Dòng sông Cầu chia T.P Thái Nguyên thành 2 vùng khá rõ nét, phía Đông và phía Tây. Phía bên bờ Đông sông Cầu gồm các phường, xã: Đồng Bẩm, Chùa Hang, Cao Ngạn, Linh Sơn, Huống Thượng. Tuy nhiên, số lượng các cây cầu kết nối giao thông giữa các phường, xã nằm dọc theo sông Cầu của T.P Thái Nguyên hiện còn thiếu, chất lượng chưa đồng đều. Do đó, việc đầu tư xây dựng cầu bắc qua sông, trong đó có cầu Quang Vinh 1 và cầu Quang Vinh 2, để kết nối hai bờ Đông - Tây đang là yêu cầu bức thiết được đặt ra …
Trong suốt chặng đường phát triển, T.P Thái Nguyên đã được đầu tư xây dựng nhiều công trình kết nối hai bờ sông Cầu, nhưng khoảng cách giữa các cây cầu còn xa, chất lượng công trình chưa đồng đều. Theo thống kê, hiện nay, đoạn sông Cầu chảy qua địa bàn thành phố có 6 cây cầu bắc qua, nhưng chỉ có cầu Bến Tượng và cầu Cao Ngạn được xây dựng hiện đại. Còn lại các cây cầu khác đều nhỏ hẹp, tạm bợ (cầu treo Bến Oánh, cầu phao Ngọc Lâm, cầu treo Huống Thượng, cầu Gia Bẩy), dẫn đến kết nối giao thông bị hạn chế, gián đoạn, ùn tắc, gây nguy cơ mất an toàn giao thông…
Nhận định được vấn đề này, các ngành chức năng của tỉnh và T.P Thái Nguyên đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Dự án chống lũ lụt và hoàn thiện đô thị hai bên bờ sông Cầu, trong đó có các cây cầu kết nối 2 vùng phía Đông và phía Tây. Tuy nhiên, do nguồn vốn thực hiện Dự án này rất lớn nên việc đầu tư xây dựng cầu qua sông Cầu sẽ được cấp có thẩm quyền chia thành các dự án nhỏ, sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau để thuận lợi trong quá trình đầu tư.
Cụ thể, cầu Bến Tượng được UBND T.P Thái Nguyên sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới để đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2015-2020. Đến nay, cầu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hiệu quả. Cầu Xuân Hòa cũng sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, đã khởi công trong tháng 9-2021, dự kiến được hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2022. Đây là công trình kết nối đường Bắc Nam, qua địa phận phường Túc Duyên, sang xã Huống Thượng theo trục đô thị động lực.
Riêng cầu Gia Bẩy, sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng nên mới đây, UBND T.P Thái Nguyên đã huy động nguồn vốn xã hội hóa để thảm lại mặt cầu. Cầu treo Bến Oánh và cầu phao Ngọc Lâm cũng đã có kế hoạch thay thế bằng cầu cứng hiện đại.
Như vậy, trên địa bàn chỉ còn đoạn sông Cầu chảy qua các phường: Quan Triều, Quang Vinh, Đồng Bẩm, Chùa Hang và xã Cao Ngạn chưa có cầu kết nối hai bờ. Điều này đã khiến việc lưu thông giữa các địa phương bị hạn chế, đồng thời, ở các phường, xã trên còn “tồn” quỹ đất rộng lớn chưa được khai thác hiệu quả.
Khi cầu Quang Vinh 1 và cầu Quang Vinh 2 được hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ góp phần khai thác hiệu quả quỹ đất ở các phường, xã của T.P Thái Nguyên để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: V.H
Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch UBND phường Quang Vinh cho biết: Khoảng cách từ phường Quang Vinh tới Quảng trường Võ Nguyên Giáp chưa đến 2km, nhưng do hệ thống giao thông kết nối chưa đồng bộ, hiện đại nên bà con phải đi đường vòng, mất nhiều thời gian. Cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn mong muốn cấp trên sớm thực hiện tiếp Dự án đường ven sông Cầu và đầu tư xây dựng cầu Quang Vinh 1, cầu Quang Vinh 2 để tạo đà cho địa phương phát triển.
Chị Cao Thị Cúc, một người dân ở xã Cao Ngạn, bày tỏ mong muốn sớm có trục đường kết nối hai bờ sông Cầu để việc đi làm hàng ngày được thuận lợi. Chị Cúc bộc bạch: Để sang trung tâm T.P Thái Nguyên làm việc, hàng ngày, tôi phải mất nửa giờ đi lại, gặp hôm mưa rét, ùn tắc, thời gian đi đường lên đến cả giờ đồng hồ.
Ngoài lợi ích về giao thông, việc đầu tư xây dựng cầu, đường kết nối tại các phường, xã nêu trên sẽ tạo ra quỹ đất lớn phục vụ phát triến kinh tế - xã hội. Ông Đinh Công Ích, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường T.P Thái Nguyên thông tin: Từ khi đưa công trình cầu Bến Tượng vào sử dụng đã tạo ra đa lợi ích cho thành phố. Do vậy, việc đầu tư xây dựng cầu Quang Vinh 1 và cầu Quang Vinh 2 sẽ kết nối các trục đô thị hiện tại với Quốc lộ 1B, Quốc lộ 17 để rút ngắn khoảng cách từ khu vực trung tâm đến các khu vực phía Bắc và Đông Bắc của T.P Thái Nguyên. Theo đó, nhiều quỹ đất ven sông Cầu đang hoang sơ, thường bị ngập lụt sẽ được khai thác, sử dụng hiệu quả để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư…
Với tầm quan trọng đó, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng cầu Quang Vinh 1 và cầu Quang Vinh 2, với tổng số vốn gần 1.600 tỷ đồng, từ ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác. Từ chủ trương lớn này, các cấp, ngành của tỉnh đang tích cực triển khai các bước, thủ tục theo quy định để đến cuối năm 2022 sẽ khởi công xây dựng cầu Quang Vinh 1 và trong những năm tiếp theo, sẽ đầu tư xây dựng cầu Quang Vinh 2…