Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đang được triển khai, cần đẩy nhanh tiến độ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm đất san lấp mặt bằng đang khiến nhiều dự án gặp khó, thậm chí bị chậm tiến độ theo kế hoạch…
Dự án xây dựng hạ tầng Khu đô thị thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 7-2019 với tổng mức đầu tư trên 97,8 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2019-2021. Đến nay, dù sắp hết thời gian thực hiện được phê duyệt nhưng Dự án vẫn chưa thể triển khai thi công.
Đại diện chủ đầu tư Dự án, ông Nguyễn Xuân Đông cho biết: Theo dự toán của đơn vị tư vấn, Dự án sẽ phải sử dụng khoảng 200.000m3 đất để san lấp mặt bằng, trong khi đó, trên địa bàn huyện Định Hóa và các vùng lân cận chưa có mỏ đất san lấp nào được cấp phép. Mỏ đất được cấp phép gần nhất nằm tại huyện Đồng Hỷ, cách Dự án trên 60km. Nếu lấy đất san lấp từ mỏ này, giá đất sẽ bị "đội" lên gấp 2,5-3 lần do quãng đường vận chuyển quá xa. Sau khi tính toán, chúng tôi thấy phương án này không khả thi.
Việc giá đất san lấp cao hơn nhiều lần so với dự toán ban đầu, cùng với giá các loại vật liệu xây dựng tăng mạnh trong thời gian qua khiến dự toán tổng mức đầu tư của Dự án tăng từ 97,8 tỷ đồng lên trên 120 tỷ đồng. Để giải quyết tình trạng thiếu nguồn đất san lấp phục vụ thi công, chúng tôi đã nhiều lần làm việc với UBND huyện Định Hóa và các sở, ngành liên quan của tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa tìm được giải pháp khả thi.
Tương tự, Dự án xây dựng Khu dân cư tổ 14, phường Túc Duyên, T.P Thái Nguyên ( hay còn gọi là Dự án Khu nhà ở Thăng Long) được khởi công từ tháng 6-2021, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ Dự án đang bị chậm (mới đạt 20%) do thiếu đất san lấp mặt bằng.
San lấp mặt bằng thực hiện Dự án xây dựng Khu dân cư tổ 14, phường Túc Duyên, T.P Thái Nguyên (hay còn gọi là Dự án Khu nhà ở Thăng Long).
Trao đổi với chúng tôi, đại diện nhà thầu, ông Nguyễn Văn Trường, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải, cho hay: Ngoài yếu tố khách quan về thời tiết thì nguyên nhân chính khiến Dự án không bảo đảm tiến độ là do khó khăn về nguồn đất san lấp. Theo tính toán, Dự án cần trên 610.000m3 đất san lấp mặt bằng. Chúng tôi đã ký kết hợp đồng với một mỏ đất đã được cấp phép tại huyện Đồng Hỷ, nhưng đến nay, nguồn đất san lấp mới chỉ đáp ứng khoảng 1/4 tổng khối lượng. Lý do là vì chủ mỏ đất cũng đang cung ứng cho nhiều dự án khác, trong khi đó, công suất khai thác hàng ngày của mỏ lại bị giới hạn. Khó khăn về nguồn cung đã khiến cho hạng mục san lấp mặt bằng Dự án bị chậm, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ chung...
Không riêng 2 dự án trên, tình trạng thiếu đất san lấp mặt bằng cũng đang xảy ra đối với nhiều dự án khác trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án triển khai tại những địa phương chưa có mỏ đất được cấp phép khai thác (như T.P Thái Nguyên và các huyện Phú Lương, Đại Từ, Võ Nhai, Định Hóa).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn tỉnh hiện có 18 mỏ đất san lấp đã được đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác. Về lý thuyết thì số lượng mỏ đất trên khi được cấp phép sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của các dự án trên địa bàn. Tuy nhiên, thực tế đến nay mới có 9 mỏ đất được cấp phép khai thác, trong đó có 6 mỏ đã và đang bắt đầu hoạt động với công suất tối đa khoảng 1,2 triệu m3/năm, trong khi nhu cầu thực tế cao hơn rất nhiều.
Mặt khác, những mỏ đất đã được cấp phép phân bố không đều ở các địa phương (Phú Bình 3 mỏ; Đồng Hỷ 3 mỏ; T.X Phổ Yên 2; T.P Sông Công 1 mỏ). Mỏ đất được cấp phép tập trung chủ yếu ở các địa phương phía Nam của tỉnh khiến cho những dự án xây dựng hạ tầng tại các huyện: Đại Từ, Phú Lương, Định Hóa, Võ Nhai… gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn đất san lấp hợp pháp, với giá thành và chi phí vận chuyển hợp lý.
Giám đốc một doanh nghiệp thi công xây dựng trên địa bàn huyện Định Hóa (nhân vật đề nghị được giấu tên) chia sẻ: Do địa phương không có mỏ đất được cấp phép nên trước đây chúng tôi chủ yếu sử dụng nguồn đất lậu. Thời gian gần đây, khi các cơ quan chức năng siết chặt quản lý hoạt động khai thác đất trái phép; yêu cầu các nhà thầu thi công xác định rõ nguồn cung cấp đất hợp pháp trong hồ sơ đấu thầu khiến đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Bởi lẽ, mỏ đất được cấp phép gần nhất cũng cách huyện Định Hóa trên 60km. Quãng đường vận chuyển quá xa, chi phí vận chuyển lớn khiến giá đất san lấp bị "đội" lên nhiều lần.
Về vấn đề này, ông Ma Đình Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng giải thích: Sở dĩ, trên địa bàn tỉnh hiện có rất ít mỏ đất san lấp được cấp phép hoạt động là do theo quy định của pháp luật, đất san lấp là một loại khoáng sản; quy trình, thủ tục cấp phép mỏ đất san lấp khá phức tạp và mất nhiều thời gian (ít nhất 1 năm) nên ít doanh nghiệp “mặn mà” làm thủ tục đề nghị cấp phép.
Để giải quyết những bất cập này, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có quy định riêng theo hướng đơn giản trình tự, thủ tục cấp phép khai thác đối với khoáng sản thông thường là đất san lấp, đặc biệt là ở khu vực trung du, miền núi như tỉnh Thái Nguyên…