Nguồn cung thiếu, lãi suất tăng: Người vay khó chồng khó

Thu Hằng 08:01, 27/10/2022

Tính đến cuối tháng 9/2022, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tăng tới 11,73% so với thời điểm cuối năm 2021 - mức tăng cao nhất trong 10 năm gần đây. Song so với cuối quý II/2022 thì mức tăng chỉ thêm được 1,11%. Nguyên nhân được xác định là bởi trong 6 tháng đầu năm, cơ bản các ngân hàng đều chạm ngưỡng giới hạn cho vay. Theo dự báo, tín dụng cho vay sẽ tiếp tục được siết chặt trong thời gian tới khiến cả doanh nghiệp (DN) và cá nhân kinh doanh gặp khó.

Nhiều cơ sở kinh doanh hiện đang thiếu vốn để nhập hàng tích trữ bán vào dịp Tết Nguyên đán 2023 nên có khả năng giá một số mặt hàng sẽ tăng.

Chỉ còn 1 tuần nữa sẽ đến kỳ đáo hạn khoản vay 2 tỷ đồng, trong thời gian 5 tháng, với mức lãi suất 6,6%/năm, chị Nguyễn Thu Trang, chủ hộ kinh doanh tạp hóa trên đường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên) không khỏi bất ngờ khi được nhân viên NH thông báo lãi suất áp dụng cho lần giải ngân tới sẽ là 9,5%/năm. Đi kèm với đó là gói bảo hiểm tiền vay tối thiểu 0,3%/tổng dư nợ/năm. Như vậy tính ra, mức lãi suất tiền vay của chị Trang sẽ là 9,8%/năm. Còn nếu không muốn mua bảo hiểm thì khách hàng có thể chọn vay theo chương trình khác, với mức lãi suất 10,3%/năm.

Khi hỏi về việc lãi suất tăng cao, chị Trang được nhân viên NH giải thích: Thứ nhất, hiện các NH đều đã hết zoom tín dụng cho vay, nên nguồn vốn rất khan hiếm. Thứ hai, chỉ tính riêng trong tháng 9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh tăng lãi suất 3 lần. Thứ ba, bản thân các NH hiện cũng phải tăng lãi suất huy động, với mức tối đa đã lên tới 8%/năm (tùy kỳ hạn).

Chị Trang cũng cho biết thêm: Không chỉ lãi suất tăng mạnh, mà nguồn vay cũng bị hạn chế. Hiện, tôi chỉ có thể vay tối đa theo số nợ cũ, rất khó được vay thêm, dù hạn mức của tôi tại NH là 4 tỷ đồng. Vào thời điểm cuối năm, cần phải nhập hàng để bán mà lãi suất cao thế này, cộng thêm giới hạn vay bị hạn chế, tôi chưa biết phải tính toán ra sao. Những ngày gần đây, nhiều mặt hàng tôi đã phải nhập với giá cao hơn nên tôi rất lo, gần Tết giá sẽ còn tăng thêm.

Còn theo ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Công ty điện tử Quang Thái (TP. Thái Nguyên): Tôi vừa hỏi vay thêm tại Vietinbank nhưng được trả lời là phải đợi khi có khách hàng trả ra mới được giải ngân. Nhưng do cần tiền ngay để nhập hàng nên tôi đã phải làm hồ sơ vay NH khác, chấp nhận lãi suất cao hơn. Nếu không có tiền để nhập hàng theo kế hoạch đã đăng ký, DN sẽ bị nhà cung cấp hạ cấp đại lý, ảnh hưởng đến quyền lợi mà chúng tôi đang được ưu đãi, thậm chí là bị cắt cung ứng. Cùng với đó, DN sẽ bị đứt, gẫy nguồn cung ra thị trường, trong khi đây lại vào dịp hàng hóa bán chạy nhất trong năm.

Việc lãi suất tăng cao cùng với đó là khả năng đáp ứng vốn hạn chế đang khiến nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn trong triển khai các dự án. (Ảnh minh họa)

Cùng chung bối cảnh khó khăn, anh Nguyễn Đình Hiệp, Giám đốc DN Thiên niên kỷ Tuấn Anh (Đồng Hỷ), chia sẻ: Đối với DN sản xuất - kinh doanh, nguồn tiền được ví như máu. Vì thế, việc không chủ động được nguồn vốn vay tại NH như trước đây đã khiến DN trở nên bị động. Cùng với đó là việc lãi suất tăng mạnh, trong khi các DN đang trong giai đoạn phục hồi. Đúng là “khó chồng khó”. Hiện tại, DN chúng tôi vẫn đang loay hoay để tìm giải pháp.

Có thể nói, những khó khăn mà các DN, hộ kinh doanh đang gặp phải chính là thực trạng chung mà phần lớn khách hàng vay vốn tại NH hiện nay gặp phải. Mặc dù ở thời điểm hiện tại vẫn có một số NH còn nguồn cho vay, nhưng không phải khách hàng nào cũng có khả năng đáp ứng đủ các điều kiện, nhất là về tài sản đảm bảo, do trước đó đã thế chấp tại NH đang vay. Nếu muốn vay thêm, khách hàng hoặc phải có tài sản đảm bảo khác, hoặc phải làm thủ tục tất toán với NH đang vay để chuyển hồ sơ sang vay NH mới. Hơn nữa, việc cho vay của các NH hiện cũng khá chọn lọc.

Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Thái Nguyên thừa nhận: Việc nhiều cá nhân, DN khó tiếp cận nguồn vốn vay sẽ không tránh được những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là vào thời điểm nhu cầu vốn của nền kinh tế cao nhất trong năm. Tuy vậy, việc điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ, NHNN vẫn phải đảm bảo nguyên tắc vừa phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh thế giới xuất hiện nhiều rủi ro bất định. Các NH vẫn sẽ cố gắng duy trì việc cho vay đối với các khách hàng đang có khoản vay hiện hữu để hạn chế việc ảnh hưởng đến hoạt động của khách hàng, không làm gia tăng nợ xấu

Dù vậy, nếu lãi suất tiếp tục tăng cao, sẽ gây tác động tiêu cực đến sự phát triển của DN, cũng như nền kinh tế. Vì thế, NHNN đang tiếp tục theo dõi sát, thích ứng với các diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, các chính sách kinh tế khác nhằm kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Đặc biệt, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay, không xa vào cuộc chạy đua lãi suất như trước đây.

Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ tích cực thì việc lãi suất tăng cao trở lại (đang ngang bằng cách đây gần 3 năm - thời điểm trước khi dịch COVID-19 xuất hiện), cùng với đó là nhu cầu vốn lớn, đã và đang cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Điều này phần nào thể hiện qua tốc độ tăng trưởng kinh tế, từ 5,09% trong quý I, lên 8,5% trong quý II và 11,3% trong quý III/2022 (cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021).

Và việc tín dụng bị siết chặt cũng đã được khách hàng biết đến và ít nhiều có sự chuẩn bị. Vì vậy, "DN, cá nhân kinh doanh cần có biện pháp cân đối vốn phù hợp, đảm bảo khả năng, điều kiện vốn kinh doanh trong điều kiện vốn của mình và khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng khác trong thời gian những tháng cuối năm nay” - ông Bùi Văn Khoa chia sẻ thêm.