nhấn cho đô thị Thái Nguyên ngày càng hiện đại, khang trang.

Tạo điểm nhấn đô thị

Cùng với TP. Nam Định (tỉnh Nam Định), TP. Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), TP. Thái Nguyên là một trong những thành phố công nghiệp ra đời sớm ở miền Bắc (từ năm 1962). Do đó, đến thời điểm hiện tại, không gian, chức năng đô thị đã bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là những không gian sinh hoạt cộng đồng như quảng trường, công viên, sân vận động, hệ thống đường giao thông nội thị…

Theo định hướng phát triển, trong tương lai không xa, tỉnh Thái Nguyên sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng Trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội. TP. Thái Nguyên sẽ là một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng.

Đến năm 2050, TP. Thái Nguyên phấn đấu đạt tiêu chuẩn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có bản sắc rõ ràng, thông minh, là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại, đáng sống.

Với mục tiêu trên, tỉnh Thái Nguyên đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung TP. Thái Nguyên đến năm 2035 tại Quyết định số 1989/QĐ-TTg ngày 26/11/2021.

Theo đó, tại phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên) có 3,62ha đất thể dục - thể thao được điều chỉnh thành chức năng đất sử dụng hỗn hợp (dịch vụ, thương mại, văn phòng, đất ở, cơ quan, cây xanh).

Phương án quy hoạch nhằm mở rộng quảng trường lớn trung tâm, không gian công cộng, thương mại, văn hóa - nghệ thuật, cơ quan, phố đi bộ, cây xanh, tạo thành trục cảnh quan kết nối Quảng trường Võ Nguyên Giáp với sông Cầu, phục vụ cộng đồng và sinh hoạt văn hóa cho nhân dân, tạo nên một điểm đến văn hóa hấp dẫn với nhân dân và du khách; nâng cao chất lượng đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.

Ông Ngô Sỹ Hưởng, nguyên Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Dự án Khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm TP. Thái Nguyên thể hiện tư duy, tầm nhìn và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh nói chung, TP. Thái Nguyên nói riêng. Công trình sẽ phát huy được lợi thế về hạ tầng giao thông hiện có, góp phần khai thác hiệu quả các công trình văn hóa, lịch sử trên địa bàn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển…

Theo quy hoạch, Sân vận động hiện tại sẽ được di chuyển và xây dựng mới tại khu vực phía Tây của TP. Thái Nguyên, nhường chỗ để triển khai Dự án Khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm thành phố.

Với phương án điều chỉnh này, trên địa bàn TP. Thái Nguyên sẽ hình thành tuyến phố đi bộ đầu tiên với tổng diện tích trên 7,7ha tại phường Trưng Vương - một phường trung tâm, đáp ứng niềm mong mỏi của người dân cũng như tạo điểm nhấn đô thị.

Phối cảnh Khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm TP. Thái Nguyên.
Phối cảnh Khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm TP. Thái Nguyên.

Đáp ứng niềm mong mỏi của người dân

TP. Thái Nguyên được thành lập từ năm 1962 trên cơ sở thị xã Thái Nguyên được hình thành từ đầu thế kỷ XX, cùng với việc đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên - “cánh chim đầu đàn” của công nghiệp nặng trong công cuộc xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Năm 1996, đồ án Quy hoạch chung TP. Thái Nguyên được phê duyệt. Từ thời điểm này, TP. Thái Nguyên đã được xác định là đô thị trực thuộc tỉnh, trung tâm vùng Trung du, miền núi phía Bắc.

Năm 2002, TP. Thái Nguyên được nâng lên thành đô thị loại II để đáp ứng nhu cầu phát triển, đến năm 2010 được nâng lên thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Với hai dấu mốc này, đồ án Quy hoạch chung TP. Thái Nguyên đã lần lượt được điều chỉnh lần thứ nhất và lần thứ hai, làm cơ sở thực hiện định hướng phát triển TP. Thái Nguyên bền vững, hiện đại.

Đến nay, theo định hướng phát triển, việc tổ chức phố đi bộ trong khu vực trung tâm TP. Thái Nguyên là rất cần thiết, đáp ứng niềm mong mỏi của người dân cũng như tạo điểm nhấn cho mỹ quan đô thị. Vì khu vực này hiện tại và trong tương lai tập trung nhiều loại hình giao thông công cộng, trong đó thành phố đã quy hoạch nhiều tuyến kết nối vào khu trung tâm. Do đó, phố đi bộ sẽ giúp kết nối và giải quyết ùn tắc giao thông, tạo mỹ quan đô thị, phục vụ du lịch - thương mại...

Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Thái Nguyên: Việc triển khai tuyến phố đi bộ đối với một đô thị phát triển là phù hợp với thực tiễn khách quan, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Nhìn về góc độ quy hoạch, vị trí của tuyến phố đi bộ hoàn toàn phù hợp, kết nối Quảng trường Võ Nguyên Giáp với sông Cầu, tạo cảnh quan, điểm nhấn cho đô thị

Không những thế, Thái Nguyên là địa phương có nhiều điều kiện để phát triển các tuyến phố đi bộ do có lợi thế về phát triển du lịch với vị trí địa lý, kinh tế, lịch sử, văn hóa, điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi, là trung tâm kinh tế, văn hóa của khu vực Việt Bắc nói riêng, vùng Trung du, miền núi phía Bắc nói chung.

Như vậy, đô thị Thái Nguyên trong tương lai không xa sẽ có thêm điểm nhấn đô thị quan trọng này, vì thế diện mạo đô thị sẽ tiếp tục được nâng lên ở một tầm cao mới, văn minh, hiện đại hơn. Và không ai khác, người dân Thái Nguyên sẽ trực tiếp được thụ hưởng những thành quả này…

Dự án Khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm TP. Thái Nguyên được xây dựng trên tổng diện tích 7,7ha, bao gồm các hạng mục chính: Phố đi bộ, cơ quan, không gian công cộng, thương mại, văn hóa - nghệ thuật, cây xanh...

Dự án hoàn thành sẽ tạo nên không gian công cộng văn hóa - nghệ thuật, tạo thành trục cảnh quan quan trọng kết nối Quảng trường Võ Nguyên Giáp và sông Cầu, hoàn thiện không gian, kiến trúc cảnh quan khu vực trung tâm TP. Thái Nguyên.