Với xu thế hội nhập quốc tế và sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, Việt Nam đã trở thành điểm đến, là thị trường hấp dẫn cho các loại thương hiệu, sản phẩm, hàng hóa trong và ngoài nước. Đây cũng là cơ hội để các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái hoạt động. Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, các lực lượng chức năng của tỉnh đã tập trung phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ việc vi phạm, tạo sự răn đe.
Lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra các cửa hàng kinh doanh về đồ cơ khí, gia dụng. |
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh, môi trường kinh doanh thương mại điện tử phát triển khá mạnh, việc vận chuyển hàng hóa thông qua đơn vị chuyển phát tăng cao, một số đối tượng đã lợi dụng phương thức này để thực hiện hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây thất thu ngân sách…
Để ngăn chặn tình trạng trên, thời gian qua, BCĐ 389 tỉnh đã chỉ đạo, xây dựng quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tiêu biểu trong công tác này phải kể đến vai trò của Cơ quan thường trực BCĐ 389- Cục Quản lý thị trường tỉnh (QLTT).
Cục QLTT đã làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 389 tỉnh ban hành nhiều kế hoạch triển khai quyết liệt, đồng bộ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn. Cục QLTT lãnh đạo, chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tiếp tục duy trì việc kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm như: Xăng dầu, lương thực, thực phẩm, sản phẩm động vật, khí N2O, thuốc lá điện tử, rượu, mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…
Đơn cử như ngày 30/5/2024, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội QLTT số 5 tiến hành khám đồ vật theo thủ tục hành chính do ông P.Q.T làm chủ (ở thị trấn Đu, huyện Phú Lương), phát hiện 19 chiếc máy nung nóng tinh dầu (thuốc lá thế hệ mới). Trên vỏ hộp sản phẩm có dòng chữ "Made in China" nhưng trên sản phẩm cũng như hộp đựng không có tên địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm nhập khẩu và phân phối hàng hóa. Do không xuất trình được bất cứ hóa đơn, chứng từ gì liên quan chứng minh tính hợp pháp số hàng hóa này, ông P.Q.T đã bị xử phạt 3 triệu đồng, buộc tiêu huỷ toàn bộ tang vật vi phạm.
Đây chỉ là 1 trong hàng trăm vụ việc được lực lượng QLTT phát hiện, kiểm tra, xử lý. Đặc biệt, thực hiện Công điện số 47/CĐ-TTG ngày 13/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, lực lượng QLTT đã nắm bắt, phát hiện, xử lý vi phạm nhiều vụ vi phạm hành chính kinh doanh nhập lậu mặt hàng này. 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng thu giữ 2.331 thiết bị thuốc lá điện tử; 214 lọ tinh dầu thuốc lá điện tử, 40 chiếc máy đốt tinh dầu.
Ngoài ra, Cục QLTT Thái Nguyên đã thực hiện 2 cuộc thanh tra chuyên ngành, kiểm tra 482 vụ, trong đó xử lý 379 vụ. Tổng số tiền thu phạt hành chính, bán hàng hóa tịch thu, khoản thu khác (thu lợi bất hợp pháp) và trị giá hàng hóa vi phạm trên 6,5 tỷ đồng, trong đó tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà trên 3,9 tỷ đồng.
Lực lượng Quản lý thị trường tập trung kiểm tra các cửa hàng kinh doanh thực phẩm thiết yếu nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. |
Đối với lực lượng Hải quan, 6 tháng đầu năm, Chi cục Hải quan Thái Nguyên đã xử lý vi phạm hành chính 26 vụ, thu nộp ngân sách trên 344 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: Khai sai thời hạn thủ tục hải quan, sai tên hàng, chủng loại hàng hóa; lập báo cáo quyết toán về lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu đã sử dụng để sản xuất không đúng với thực tế sử dụng để sản xuất sản phẩm gia công, sản xuất xuất khẩu, khai sai giá trị hải quan…
Đối với Công an tỉnh, đơn vị đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả việc nắm bắt thủ đoạn, quy luật hoạt động của tội phạm kinh tế, nhất là trong lĩnh vực chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. 6 tháng đầu năm nay, Công an toàn tỉnh đã phát hiện, điều tra, xử lý 145 vụ/176 đối tượng (khởi tố hình sự 39 vụ/66 bị can; xử lý hành chính 106 vụ/110 đối tượng thu nộp ngân sách trên 264 triệu đồng; chuyển giao lực lượng QLTT, Kiểm lâm, UBND các cấp xử phạt hành chính theo thẩm quyền 73 vụ việc.
Những tháng cuối năm, dự báo thị trường cố định vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán. Theo đồng chí Tạ Đình Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ 389 tỉnh: Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia, BCĐ 389 tỉnh tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý địa bàn, thị trường giá cả, kịp thời đề xuất xử lý những vấn đề gây bất ổn thị trường. Đồng thời nêu cao trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, chủ động nắm bắt dự báo tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu, kinh doanh hàng giả, đẩy mạnh công tác đấu tranh, chống các hành vi vi phạm trên môi trường mạng, không để đối tượng buôn lậu lợi dụng đưa hàng cấm, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ trên địa bàn.
6 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phối hợp kiểm tra, xử lý 770 vụ việc vi phạm (237 vụ việc buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu; 420 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 113 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ); trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 454,627 triệu đồng; số đối tượng vi phạm là 759 người (giảm 333 vụ, bằng 69,8% so với cùng kỳ năm 2023). Cơ quan chức năng đã khởi tố hình sự 41 vụ, 68 bị can; xử phạt hành chính 729 vụ, 691 đối tượng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách hơn 63,3 tỷ đồng. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin