Tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu quả

07:53, 05/11/2021

Thời gian gần đây, tỉnh Thái Nguyên đặc biệt coi trọng công tác đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Với quyết tâm mạnh mẽ, cách làm bài bản, sáng tạo, linh hoạt, các ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong lĩnh vực này.

Phát huy kết quả đã đạt được sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo rà soát về tổ chức bộ máy, biên chế để sắp xếp, tinh giản, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy (BTVTU) lần thứ 20 được tổ chức cuối tháng 10 vừa qua, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã có tờ trình với BTVTU về việc giải thể Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp (KCN) thuộc Ban Quản lý các KCN tỉnh.

Tại tờ trình này, UBND tỉnh cũng đề nghị tổ chức lại Trung tâm Dạy nghề các KCN Thái Nguyên, đổi tên thành Trung tâm Dịch vụ KCN Thái Nguyên trực thuộc Ban Quản lý các KCN tỉnh. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, giúp Ban Quản lý các KCN tỉnh thực hiện tốt chức năng cung cấp dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư. Sau khi tổ chức lại, Trung tâm sẽ giảm 8 đầu mối. Ngoài 15 biên chế sự nghiệp được giao, Trung tâm sẽ tiếp nhận toàn bộ viên chức và hợp đồng lao động thuộc Ban Quản lý các dự án KCN bị giải thể.

Trước đó, các ngành, đơn vị chức năng đã tổ chức lại Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên và đổi tên thành Trường Cao đẳng Thái Nguyên trên cơ sở sáp nhập với Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên; sáp nhập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với Văn phòng HĐND tỉnh theo quy định tại Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14, ngày 18/9/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Có thể nói, việc triển khai những chủ trương mới, nhất là về tổ chức, bộ máy thường gặp khó khăn bởi đụng chạm đến vị trí, quyền lợi cá nhân, thậm chí có thể làm xáo trộn hoạt động của tổ chức. Cùng với đó, do là mô hình mới, chưa có tiền lệ, làm thí điểm nên dễ dẫn đến tâm lý e ngại, băn khoăn của đội ngũ cán bộ tham mưu. Vì vậy, trên cơ sở nghiên cứu kỹ tình hình thực tiễn, tỉnh đã triển khai từng bước thận trọng, bài bản, làm đến đâu chắc đến đó.

Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 09-ĐA/TU, Kế hoạch số 79-KH/TU thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và số 19-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Đồng thời, tham khảo ý kiến của chuyên gia và xin ý kiến từ các cơ quan Trung ương. Ngay từ những bước triển khai đầu tiên, Thái Nguyên đã tập trung vào công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận chung đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.

Tỉnh cũng quán triệt bảo đảm giữ nguyên các chính sách, phụ cấp chức vụ, biên chế; những cán bộ nghỉ hưu trước tuổi theo quy định được bảo đảm chế độ chính sách. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND ngày 13/7/2018 quy định chế độ, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CB, CC, VC, NLĐ) do thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh. Trên cơ sở đó, giải quyết thấu tình đạt lý, ưu tiên chính sách cao nhất có thể để không cán bộ nào phải chịu nhiều thiệt thòi vì công việc chung...

Thông qua tinh giản biên chế, nhiều ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong ảnh: Người dân đánh giá mức độ hài lòng sau khi thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh.

Với sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả, sau 4 năm thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, bảo đảm hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã thực hiện 3 đợt sắp xếp, sáp nhập 1.294 xóm, tổ dân phố (giảm 696 xóm, tổ dân phố). Toàn tỉnh hiện còn 2.336 xóm, tổ dân phố. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, từ 902 đơn vị (năm 2015) đến nay giảm còn 800 đơn vị.
Song song với sắp xếp tổ chức bộ máy, tỉnh quyết liệt tinh giản 10% tổng số biên chế, gắn với từng bước cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC. Giai đoạn 2015-2021, toàn tỉnh giảm được 3.226 biên chế, tương đương 10,6% tổng số biên chế giao năm 2015, vượt chỉ tiêu đề ra.

Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng Tổ chức, Biên chế và Tổ chức phi Chính phủ, Sở Nội vụ: Việc sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế được thực hiện tổng thể, đồng bộ, kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng chức năng, nhiệm vụ gắn với đề án vị trí, việc làm; cán bộ dôi dư sau sắp xếp được giải quyết ổn thỏa, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Tuy thời gian triển khai chưa dài nhưng các mô hình tổ chức bộ máy sau khi được sắp xếp lại đã đi vào hoạt động ổn định, nền nếp. Việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức, cơ quan chuyên môn theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, góp phần phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp…