Những ngày vừa qua, khi trên địa bàn xuất hiện các ca mắc COVID-19, người dân T.P Thái Nguyên, nhất là ở các phường phía Nam, nơi có nhiều ca dương tính với Sars-CoV-2, có tâm lý tích trữ lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, qua khảo sát của phóng viên Báo Thái Nguyên vào ngày 4-11, giá cả các loại hàng hóa ở các khu vực trên cơ bản ổn định, đủ số lượng đáp ứng nhu cầu của người dân trong nhiều cấp độ dịch khác nhau.
Sau khi xuất hiện các ca mắc COVID-19 trên địa bàn T.P Thái Nguyên vào đêm 1-11, ngay sáng hôm sau (2-11), nhiều người dân ở một số phường: Hương Sơn, Trung Thành, Phú Xá… đã chủ động đi mua một số thực phẩm (như: Gạo, mỳ tôm, thịt, trứng….) để tích trữ. Theo người dân sống tại đây, bà con mua hàng hóa để đề phòng tình huống khu vực sinh sống bị phong tỏa hoặc hàng quán phải đóng cửa phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Bà Lê Thị Tỳ, ở tổ 5, phường Hương Sơn nói: Sống gần chợ nên chưa bao giờ tôi có suy nghĩ phải mua thực phẩm dự trữ. Tuy nhiên, khi chợ Dốc Hanh bị phong tỏa, thấy các hộ dân xung quanh đua nhau tích trữ thực phẩm, gia đình tôi cũng mua một số rau, củ, quả, thịt, cá,… đủ ăn trong 1 tuần để đề phòng tình huống bị phong tỏa. Về giá cả, trong 2 ngày (2 và 3-11), một số mặt hàng tươi sống và rau, củ, quả đã tăng từ 5 đến 20 nghìn đồng/kg, tùy loại. Tuy nhiên, ngày hôm nay, giá bán đã trở về bình thường.
Khảo sát tại chợ khu Nam (phường Hương Sơn) và chợ Vó Ngựa (phường Tân Thành), chúng tôi nhận thấy, giá bán các mặt hàng tại đây trong ngày 4-11 được giữ ở mức ổn định. Chị Dương Thị Cúc, tiểu thương ở chợ khu Nam cho biết: Khi người dân đổ xô đi mua hàng, nhu cầu cao hơn nguồn cung nên nhiều tư thương tự ý tăng giá các loại thực phẩm.
Còn chị Nguyễn Thị Ngọc, ở tổ 5, phường Hương Sơn, buôn bán tại chợ Vó Ngựa chia sẻ: Đối với mặt hàng thịt lợn, những ngày vừa qua giá tăng khoảng 5-7 nghìn đồng/kg, nhưng nguyên nhân là do giá lợn hơi tăng chứ không phải bởi tình hình dịch bệnh. Hiện tại, giá thịt lợn tại chợ Vó Ngựa đang dao động ở mức 80-100 nghìn đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Minh Anh Dũng, Chủ tịch UBND phường Trung Thành: Trên địa bàn hiện có 4 khu vực chính đang bị phong tỏa, trong đó, có 3 khu dân cư (với 250 hộ dân) và chợ Dốc Hanh. Các hộ dân trong khu vực phong tỏa được yêu cầu không di chuyển ra ngoài. Lo lắng thiếu thực phẩm nên một số hộ đã nhờ người thân mua giúp hàng hóa từ bên ngoài để sử dụng và tích trữ. Tuy nhiên, ở khu vực phía Nam T.P Thái Nguyên còn nhiều chợ khác, như: Khu Nam, Vó Ngựa… vẫn hoạt động bình thường. Vì vậy, giá các loại lương thực, thực phẩm sau 1-2 ngày tăng giá hiện đã bình ổn trở lại. Về số lượng hàng hóa, đến thời điểm này vẫn được đảm bảo, chúng tôi đã khuyến cáo người dân không nên lo lắng, hoang mang.
Cùng với thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh, T.P Thái Nguyên cũng chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tiếp tục khảo sát thị trường; xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm theo các kịch bản tình huống đã xây dựng trước đó. Theo đại diện phòng chuyên môn của T.P Thái Nguyên, trước khi trên địa bàn xuất hiện các ca F0 trong cộng đồng, địa phương đã có phương án đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm theo các cấp độ của dịch bệnh, cao nhất là cấp độ 5 (kịch bản là khi dịch lây lan rộng trong cộng đồng, ghi nhận tổng số trên 50-200 ca bệnh và trên 200 trường hợp nhiễm COVID trên địa bàn tỉnh).
Theo đó, thành phố đã làm việc với các siêu thị, nhà cung ứng, sản xuất lương thực, thực phẩm để có phương án chủ động tập kết, dự trữ hàng hóa; xây dựng phương án tăng cường nhân sự, liên tục bổ sung hàng lên kệ, tăng thời gian phục vụ; phân luồng khi người dân đi mua sắm… Do vậy, theo khuyến cáo, người dân không nên lo lắng về tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm mà cần tập trung thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để góp phần cùng với địa phương sớm đẩy lùi dịch bệnh.