Nhập nhèm trái cây “nhập khẩu”

Nhóm P.V 14:26, 29/09/2022

Những năm gần đây, khi đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh ngày càng cao, đặc biệt là tại khu vực thành thị, thì các quầy hàng, cửa hàng bán trái cây tươi nhập khẩu cũng tăng lên nhanh chóng. Giá bán mặt hàng này không hề rẻ và mức giá bán mỗi nơi cũng rất khác, gây tâm lý hoài nghi cho người mua. Nhiều người đặt câu hỏi, làm thế nào để biết thực hư nguồn gốc các loại hoa quả này và mức giá phải mua liệu có tương xứng với giá trị thực của sản phẩm?

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng kinh doanh hoa quả Lan Hào, ở chợ Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), phát hiện nhiều loại quả không có nguồn gốc, xuất xứ.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng kinh doanh hoa quả Lan Hào, ở chợ Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), phát hiện nhiều loại quả không có nguồn gốc, xuất xứ.

Dạo quanh một số chợ và các cửa hàng bán quả tươi trên địa bàn TP. Thái Nguyên, điều chúng tôi dễ dàng nhận thấy là sự đa dạng về mẫu mã và chủng loại, với sự bày biện rất bắt mắt.

Không giống như trước, các loại quả thường chỉ có theo mùa, những năm gần đây, hầu như loại quả nào cũng được bày bán quanh năm. Sở dĩ có sự thay đổi này một phần là do lượng quả mà các thương lái nhập về ngày càng phong phú, đa dạng. Điều này giúp người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn, đời sống ẩm thực của người dân cũng đa dạng, phong phú hơn.

Tuy nhiên, làm thế nào để biết loại quả mình mua có đúng là hàng nhập khẩu theo lời giới thiệu, quảng cáo hay không? là câu hỏi mà rất nhiều người mong muốn tìm được lời giải. Vì trên thực tế, rất khó để khách hàng có thể yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Vì thế, đa số người mua đều bằng “niềm tin”, hoặc do thấy phù hợp với túi tiền và nhu cầu mà không quá quan trọng nguồn gốc.

Từ thực tế này nên tình trạng trái cây Trung Quốc sau khi vào thị trường nội địa đã được nhiều thương lái gắn tem mác hàng nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau, như: Táo Newzelan, Mỹ; nho, cam Úc; lê Hàn Quốc, Nam Phi… nhằm tăng giá bán vẫn được người tiêu dùng dễ dàng chấp nhận.

Có một thực tế là rất khó để người mua biết được giá trị thực của các loại hoa quả nhập khẩu. Càng khó hơn khi theo kết quả khảo sát của chúng tôi, cùng một loại quả (táo, nho, cam, lê…) nhưng giá bán tại chợ thấp hơn rất nhiều so với giá bán tại các sửa hàng, siêu thị. Đơn cử như táo Dazz, tại chợ Thái có giá trung bình 70 nghìn đồng/kg, thì tại các cửa hàng hoa quả sạch có giá từ 160-170 nghìn đồng/kg; nho móng tay, giá tại chợ là 145-150 nghìn đồng/kg, cửa hàng hoa quả sạch (HQS) là trên dưới 300 nghìn đồng/kg; quýt Úc tại chợ có giá 120 nghìn đồng/kg, tại cửa hàng HQS có giá 170-180 nghìn đồng/kg; lê Hàn Quốc chợ có giá 80 nghìn đồng/kg, cửa hàng HQS có giá 120-130 nghìn đồng/kg…

Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, ngày 23-9, Cục quản lý thị trường (QLTT) tỉnh có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở kinh doanh trái cây tươi nhập khẩu trên địa bàn.

Chỉ sau 5 ngày ra quân (từ ngày 24 đến 28-9), lực lượng QLTT tỉnh đã kiểm tra, giám sát 23 cơ sở, trong đó, xử lý 5 cơ sở, với tổng mức phạt gần 31 triệu đồng; trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy hơn 40 triệu đồng; trị giá hàng tịch thu 1,8 triệu đồng.

Trong số này, đáng chú ý là vụ kiểm tra cửa hàng Lan Hào, do bà Nguyễn Thị Lan làm chủ tại chợ Túc Duyên (TP.  Thái Nguyên). Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện 1,4 tấn hoa quả không rõ nguồn gốc, xuất xứ gồm: Dưa vàng 640kg, lựu đỏ 340kg, táo xanh 400kg. Tổng trị giá hàng hóa là 25 triệu đồng. Các sản phẩm này đều có bao bì bằng chữ nước ngoài (Trung Quốc), không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có tài liệu kèm theo hàng hóa; cửa hàng cũng không thực hiện việc niêm yết giá. Bà Lan khai nhận mua số hàng hóa này từ người quen ở một chợ đầu mối tại Hà Nội và không có hóa đơn, chứng từ liên quan.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng kinh doanh hoa quả Lan Hào, ở chợ Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), phát hiện nhiều loại quả không có nguồn gốc, xuất xứ.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng kinh doanh hoa quả Lan Hào, ở chợ Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), phát hiện nhiều loại quả không có nguồn gốc, xuất xứ.

Đối với 4 vụ vi phạm còn lại, lực lượng QLTT phát hiện, phối hợp kiểm tra, xử lý khi đang trong quá trình lưu thông, với hàng hóa vi phạm bao gồm: Nho, dưa vàng, hồng… Câu hỏi được đặt ra là lượng hàng hóa này cuối cùng sẽ dừng lại ở đâu: Tại các chợ, quầy hàng hay cửa hàng trái cây nhập khẩu, siêu thị?

Theo ông Trần Khánh Phương, Đội trưởng Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh: Song hành với công tác kiểm tra, lực lượng QLTT cũng đẩy mạnh tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh hoa quả tươi, để họ chấp hành tốt quy định của pháp luật, cam kết không kinh doanh trái cây nhập lậu, giả mạo về nguồn gốc xuất xứ, vi phạm an toàn thực phẩm.

Trái cây tươi là một trong những mặt hàng có liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dùng. Chính vì thế, việc sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, như có thể xảy ra ngộ độc ngay sau khi ăn, hoặc qua thời gian rồi gây ra các loại bệnh cho con người, trong đó có bệnh ung thư.

Chính vì thế, việc tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh mặt hàng này là rất cần thiết và phải thường xuyên, giúp người tiêu dùng mua được các sản phẩm đúng với giá trị thật và làm lành mạnh hóa thị trường.