Các giải pháp giúp Sở Công Thương dẫn đầu về cải cách hành chính

Hằng Nga 08:17, 24/07/2024

Với 90,35 điểm, Sở Công Thương đứng đầu khối các sở, ngành của tỉnh Thái Nguyên về Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2023. Để duy trì thứ hạng trong năm 2024, Sở Công Thương tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) sử dụng dịch vụ công trực tuyến; công bố, công khai danh mục thủ tục hành chính theo đúng thẩm quyền; đồng thời số hóa 100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính…

Người dân đến giải quyết các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực công thương tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Giải quyết các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực công thương tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Cắt giảm ít nhất 20% thủ tục

Đó là mục tiêu được Sở Công Thương đề ra trong năm 2024 nhằm thực hiện có hiệu quả Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022-2025, bảo đảm mục tiêu hoàn thành trước ngày 1/1/2025.

Hiện nay, Sở Công Thương có 122 TTHC. Ngay từ đầu năm 2024, Sở đã ban hành kế hoạch; chỉ đạo các phòng chuyên môn tập trung rà soát và đánh giá các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, đề xuất các phương án đơn giản hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN.

Thông qua công tác rà soát, từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương đã đưa 12 phương án đơn giản hóa TTHC, trong đó giảm thành phần hồ sơ của 5 TTHC (thuộc các lĩnh vực an toàn thực phẩm, lưu thông hàng hóa trong nước và vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ); giảm số lượng hồ sơ phải nộp của 1 TTHC lĩnh vực công nghiệp nặng, thủ tục cấp giấy xác nhận ưu đãi dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển đối với các DN nhỏ và vừa; giảm số lượng hồ sơ phải nộp từ 6 bản xuống còn 2 bản.

Ngoài ra, Sở Công Thương cũng quy định cụ thể mẫu đơn, tờ khai của 4 TTHC (lĩnh vực điện và vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ) và quy định cụ thể kết quả thực hiện của 2 TTHC (lĩnh vực lưu thông hàng hóa trong nước và quản lý bán hàng đa cấp tại địa phương).

Đơn cử như thủ tục cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép sản xuất rượu công nghiệp (quy mô dưới 3 triệu lít/năm) đã giảm 1 thành phần hồ sơ là bản sao giấy phép đã được cấp. Thủ tục cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu giảm 1 thành phần hồ sơ là bản sao giấy chứng nhận đăng ký DN. Thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, giảm 1 thành phần hồ sơ là giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm có xác nhận của cơ sở…

Cùng với đó, Sở Công Thương còn thẩm định 13 phương án đơn giản hóa TTHC của UBND cấp huyện (Đại Từ, Đồng Hỷ và TP. Thái Nguyên). Kết quả thẩm định có 7 phương án đơn giản hóa TTHC đề xuất trình Chủ tịch UBND tỉnh thông qua.

Ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương, nhấn mạnh: Chúng tôi luôn đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai và thực hiện kế hoạch, nâng cao nhận thức của mỗi công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ và phục vụ nhân dân, DN. Sở Công Thương cũng đã công khai số điện thoại đường dây nóng của Giám đốc, Chánh Thanh tra, Chánh Văn phòng và địa chỉ hộp thư điện tử để tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị về thi hành công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cụ thể.

Sở Công Thương luôn chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham gia các hội chợ, triển lãm để đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: T.L
Sở Công Thương luôn chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham gia các hội chợ, triển lãm để đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: T.L

Đẩy mạnh tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến

Cùng với việc cắt giảm, đơn giản hóa nhiều TTHC, Sở Công Thương niêm yết công khai danh mục TTHC trên Trang thông tin điện tử của Sở và Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giúp người dân, DN dễ dàng tra cứu, nắm thông tin khi đến giao dịch.

Sở cũng giao cho các phòng chuyên môn xây dựng nhiều bộ hồ sơ mẫu, video hướng dẫn TTHC. Tăng cường chuyển đổi số trong giải quyết các TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến, có kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia; sử dụng chữ ký số, số hóa tài liệu, hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC.

Chị Đỗ Thị Thu Nga, chuyên viên Văn phòng Sở Công Thương, thường trực Bộ phận tiếp nhận, giải quyết các TTHC của Sở tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, cho biết: Để hỗ trợ người dân, DN thực hiện nhanh các TTHC, chúng tôi đã lập nhóm Zalo kết nối với gần 100 DN, người dân thường xuyên giải quyết các TTHC thuộc lĩnh vực của Sở. Đối với những vấn đề mà DN, người dân chưa hiểu rõ, chúng tôi đều giải đáp, hướng dẫn cụ thể…

Với cách làm trên, Sở Công Thương là đơn vị có tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC trực tuyến cao nhất trong khối các sở, ngành (năm 2023 tỷ lệ là 97%, năm 2024 tỷ lệ này nâng lên 99%). Để nâng cao tỷ lệ giải quyết các TTHC trước hạn, đúng hạn khi tiếp nhận các hồ sơ trực tuyến, sau khi kiểm tra có đầy đủ các thành phần hồ sơ, cán bộ trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công sẽ chuyển về các phòng chuyên môn của Sở để giải quyết luôn. Đối với hồ sơ giấy (tiếp nhận trực tiếp) sẽ scan tài liệu PDF gửi cho các phòng chuyên môn để giải quyết nhanh nhất…

Theo thống kê, tổng số hồ sơ Sở Công Thương tiếp nhận từ ngày 1/1/2024 đến ngày 22/7/2024 là trên 19.850 hồ sơ, trong đó tiếp nhận trực tuyến gần 19.830 hồ sơ (đạt tỷ lệ 99,9%), đã giải quyết gần 19.840 hồ sơ (trong đó giải quyết trước hạn 5.963 hồ sơ, đúng hạn 13.876 hồ sơ), đang giải quyết 13 hồ sơ, không có hồ sơ quá hạn; 100% hồ sơ TTHC đã giải quyết được số hóa…

Từ năm 2023 đến nay, Sở Công Thương không nhận được bất kỳ phản ánh, kiến nghị nào của người dân, tổ chức, DN liên quan đến quá trình giải quyết TTHC của Sở. Kết quả này là đóng góp thiết thực của ngành Công Thương nhằm góp phần nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của tỉnh.