Đại Từ được biết đến là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, tài nguyên thiên nhiên. Trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ và Nhân dân Đại Từ đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tròn 100 năm đã qua, kể từ khi được định danh chính thức là một huyện thuộc tỉnh Thái Nguyên vào năm 1922, Đại Từ hôm nay đang tiếp tục “thay da đổi thịt” từng ngày, vững bước trên con đường phát triển với những kết quả đáng phấn khởi trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh...
Từ quê hương cách mạng…
Theo sử sách ghi lại, tên gọi “Đại Từ” đã có từ lâu đời. Thời Hùng Vương, Đại Từ thuộc bộ Vũ Định; thời nhà Lý, thuộc phủ Phú Lương; đến thời nhà Lê, đây là một huyện thuộc phủ Phú Bình của thừa tuyên Ninh Sóc. Năm 1466, Đại Từ thuộc phủ Phú Bình, đạo Thái Nguyên. Năm 1835, dưới thời nhà Nguyễn, Đại Từ thuộc phủ Tòng Hoá của tỉnh Thái Nguyên. Ngày 01/8/1922, Đại Từ sáp nhập với Châu Văn Lãng (phía Bắc của huyện hiện nay) và chính thức lấy tên huyện Đại Từ.
Trong suốt lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện luôn nuôi dưỡng và phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, chống lại sự áp bức, bóc lột của các thế lực ngoại xâm. Đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhân dân Đại Từ đã nhanh chóng đi theo ánh sáng của cách mạng vô sản. Năm 1936, tại xã La Bằng (Đại Từ), cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được thành lập, làm tiền đề cho sự phát triển của toàn Đảng bộ tỉnh sau này. Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), huyện Đại Từ có vị trí chiến lược quan trọng, vừa là An toàn khu (ATK), vừa là cửa ngõ của Thủ đô kháng chiến. Nhân dân trong huyện đã nhường nhà cửa, tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men, đem sức lực và của cải bảo vệ Đảng, Chính phủ, Quân đội, bảo vệ Thủ đô kháng chiến...
Vùng chè trải khắp 30 xã, thị trấn của huyện Đại Từ với tổng diện tích trên 6.600ha. Trong ảnh: Vùng chè Hoàng Nông.
Từ năm 1954 đến năm 1975, Đại Từ đã tiễn hơn 7.000 người con lên đường đánh Mỹ, có mặt chiến đấu trên khắp các chiến trường 3 nước Đông Dương, góp phần vào những thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Với những đóng góp quan trọng trong kháng chiến và cả thời kỳ đổi mới, Đại Từ đã 2 lần vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”; 27/30 xã, thị trấn của huyện được công nhận xã ATK; huyện Đại Từ được công nhận là vùng ATK.
…Đến cực tăng trưởng phía Tây Bắc
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Đại Từ luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu để nhanh chóng hòa nhịp với dòng chảy đổi mới của đất nước. Từ chỗ sản xuất mang tính tự cung tự cấp, năng suất thấp, đời sống nhân dân khó khăn, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, Đại Từ hiện đang chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế và duy trì liên tục mức tăng trưởng khá.
Các dự án đầu tư được triển khai tại huyện đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Công ty CP Đầu tư Quốc tế THAGACO.
Đến nay, tổng giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu của địa phương tăng bình quân 6,85%/năm; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt tính đến hết năm 2021 đạt trên 131 triệu đồng. Cũng trong năm 2021, thu ngân sách trên địa bàn đạt 147% kế hoạch, với tổng nguồn thu đạt 336 tỷ đồng… Bên cạnh đó, với tầm nhìn chiến lược, Đại Từ đã hoàn thành đồ án Quy hoạch vùng huyện đến năm 2040, tạo cơ sở quan trọng để quản lý đô thị và xây dựng nông thôn mới ngày càng hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa - xã hội.
Trên chặng đường 100 năm qua, người nông dân luôn là lực lượng cách mạng hùng hậu, đóng góp to lớn về sức người, sức của, góp phần vào sự phát triển vững mạnh của địa phương. Với mục tiêu phấn đấu xây dựng huyện trở thành đô thị xanh, vùng kinh tế nông nghiệp, du lịch hàng đầu của tỉnh, những năm qua, Đại Từ đã đầu tư mạnh để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất…
Việc kết hợp nông nghiệp với du lịch trải nghiệm đang là một hướng phát triển kinh tế mới ở Đại Từ. Trong ảnh: Du khách trải nghiệm tại đồi chè xã La Bằng.
Trong đó, cây chè - với vị thế là cây trồng mũi nhọn của địa phương, có mặt ở khắp 30 xã, thị trấn, với trên 6.600ha. Toàn huyện có 53 làng nghề, 16 doanh nghiệp, 28 hợp tác xã, 74 tổ hợp tác và hàng nghìn hộ gia đình sản xuất, chế biến, kinh doanh chè… Cây chè đã giúp người dân Đại Từ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Đại Từ cũng trở thành vựa chè số 1 của tỉnh Thái Nguyên. Ngoài ra, các vùng chuyên canh cây ăn quả với tổng diện tích khoảng 600ha, tập trung ở các xã: Tiên Hội, Quân Chu, Cát Nê… cũng ngày càng được chú trọng đầu tư phát triển.
Cùng với đó, thông qua triển khai hiệu quả, tích cực chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn Đại Từ ngày càng khởi sắc, kết cấu hạ tầng được đầu tư hiện đại, đồng bộ. Đến nay, toàn huyện có 23/28 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân các xã đạt từ 16 tiêu chí trở lên.
Thành quả trong xây dựng nông thôn mới đã thu hút nhiều nhà đầu tư "rót" vốn vào huyện. Từ năm 2015 đến nay, tổng vốn ngoài ngân sách dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng có mức tăng mạnh, đạt trên 9.000 tỷ đồng. Cùng với nguồn lực của Nhà nước, huyện Đại Từ đã đầu tư 650 tỷ đồng làm đường giao thông; 2.200 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa phòng học; đầu tư xây dựng đường điện trên 700 tỷ đồng…
Các dự án được triển khai trên địa bàn, góp phần thay đổi diện mạo địa phương. Trong ảnh: Một góc thị trấn Hùng Sơn.
Nhiều dự án lớn đã, đang được triển khai, hứa hẹn về một vùng đất phát triển sôi động, trở thành cực tăng trưởng quan trọng phía Tây Bắc của tỉnh. Trong đó phải kể đến các dự án lớn như: Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc (đoạn qua địa phận huyện Đại Từ) với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng; xây dựng cầu An Long và đường kết nối ĐT.270 với ĐT.261 với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng; Khu thể dục thể thao sân golf xã Cát Nê, thị trấn Quân Chu; các dự án khu dân cư tại các xã, thị trấn… Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc tiếp tục là điểm nhấn trong bức tranh du lịch của Đại Từ, thu hút các dự án về du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, kết nối với du lịch trải nghiệm khu vực sườn Đông Tam Đảo…
Từ chủ trương và hướng đi đúng, phù hợp với từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển, Đại Từ - vùng đất một thời nghèo khó do ảnh hưởng của bom đạn, chiến tranh nay đã có bước chuyển mình ấn tượng. Quốc phòng - an ninh được tăng cường; tình hình chính trị - xã hội ổn định; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đời sống nhân dân thay đổi từng ngày, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,77%/năm.
Đại Từ hôm nay, đứng trước những vận hội và thách thức mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân kiên định quyết tâm xây dựng huyện trở thành một cực phát triển kinh tế năng động của tỉnh, tiếp tục tập trung phát triển kinh tế bền vững kết hợp với bảo đảm an sinh xã hội, khai thác hiệu quả các nguồn lực, thế mạnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới trước năm 2025 và cơ bản hoàn thiện các tiêu chí của thị xã như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đại Từ lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra…