Hướng đến nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại là mục tiêu quan trọng đang được huyện Phú Bình đẩy mạnh thực hiện. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Lãnh đạo xã Điềm Thụy (Phú Bình) thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính của cán bộ, công chức trong xã. |
Xã Điềm Thụy là một trong những địa phương tiêu biểu của huyện Phú Bình về triển khai chính quyền số. Từ đầu năm 2024 đến nay, tỷ lệ giải quyết hồ sơ dịch vụ công trực tuyến của xã đạt 97,4%; không có hồ sơ bị tồn đọng; tỷ lệ số hóa hồ sơ đạt 100%; cán bộ, công chức đều sử dụng thành thạo các phần mềm, nền tảng số...
Ông Dương Ngọc Thơm, Chủ tịch UBND xã Điềm Thụy, cho biết: Địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho cán bộ và nhân dân. Đối với người dân, chúng tôi yêu cầu tổ công nghệ số cộng đồng thường xuyên thông tin các thủ tục hành chính trên dịch vụ công trực tuyến trong buổi họp xóm hoặc nhà dân. Địa phương thành lập tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã để tới các xóm hoặc trực tại Bộ phận Một cửa hướng dẫn người dân cách nộp hồ sơ dịch vụ công. Đối với cán bộ, xã thường xuyên cử tham gia các lớp tập huấn về công tác chuyển đổi số do cấp trên tổ chức.
Cũng như Điềm Thụy, các xã, thị trấn khác trên địa bàn huyên Phú Bình luôn chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân về chuyển đổi số nói chung, chính quyền số nói riêng. Hình thức tuyên truyền trọng tâm là phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng trong việc thông tin tới người dân chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về chuyển đổi số; cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Hiện toàn huyện đã thành lập được 276 tổ công nghệ số; 20/20 xã, thị trấn đều có nhóm Zalo để hướng dẫn, triển khai nhiệm vụ tuyên truyền tới các tổ công nghệ số.
100% cán bộ, công chức trên địa bàn huyện Phú Bình đã sử dụng thành thạo các phần mềm, ứng dụng trong quản lý, xử lý văn bản và giải quyết thủ tục hành chính. |
Không chỉ tuyên truyền cấp cơ sở, huyện cũng chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông xây dựng các tin bài về chuyển đối số. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã xây dựng 6 chuyên mục, phát trên 130 tin bài về chuyển đổi số trên hệ thống đài truyền thanh, đăng tải 45 tin bài trên Cổng thông tin điện tử của huyện.
Hàng năm, huyện quan tâm tổ chức tập huấn về chuyển đổi số, dịch vụ công trực tuyến, nền tảng số và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức. Từ năm 2021 đến nay, Phú Bình đã phối hợp tổ chức 27 hội nghị, lớp tập huấn cho cán bộ, công chức các xã, thị trấn; tổ công nghệ số cộng đồng; hộ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, UBND huyện không ngừng nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; chỉ đạo phòng, ban và xã, thị trấn triển khai các nền tảng số trong quản lý, điều hành công việc. Hiện tại, huyện đã thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng và hội nghị truyền hình liên thông từ cấp huyện đến cấp xã và ngược lại.
Các nền tảng số phục vụ công tác quản lý, giám sát, xử lý công việc của cán bộ, công chức được triển khai đồng bộ. Cụ thể như hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống cơ sở dữ liệu và cải cách hành chính, phần mềm quản lý cán bộ công chức, viên chức, phần mềm MISA…
Cơ sở vật chất, thiết bị thực hiện chính quyền điện tử, chính quyền số cũng được trang bị, nâng cấp thường xuyên. Riêng năm 2023, huyện phân bổ 700 triệu đồng để mua thêm máy vi tính, máy scan cho bộ phận một cửa của 20 xã, thị trấn. 100% cán bộ công chức, viên chức được trang bị máy vi tính kết nối Internet; 100% các xã, thị trấn có kết nối Internet băng rộng và đường truyền số liệu chuyên dùng; lắp đặt 46 camera giám sát tại bộ phận một cửa huyện, xã…
Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng xã Xuân Phương (Phú Bình) hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. |
Nhờ tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp, việc xây dựng chính quyền số của huyện đã đạt những kết quả tích cực. Phương thức chỉ đạo, điều hành và cách thức làm việc của cán bộ, công chức ngày càng được hiện đại hóa. Thủ tục hành chính được giải quyết bằng quy trình điện tử đã tạo sự công khai, minh bạch, tăng tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với chính quyền địa phương.
Đến nay, 100% cơ sở dữ liệu dùng chung của Phú Bình được kết nối, chia sẻ trên toàn huyện; 100% cán bộ công chức, viên chức được cấp chứng thư số và thực hiện ký số theo quy định; 100% cán bộ, công chức đã thành thạo các phần mềm, ứng dụng trong quản lý, xử lý văn bản và giải quyết thủ tục hành chính.
Dịch vụ công trực tuyến được sử dụng ngày càng nhiều và đạt hiệu quả cao. Từ đầu năm đến ngày 19-6, huyện tiếp nhận 29.839/31.329 hồ sơ, đạt 95,24%. Tỷ lệ số hóa hồ sơ đạt 81,5%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 89,7% trên tổng số hồ sơ đã tiếp nhận (đứng thứ 2 toàn tỉnh); mức độ hài lòng của người dân đạt 100%.
Chị Nguyễn Thị Uyên, xóm Ngọc Sơn, xã Điềm Thụy, cho biết: Tôi cảm thấy rất hài lòng khi thủ tục hành chính có thể thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Dù ở bất cứ đâu, tôi cũng có thể nộp hồ sơ, tiện lợi và nhanh chóng.
Trong thời gian tới, huyện Phú Bình tiếp tục đẩy mạnh phát triển chính quyền số để thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số và xã hội số. Trong đó chú trọng bổ sung trang thiết bị cần thiết cho các địa phương, phòng, ban chuyên môn, đặc biệt là bộ phận một cửa cấp huyện, xã; triển khai phòng họp không giấy tờ. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ trực tiếp tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin