Siết chặt quản lý thị trường vùng nông thôn, miền núi

Thu Huyền 10:11, 11/10/2022

Lợi dụng những hạn chế về nhận thức, thông tin của một bộ phận người dân khu vực nông thôn, miền núi, nhiều đối tượng thường xuyên vận chuyển, buôn bán các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… Chính vì vậy, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 5, địa bàn các huyện: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý vi phạm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra việc chấp hành các quy định trong kinh doanh phân bón tại huyện Đại từ.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra việc chấp hành các quy định trong kinh doanh phân bón tại huyện Đại từ.

Cách trung tâm huyện Đại Từ khoảng 20km về phía Bắc, xã Minh Tiến có gần 70% số dân là người dân tộc thiểu số, dân cư thưa, địa hình chia cắt bởi đồi núi… nên hoạt động giao thương của người dân còn nhiều khó khăn.

Anh Ma Văn Đoàn, Trưởng xóm Lưu Quang 4, cho biết: Việc mua sắm của người dân ở đây chủ yếu là ở các cửa hàng tạp hóa quanh vùng; rau, củ quả, thịt cá tươi sống được bán ở chợ Minh Tiến, cách xóm chừng 2km và chỉ bán buổi sáng. Hàng hóa tùy thuộc vào việc nhập hàng của tư thương, có hàng nào thì bà con mua hàng đó, không có nhiều sự lựa chọn.

Trên thực tế, việc mua bán của bà con ở vùng nông thôn, miền núi chủ yếu diễn ra tại các chợ phiên truyền thống, nhiều chợ họp ở vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, người kinh doanh tại các chợ phiên chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số hoặc cư dân thường trú tại địa phương khác, trình độ dân trí còn hạn chế, nên tình trạng buôn bán, vận chuyển các mặt hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc vào tiêu thụ rất dễ xảy ra.

Trước thực tế trên, thời gian qua, Đội QLTT số 5 đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là các khu vực nông thôn, miền núi, các khu vực giáp ranh.

Ông Phạm Duy Bình, Phó Đội trưởng Đội QLTT số 5, cho biết: Cùng với hoạt động kiểm tra định kỳ, chúng tôi mở các đợt kiểm theo chuyên đề, kiểm tra đột xuất nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm, đặc biệt là ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Ngoài hoạt động kiểm tra độc lập, Đội còn tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng khác tăng cường kiểm tra tại các tuyến đường, chợ nông thôn, kiểm soát từ khâu vận chuyển hàng hóa; thường xuyên hướng dẫn người dân phân biệt hàng thật và hàng giả, hàng nhái.

Hàng năm, Đội yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết thực hiện đúng quy định pháp luật, không kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái… Đồng thời phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong đấu tranh, bài trừ hàng giả, hàng nhái ra khỏi thị trường.

Theo thống kê của lực lượng QLTT, tổng số cơ sở kinh doanh ở 3 huyện trên là gần 3.000 cơ sở. Từ đầu năm đến nay, Đội QLTT số 5 đã xử lý gần 220 vụ việc (giảm hơn 40 vụ so với cùng kỳ năm trước) với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính trên 800 triệu đồng (tăng gần 200 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước); trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy là trên 220 triệu đồng.

Số các trường hợp vi phạm bị xử lý giảm, song trị giá hàng tịch thu, tiêu thụ và số tiền phạt vi phạm hành chính lại tăng so với cùng kỳ năm trước. Các vụ việc xử lý chủ yếu liên quan đến mặt hàng vật tư nông nghiệp, vi phạm các quy định về giá hàng hóa, kinh doanh xăng dầu, lĩnh vực y tế…

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác QLTT, lực lượng chức năng cũng còn gặp nhiều khó khăn trong thực thi nhiệm vụ, đó là địa bàn quản lý rộng, địa hình phức tạp trong khi quân số của đơn vị ít; kinh phí, phương tiện đảm bảo cho việc thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính còn hạn chế…

Do vậy, cùng với sự nỗ lực của lực lượng chức năng, các hộ kinh doanh, người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong phòng, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại…