Cả nước đặt mục tiêu đến năm 2030, xoá bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu và phấn đấu hoàn thành ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội (NOXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Với Thái Nguyên, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành tích cực vào cuộc, với quyết tâm cao nhất để có thể về đích sớm mục tiêu quan trọng này, trong đó có mục tiêu hoàn thành ngay trong năm 2025.
Dự án đầu tư xây dựng công trình nhà ở xã hội - Khu dân cư Đại Thắng do Công ty CP TNG Land đầu tư. |
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác phát triển nhà ở cho người dân, nhất là NOXH. Đến nay, cả nước đã hoàn thành xây dựng khoảng 200 nghìn căn NOXH, đồng thời đã chấp thuận đầu tư, khởi công gần 400 nghìn căn NOXH khác. Tuy nhiên, so với thực tế, nguồn cung NOXH chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu. Trong khi đó, giá NOXH bình quân hiện nay còn quá cao so với thu nhập của đối tượng thụ hưởng; tỷ lệ quỹ đất dành cho phát triển NOXH khu vực đô thị thấp; nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho các chương trình tín dụng ưu đãi NOXH chưa cao, chưa huy động được mạnh mẽ nguồn lực xã hội tham gia.
Với tỉnh Thái Nguyên, những năm gần đây công tác phát triển NOXH được quan tâm nhiều hơn. Đã xuất hiện một số dự án NOXH quy mô lớn, điển hình như Dự án nhà ở công nhân, NOXH tại phường Tích Lương (TP. Thái Nguyên) do Công ty CP đầu tư Bình Minh Phát làm chủ đầu tư. Dự án này đủ điều kiện để vay vốn ưu đãi theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng của Chính phủ; khi hoàn thành có thể cung ứng gần 700 căn nhà ở công nhân và NOXH. Gần đây nhất, Công ty cổ phần TNG LAND được tỉnh giao trên 8.400m2 đất để triển khai xây dựng NOXH nằm trên địa bàn TP. Phổ Yên. Hiện chủ đầu tư đang gấp rút thi công khoảng 400 căn NOXH, phấn đấu cuối năm 2025 sẽ hoàn thành và đi vào sử dụng…
Cùng với các dự án NOXH, tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm đến các chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Thời gian qua, bằng nhiều chương trình khác nhau, hàng nghìn hộ dân có nhà dột nát, nhà tạm trên địa bàn được hỗ trợ xây, sửa, ổn định cuộc sống. Hiện tại, toàn tỉnh còn trên 600 hộ dân cần được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, trong đó có trên 300 hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở đủ điều kiện để được hỗ trợ.
Trước thực tế trên, tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để đến năm 2025 hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển NOXH đã được xác định theo chủ trương của Chính phủ trong giai đoạn 2021-2030. Tỉnh đã yêu cầu các địa phương đưa chỉ tiêu phát triển NOXH vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm.
Trong đó, bố trí các dự án nhà ở xã hội độc lập, hoặc trong các dự án nhà ở thương mại; ưu tiên quỹ đất, nguồn vốn và có cơ chế, chính sách ưu đãi thực chất, đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư phát triển NOXH. Cần thiết phải phát triển đa dạng các loại hình NOXH, có cơ chế, chính sách mua, thuê NOXH, nhà lưu trú, ký túc xá cho công nhân, người thu nhập thấp; chú trọng hỗ trợ nhà ở và đất ở cho người có công với cách mạng, người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển NOXH. Khẩn trương, quyết liệt rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng NOXH, tăng chất lượng công trình NOXH tương đương với nhà ở thương mại.
Tỉnh cũng chỉ đạo ưu tiên hình thành quỹ phát triển NOXH, quỹ tín thác đầu tư bất động sản và các hoạt động liên doanh, liên kết thực hiện dự án NOXH. Xây dựng cơ chế cấp nguồn vốn ngân sách cho Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, các ngân hàng thương mại được Nhà nước chỉ định để cho vay ưu đãi phát triển NOXH…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin