Dự án Trung tâm điều hành Đại học Thái Nguyên: Quan tâm giải quyết vướng mắc về mặt bằng

Nhóm P.V 09:51, 05/07/2024

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch tổng thể và đầu tư bước 1 Đại học Thái Nguyên (ĐHTN), UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành quyết định thu hồi diện tích đất trong khu vực quy hoạch để triển khai Dự án đường vành đai và Trung tâm điều hành ĐHTN. Sau hơn 20 năm, mặc dù một số hạng mục công trình đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tổng thể vẫn còn vướng mắc. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, ngành chức năng.

Gia đình ông Nguyễn Đình Chiền (ở tổ 2, phường Tân Thịnh, TP. Thái Nguyên) gồm 4 thế hệ sinh sống, là một trong 39 hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện Dự án, cho rằng giá đất đền bù chưa phù hợp và đề nghị bổ sung đất tái định cư.
Gia đình ông Nguyễn Đình Chiền (ở tổ 2, phường Tân Thịnh, TP. Thái Nguyên) gồm 4 thế hệ sinh sống, là một trong 39 hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện Dự án, cho rằng giá đất đền bù chưa phù hợp và đề nghị bổ sung đất tái định cư.

Đòi hỏi quyền lợi chính đáng

Ngày 1/8/1997, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 600/TTg Quy hoạch tổng thể và đầu tư bước 1 ĐHTN, với diện tích sử dụng đất 300ha; địa điểm xây dựng tại các phường Quang Trung, Tân Thịnh và xã Thịnh Đán (nay là phường Thịnh Đán) của TP. Thái Nguyên; tổng mức đầu tư 74,8 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ năm 1997-2000.

Để thực hiện Dự án, Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định về việc thu hồi tổng cộng hơn 138.500m2 đất tại phường Tân Thịnh với mục đích xây dựng Đường vành đai và Trung tâm điều hành ĐHTN. UBND tỉnh Thái Nguyên căn cứ các quy định để triển khai thực hiện và áp dụng tính toán bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất.

Việc bồi thường GPMB đối với các hộ cần thu hồi đất để làm Đường vành đai đã thực hiện xong từ năm 1999. Riêng với Trung tâm điều hành ĐHTN, do chủ đầu tư là ĐHTN chưa bố trí được kinh phí kịp thời nên chưa thể hoàn thiện. Sau nhiều lần điều chỉnh, ngày 14/4/2006, UBND tỉnh ban hành các quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung phương án, dự toán bồi thường hỗ GPMB đối với Dự án này.

Cụ thể là tổ chức chi trả tiền bồi thường và bố trí tái định cư cho 74 hộ, trong đó 33 hộ bị thu hồi toàn bộ đất ở (18 hộ đã nhận tiền đền bù, 15 hộ chưa nhận với lý do giá đất bồi thường chưa phù hợp); 41 hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, trong đó 4 hộ không nhận tiền và đề nghị bồi thường diện tích bị thu hồi theo giá đất ở.

Từ thực tế trên, các hộ đã làm đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng trong nhiều năm, với lý do: việc tính giá đất tại thời điểm đền bù chưa hợp lý; diện tích đền bù thổ cư thấp hơn nhiều so diện tích với được cấp theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cần bổ sung đất tái định cư... Vì thế, việc GPMB Dự án Trung tâm điều hành ĐHTN đã kéo dài hơn 20 năm, nhiều lần phải điều chỉnh do sửa đổi Luật Đất đai và các văn bản pháp luật liên quan, đến nay vẫn chưa hoàn thành. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi chính đáng và cuộc sống của các hộ liên quan.

Gia đình bà Nguyễn Thị Ngọ, hiện trú tại tổ 4, phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên), có đất trong khu vực quy hoạch, nêu ý kiến: Nhà tôi bị thu hồi 4.862m2 đất, với số tiền đền bù đã nhận là hơn 750 triệu đồng; được phê duyệt cấp một lô đất tái định cư. Trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình, diện tích thổ cư là 2.105m2 nhưng thực tế chỉ được đền bù 300m2; giá đền bù diện tích đất còn lại tính bằng 1/3 giá thổ cư và thấp hơn so với những hộ khác...

Vì đơn thư chưa được giải quyết dứt điểm, nên khu đất của gia đình bà Ngọ nằm trong khuôn viên ĐHTN (sát Nhà xuất bản ĐHTN) vẫn chưa thể giải tỏa, cây cối và cỏ mọc um tùm làm ảnh hưởng đến mỹ quan chung.

Ông Lê Văn Thiện, Tổ trưởng tổ 2, phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên), cho rằng: Kiến nghị của người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án là chính đáng. Chúng tôi đề nghị chính quyền các cấp và cơ quan chức năng quan tâm giải quyết dứt điểm để đảm bảo quyền lợi cho bà con.

Tại Văn bản số 457/TTP-C.II ngày 10/2/2009, Thanh tra Chính phủ yêu cầu giải quyết khiếu nại của công dân theo hướng rà soát từng trường hợp cụ thể để điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật và đảm bảo sự công bằng. Từ năm 2009 tới nay, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản kết luận về việc thực hiện GPMB trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành và thực tế tại địa phương; UBND tỉnh có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng do chủ đầu tư không bố trí đủ kinh phí chi trả nên vụ việc chưa được giải quyết. Trong số 39 hộ còn vướng mắc, một số trường hợp tiếp tục có đơn khiếu nại.

Khu đất của các gia đình: Ông Nguyễn Đình Chiền, bà Hoàng Thị Bình (ở tổ 2, phường Tân Thịnh, TP. Thái Nguyên) hiện chưa được đền bù xong do chưa đồng thuận.
Khu đất của các gia đình: Ông Nguyễn Đình Chiền, bà Hoàng Thị Bình (ở tổ 2, phường Tân Thịnh, TP. Thái Nguyên) hiện chưa được đền bù xong do chưa đồng thuận.

Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ

Gia đình ông Nguyễn Đình Chiền, ở tổ 2, phường Tân Thịnh, cũng là một trong những trường hợp có kiến nghị do chưa đồng tình với phương án đền bù hơn 2.300m2 đất bị thu hồi. Sau nhiều lần gửi đơn, ông được mời đến làm việc tại cuộc tiếp công dân tổ chức cuối tháng 6 vừa qua. Sau khi nghe kiến nghị của ông Chiền và xem xét tổng thể, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy khẳng định: Trách nhiệm chính để vụ việc tồn đọng kéo dài thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và chủ đầu tư Dự án là ĐHTN. Để giải quyết dứt điểm kiến nghị của các hộ dân, Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh, ĐHTN cần phối hợp chặt chẽ, bố trí kinh phí kịp thời để bồi thường đúng quy định, bố trí quỹ đất tái định cư, ổn định cuộc sống của người dân.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh tại buổi tiếp công dân: Tỉnh sẽ vào cuộc quyết liệt, cùng Bộ GD-ĐT, ĐHTN tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ những vướng mắc và giải quyết dứt điểm việc đền bù, bố trí khu tái định cư đối với các hộ dân liên quan.

Theo dõi quá trình giải quyết vụ việc, bà Hoàng Thị Bình (tổ 2, phường Tân Thịnh) - một trong những người bị ảnh bởi Dự án, rất kỳ vọng khi đã có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành chức năng, trong đó có vai trò chủ đầu tư của ĐHTN thì kiến nghị của các hộ sẽ được xem xét, giải quyết thỏa đáng.

Về vấn đề này, PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc ĐHTN, cho rằng: Chúng tôi rất chia sẻ với những khó khăn của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án và quyết tâm sẽ giải quyết dứt điểm. ĐHTN đã xây dựng đề án GPMB, báo cáo Bộ GD-ĐT thẩm định để sớm đền bù cho 39 hộ dân. Vì Dự án hiện nay đã hết thời hạn nên cần đề xuất điều chỉnh cho đúng quy định.

Điều chỉnh Dự án phù hợp với thực tế

Cũng vì lý do Dự án xây dựng Trung tâm điều hành ĐHTN phải kéo dài, nhiều nội dung quy hoạch không còn phù hợp với thực tế nên việc điều chỉnh là cần thiết. Theo đó, tháng 2-2021, ĐHTN đã có văn bản trình Bộ GD-ĐT về việc đề nghị điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đối với các đơn vị thành viên thuộc và trực thuộc ĐHTN theo hướng thu gọn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước và nhân dân.

Đến tháng 4-2022, UBND tỉnh có công văn đề nghị ĐHTN thực hiện các thủ tục pháp lý điều chỉnh quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết và sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của ĐHTN. Sau đó, UBND TP. Thái Nguyên nhận được công văn của ĐHTN về việc bàn giao cho địa phương 42,15ha đất; thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với đơn vị tư vấn lập quy hoạch để cập nhật vào quy hoạch của thành phố thời kỳ 2021-2030.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT: Dự án bồi thường GPMB thực hiện quy hoạch ĐHTN đã kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành (dừng thực hiện từ năm 2017) do liên quan đến đơn kiến nghị của người dân và một số hạng mục theo quy hoạch chưa được triển khai. Để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tế, tháng 1-2024, Bộ đã có văn bản về việc điều chỉnh chủ trương thực hiện Dự án với tổng mức đầu tư tăng lên thành hơn 633 tỷ đồng (chi phí thực hiện giai đoạn 2023-2025 là 562 tỷ đồng).

Mục tiêu cụ thể của giai đoạn 2021-2025 là giải quyết dứt điểm khiếu kiện của 39 hộ dân về việc bồi thường GPMB, hỗ trợ tái định cư khi thực hiện các dự án của ĐHTN; đầu tư hạ tầng kỹ thuật và thu hồi một phần khu đất thuộc cơ sở 2 của Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên. Trong giai đoạn 2026-2030, thực hiện GPMB khu đất thuộc Dự án nhưng chưa bồi thường và một phần khu đất của các trường thành viên ĐHTN; đầu tư hạ tầng giao thông, san nền...

Mong rằng, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của UBND tỉnh và các cấp, ngành, đơn vị chức năng; đặc biệt là Bộ GD-ĐT sớm bố trí kinh phí bồi thường GPMB, những vướng mắc liên quan đến Dự án sẽ sớm được giải quyết dứt điểm, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho những hộ dân bị ảnh hưởng. Đồng thời, ĐHTN tiếp tục đầu tư hạ tầng phù hợp theo định hướng, chiến lược phát triển của đơn vị những năm tới.