Du lịch Thái Nguyên - Tiềm năng và giải pháp khai thác, phát triển

08:44, 15/09/2019

Thái Nguyên là tỉnh trung du miền núi, nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa đồng bằng sông Hồng với miền núi phía Bắc của Tổ quốc. Phía bắc có rừng núi hùng vĩ, thấp dần về phía nam với nhiều gò đồi hình bát úp, những dải đồng bằng hẹp trĩu nặng phù sa, sông Cầu, sông Công quanh co uốn lượn... tất cả tạo nên miền đất sơn thủy hữu tình. Là tỉnh được hình thành từ lâu đời, đến nay Thái Nguyên có 2 thành phố, 01 thị xã, 06 huyện, là nơi sinh sống của hơn 40 thành phần dân tộc, trong đó 8 dân tộc có dân số trên 2.000 người: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông, Hoa.

Trải qua ngàn năm lịch sử, được thiên nhiên ưu đãi cùng với sự sáng tạo văn hóa của cộng đồng các dân tộc đã tạo nên nguồn tài nguyên du lịch quý giá cho Thái Nguyên - tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa mà không phải nơi đâu cũng có. Thiên nhiên ban tặng cho Thái Nguyên những cảnh đẹp tự nhiên, nguyên sơ như Khu di tích Khảo cổ học Thần Sa, hệ thống các hang động: Hang Huyện, hang Sa Khao, Hang Ốc, thắng cảnh Thác Nậm Rứt, Hang suối Mỏ Gà…(huyện Võ Nhai), di tích lịch sử và thắng cảnh Đền Đuổm, Ao Noong (huyện Phú Lương), Hang Chùa, thác Tiên …(huyện Đồng Hỷ), Thác Kẹm, suối Cửa Tử, hồ Vai Miếu, thác Đát Ngao, câu chuyện tình huyền thoại chàng Cốc nàng Công, hồ Núi Cốc mênh mông sóng nước soi bóng những nương chè (huyện Đại Từ) cùng bao cảnh đẹp mà chưa thể nói hết trong khuôn khổ bài viết.

Cùng với tài nguyên tự nhiên, kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của con người nơi đây đã sáng tạo ra phong phú, đa dạng đã tạo nên những sắc thái văn hóa đặc sắc, riêng có ở Thái Nguyên - miền văn hoá đầy ắp tiếng rộn ràng của nhịp gõ Tắc xình, giọng Then ngọt ngào, câu Sli, câu Lượn đắm say, làn điệu Pả dung, Soọng Cô đắm say phảng phất mùi nếp nương hay tiếng khèn Mông, tiếng sáo réo rắt, đến với Thái Nguyên để lạc vào hương trà nồng nàn với những nương trà mượt mà biếc xanh trù phú. Mỗi người Thái Nguyên dù đi đâu, làm gì cũng luôn tự hào với tiếng nói, dân ca, dân vũ, luật tục, hương ước, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống cùng tri thức dân gian và các giá trị văn hóa của mình.

Thái Nguyên là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử gắn với hàng loạt sự kiện trọng đại, là nơi ra đời những quyết sách có tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn đến vận mệnh dân tộc, là tỉnh ở trung tâm vùng Việt Bắc, là “phên dậu phía Bắc kinh thành Thăng Long” xưa, là căn cứ địa cách mạng, là “Thủ đô kháng chiến” trong thời kỳ chống thực dân Pháp (1946-1954). Với truyền thống lịch sử hào hùng đó, trên mảnh đất nơi đây hiện có gần 800 di tích: Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa gắn với các sự kiện Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc, lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đi đến thắng lợi; địa danh hào hùng về 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái hy sinh khi làm nhiệm vụ giải tỏa hàng quân sự trong đêm Noel 1972 của gần 50 năm trước, cũng như hơn 40 di tích quốc gia, hơn 200 di tích cấp tỉnh trở thành nguồn tài nguyên lịch sử quý giá trong khai thác và phát triển du lịch.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn khá nhiều bản làng mà các dân tộc thiểu số sinh sống tập trung, quần tụ, gìn giữ khá nguyên vẹn kiến trúc, văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, tiêu biểu phải kể đến bản người Nùng ở Tân Đô (xã Hòa Bình), bản người Dao xã Hợp Tiến, người Sán Dìu ở xã Nam Hòa (huyện Đồng Hỷ); người Sán Chay ở xã Tức Tranh, người Dao ở xã Yên Đổ, Yên Ninh, người Mông ở xã Động Đạt (huyện Phú Lương); các xóm bản người Tày, Nùng ở xã Phú Thượng, Thần Sa (huyện Võ Nhai)... rất phù hợp đầu tư, quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tạo dấu ấn riêng ở mỗi địa phương.

Măng đá tại hang Ốc, xã Bình Long, huyện Võ Nhai

Có thể thấy, những tài nguyên du lịch vừa kể ở trên đây làm nền tảng hình thành và phát triển sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch. Phát triển du lịch bền vững, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa góp phần đưa du lịch Thái Nguyên trở thành một trong những điểm đến của du lịch Việt Nam, thu hút lượng khách quốc tế ngày càng tăng, đem lại nguồn thu cho nền kinh tế. Đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai.

Với những tiềm năng du lịch đầy hấp dẫn như vậy, trong những năm qua, được sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch và sự phối kết hợp của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh, nhiều dự án, cơ sở hạ tầng du lịch đã được đầu tư và đi vào khai thác có hiệu quả như: Di tích lịch sử quốc gia 60 liệt sỹ TNXP đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái tại phường Gia Sàng được đầu tư trên 50 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống, giáo dục lịch sử cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Công trình là niềm tự hào của hai tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn, là viên ngọc sáng lan tỏa những giá trị nhân văn để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có 43.800 lượt khách tham quan dâng hương. Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc đã được đầu tư hạ tầng hứa hẹn sẽ cung cấp cho du khách các sản phẩm du lịch tâm linh, sinh thái và trải nghiệm chất lượng hấp dẫn. Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hoá; các di tích quốc gia: Địa điểm công bố ngày Thương binh - Liệt sỹ toàn quốc (Ngày 27/7/1947), Địa điểm lễ nhận Quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Khu di tích  Núi Văn, Núi Võ - nơi có nhiều cảnh đẹp và có nhiều dấu tích về Á thượng hầu Lưu Nhân Chú, vị đại công thần khai quốc triều Hậu Lê (Đại Từ), Di tích lịch sử và thắng cảnh Đền Đuổm (Phú Lương), Đình Phương Độ, Đình Xuân La (Phú Bình), Khu di tích khảo cổ học thời đại đồ đá cũ ở Thần Sa (Võ Nhai)… đang là điểm đến cho các du khách trong và ngoài nước về với cội nguồn lịch sử.

Các điểm du lịch sinh thái mới được các doanh nghiệp đầu tư như: Khu du lịch sinh thái làng nhà sàn Thái Hải, Khu du lịch sinh thái Dũng Tân, Khu du lịch Hang Phượng Hoàng hay vùng chè Tân Cương, La Bằng, Phú Đô, Tức Tranh… đang là những điểm đến cho du khách yêu thích cái đẹp của sắc màu núi rừng Việt Bắc.

Đẩy mạnh công tác hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch gắn với bảo vệ môi trường, sinh  thái, hỗ trợ quảng bá, đa dạng hóa các loại hình, các sản phẩm du lịch; khai thác hợp lý các  tiềm năng, di tích, danh thắng phát triển du lịch đáp ứng tốt nhu cầu của các du khách đến với Thái Nguyên. Hướng dẫn triển khai việc khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tập trung xây dựng thí điểm tại huyện Định Hóa, như: Làng văn hóa Du lịch Bản Quyên (xã Điềm Mặc), phường Rối cạn Ru Nghệ (xã Đồng Thịnh), rối cạn Thẩm Rộc (xã Bình Yên), các câu lạc bộ hát then - đàn tính được thành lập và hoạt động hiệu quả tại hầu hết các xã, thị trấn.

Với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh cũng như các doanh nghiệp, du lịch Thái Nguyên những năm qua đã có bước  phát triển, có nhiều kết quả đáng ghi nhận, các chỉ tiêu về du lịch tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Doanh thu du lịch hằng năm tăng trưởng bình quân 10-15%. Doanh thu năm 2017 tăng 29.4% so với năm 2015. Trung bình hàng năm, các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh phục vụ được khoảng 600 ngìn lượt khách nghỉ qua đêm, trong đó du khách quốc tế khoảng 62 nghìn lượt người, chiếm khoảng 10% lượt khách. Năm 2018, tổng lượt khách đến Thái Nguyên ước đạt 2.506.481 lượt, khách quốc tế ước đạt 70.297 lượt, tăng 6%; tổng doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch đạt 405 tỷ đồng.

Để tiếp tục phát huy tiềm năng du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, trong thời gian tới, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tập trung phát triển du lịch, dịch vụ gắn với khai thác  tiềm năng, thế mạnh của địa phương về sinh thái, văn hóa lịch sử, tâm linh; xác định phát triển Khu du lịch hồ Núi Cốc gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa làm điểm đột phát; đầu tư, tôn tạo phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đại đội Thanh niên xung phong 915. Triển khai thực hiện tốt quy hoạch và khai thác hiệu quả Dự án Quy hoạch tổng thể, bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030. Tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng dịch vụ, tham gia liên kết, hợp tác phát triển du lịch, hình thành các tua, tuyến du lịch liên tỉnh. Song song với đó là phối hợp với Hiệp hội du lịch và các sở, ngành liên quan thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch để đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân, du khách trong và ngoài nước theo các nguyên tắc: Phát triển du lịch bền vững, theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, khai thác lợi thế của từng địa phương và tăng cường liên kết vùng trong phát triển du lịch… nhằm quyết tâm thực hiện đạt hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.