Sau nhiều năm trở lại xã Phúc Lương (Đại Từ), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng đất không có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế, 94% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Nay, Phúc Lương đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), chỉ còn 52 hộ nghèo trong tổng số trên 1.200 hộ. Xã đang phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2025.
Đường giao thông trên địa bàn xã Phúc Lương (Đại Từ) được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân. |
So với các địa phương khác của Đại Từ, xã Phúc Lương có địa hình không bằng phẳng, nhiều đồi núi, diện tích đất nông nghiệp manh mún, nằm xen kẹt giữa những quả đồi, núi nên gặp nhiều khó khăn trong việc canh tác; một phần diện tích chỉ cấy được một vụ do không thuận lợi về nguồn nước. Một số hộ dân muốn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi cũng không có mặt bằng do gặp khó trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Với những khó khăn cơ bản như vậy, để giải bài toán về phát triển kinh tế là không hề dễ dàng, nhưng trong những năm gần đây, Phúc Lương đã có những bước tiến nhất định, về đích NTM vào năm 2022.
Ông Vũ Thanh Hưng, Chủ tịch UBND xã Phúc Lương, cho biết: Để đạt được kết quả đó, trước hết phải nói đến sự cố gắng, nỗ lực của chính mỗi người dân. Người dân Phúc Lương cần cù, chịu khó, tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế. Người dân chủ yếu cấy giống lúa lai và nếp Vải; tích cực phủ xanh đất trống bằng cây chè và cây keo; bên cạnh đó, phần lớn những người trong độ tuổi lao động đi làm việc ở các công ty, nhà máy… góp phần tăng nguồn thu nhập cho mỗi gia đình. Khi kinh tế dần ổn định, bà con sẵn sàng đối ứng tiền của cùng Nhà nước xây dựng các công trình phúc lợi đảm bảo phục vụ dân sinh.
Để “thực mục sở thị”, chúng tôi đã thực tế tại một số xóm của xã Phúc Lương, trong đó có xóm Cây Thống. Xe chúng tôi bon bon chạy trên cung đường bê tông mà không lo gặp xe ô tô đi ngược chiều vì mới được mở rộng 6m. Ông Vũ Thanh Hưng tự hào nói: Riêng xóm Cây Thống đã có 16 hộ hiến gần 4.000m2 đất và tài sản trên đất ước tổng trị giá gần 240 triệu đồng; đối ứng tiền mặt trên 300 triệu đồng để mở rộng, đổ bê tông đường 6m.
Hiện nay, 10/10 xóm của Phúc Lương đều đã mở rộng được mặt bằng đường trục chính lên 6m, trong đó hơn 3km đã đổ bê tông; 100% đường liên gia, đường nội xóm đều đổ bê tông nhờ có sự đóng góp về tiền của, đất đai, công sức của người dân. Ngoài ra, điện, trường, trạm ở xã đều được xây dựng khang trang, phục vụ tốt nhu cầu của người dân. Thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt gần 50 triệu đồng/người/năm. Xã không còn nhà tạm, nhà dột nát...
Nguồn thu nhập chính của phần lớn người dân xã Phúc Lương là từ cây chè và rừng sản xuất. |
Dừng chân bên một nương chè ven đường, chúng tôi trò chuyện cùng vợ chồng anh Nguyễn Đình Cư. Anh Cư cho biết: Trước kia, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, nhưng nhờ có cán bộ nông nghiệp hướng dẫn cách đầu tư trồng và sản xuất chè, trồng rừng sản xuất nên đời sống dần khấm khá. Mỗi lứa chè, gia đình thu nhập khoảng 10 triệu đồng, một năm thu hái 5-6 lứa, đã giúp vợ chồng tôi có tiền trang trải cuộc sống, lo cho các con học hành mà vẫn có “của ăn của để” .
Chúng tôi đưa mắt bao quát cả một vùng rộng lớn trước mắt, thấy xung quanh không còn một vuông đất trống, trên cao là màu xanh của rừng keo, thấp hơn là màu xanh của chè, dưới các chân ruộng là màu vàng của cây lúa đến kỳ thu hoạch. Ông Vũ Thanh Hưng chia sẻ: Do địa hình nhiều đồi núi, diện tích rừng chiếm tỷ lệ lớn (trên 1.300ha) nên nhiều năm qua, xã luôn coi phát triển kinh tế rừng là nhiệm vụ trọng tâm. Hằng năm, xã tập trung rà soát, hướng dẫn người dân sớm đăng ký diện tích rừng trồng mới (trung bình từ 20-25ha).
Phúc Lương luôn là một trong những xã đứng đầu huyện về diện tích trồng rừng. Trước mỗi vụ, xã phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân phát dọn thực bì, chuẩn bị tốt cây giống, phân bón để đảm bảo tỷ lệ cây sống cao. Đồng thời quản lý chặt chẽ việc khai thác, chế biến lâm sản và khuyến khích phát triển chăn nuôi dưới tán rừng như nuôi trâu, dê, gà thả đồi… Hiện, xã đang khuyến khích các hộ trồng rừng đạt tiêu chuẩn FSC, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm gỗ.
Từ một xã với điều kiện phát triển kinh tế không thuận lợi, nhưng nhờ biết tận dụng, khai thác tốt tiềm năng, Phúc Lương đã vượt khó vươn lên từ chính thế thuần nông. Hy vọng địa phương này sẽ về đích NTM nâng cao theo đúng kế hoạch đề ra.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin