Ngày 14-10, báo Bảo vệ Pháp Luật (cơ quan của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) có đăng tải bài viết “Phẫn nộ vụ nữ sinh vừa quỳ lạy vừa hứng mưa đòn từ nhóm bạn”. Bài báo nhắc đến việc: "Một nữ học sinh Trường THCS Nam Tiến (TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) chỉ biết ôm mặt, quỳ gối trên sàn lớp học "chịu trận" trước những cú ra chân, động tay lia lịa từ nhóm bạn mặc áo đồng phục cùng trường." Ngay sau khi báo đăng tải, sáng 15-10, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Thái Nguyên đã làm việc lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP. Phổ Yên, Ban Giám hiệu, các giáo viên liên quan của Trường THCS Nam Tiến.
Đồng chí Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên, phát biểu tại buổi làm việc với Trường THCS Nam Tiến. |
Tại buổi làm việc, bà Lê Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Nam Tiến khẳng định, vụ việc báo Bảo vệ Pháp Luật đưa là có thật. Vụ việc diễn ra sau giờ tan học buổi sáng, ngày 12/9/2022 (sau khai giảng 1 tuần - P.V). Tại lớp 8B, có 3 học sinh là Dương Chu Bảo N, Nguyễn Thị Hồng A đều ở lớp 8B và Dương Thùy N, lớp 8C tham gia đánh em Nguyễn Thúy H, lớp 8B.
Theo tường trình của nhóm học sinh nêu trên: Nguyên nhân sự việc là do trong quá trình liên hoan Trung Thu trước đó (ngày 9-9), H nhìn đểu N và A. Sau khi bị bạn đánh, em Nguyễn Thúy H và các học sinh khác có mặt chứng kiến đã giấu toàn bộ sự việc, không báo cáo Nhà trường, gia đình và vẫn đi học bình thường. Đến tối 13-9, giáo viên chủ nhiệm lớp mới nhận được tin báo của gia đình rằng H bị đánh.
Ngay trong đêm, giáo viên chủ nhiệm đã đến nhà H và các em liên quan để tìm hiểu sự việc. Sáng hôm sau (14-9), giáo viên chủ nhiệm lớp 8B và 8C đã triệu tập các phụ huynh và học sinh liên quan về phòng Hội đồng Nhà trường để tường trình sự việc, kiểm tra, thu thập các hình ảnh, video, làm rõ sự việc và báo cáo Ban Giám hiệu. Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm cùng các gia đình đã đưa em Nguyễn Thúy H đến bệnh viện khám.
Ngày 14-9, Chi bộ, Ban Giám hiệu Trường THCS Nam Tiến và giáo viên chủ nhiệm đã tổ chức cuộc họp để xác minh sự việc. Đồng thời, Nhà trường tổ chức họp Hội đồng sư phạm triển khai quy trình xem xét, kỷ luật những học sinh vi phạm theo quy định. Theo đó, với 3 học sinh trực tiếp tham gia đánh em Nguyễn Thúy H, Nhà trường quyết định đình chỉ học tập 2 tuần; với những học sinh thấy bạn bị đánh nhưng thờ ơ, vô cảm không can ngăn, báo cho Nhà trường, thậm chí còn quay video, bị đình chỉ học tập 1 tuần. Tại giờ sinh hoạt lớp 8B, 8C, có sự tham dự của các phụ huynh, giáo viên đã tổ chức họp xét kiểm điểm học sinh ngay trên lớp.
Lãnh đạo Trường THCS Nam Tiến cũng yêu cầu các gia đình quan tâm sát sao, quản lý và giáo dục con em mình để các cháu tiến bộ. Các gia đình có con vi phạm đã cam kết không để con mình tái diễn vi phạm nội quy trường học. Bản thân các em học sinh cũng đã nhận ra sai phạm và hứa sẽ sửa chữa lỗi lầm, tích cực tu dưỡng rèn luyện.
Đối với học sinh bị kỷ luật, Trường THCS Nam Tiến yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, giáo viên các bộ môn, tập thể lớp, Đội Thiếu niên tiền phong và gia đình có trách nhiệm theo dõi, tích cực giúp đỡ các em rèn luyện, sửa chữa khuyết điểm.
Cùng với đó, Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành Công đoàn Nhà trường đã tổ chức thăm hỏi gia đình học sinh bị đánh. Gia đình em H đã nhận lời xin lỗi của các học sinh và phụ huynh, mong muốn các cháu hòa thuận, là bạn tốt của nhau.
Sau khi xét kỷ luật học sinh, Trường THCS Nam Tiến đã báo cáo Phòng GD&ĐT TP. Phổ Yên; lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường Nam Tiến; phối hợp với Công an phường Nam Tiến xây dựng và thực hiện các biện pháp giáo dục đạo đức các em học sinh vi phạm kỷ luật.
Về phía Phòng GD&ĐT TP. Phổ Yên, sau khi xem xét vụ việc, đã tiến hành kiểm điểm Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nam Tiến và yêu cầu Hiệu trưởng Nhà trường kiểm điểm các tập thể và cá nhân có liên quan
Sau khi nghe báo cáo của các bên liên quan, đồng chí Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, đây là vụ việc bạo lực học đường nghiêm trọng, xảy ra ngay trong lớp học, trong trường. Để xảy ra vụ việc trên là do công tác nắm bắt thông tin, quản lý lớp học của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm chưa sâu sát. Dẫn đến việc chỉ đến khi gia đình liên hệ, giáo viên mới nắm bắt được vụ việc.
Về các biện pháp giải quyết của giáo viên chủ nhiệm, Trường THCS Nam Tiến, Phòng GD&ĐT TP. Phổ Yên đối với vụ việc, đồng chí Phó Giám đốc Sở GD&ĐT đồng tình nhưng nhấn mạnh, cần phải nhanh chóng và quyết liệt hơn. Đồng chí cũng cho rằng đây là bài học chung cho các trường học trong toàn tỉnh.
Từ vụ việc nêu trên, đồng chí Phó Giám đốc Sở GD&ĐT yêu cầu lãnh đạo Trường THCS Nam Tiến thẳng thắn nhìn nhận thấu đáo, đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý, giáo dục học sinh. Thời gian tới, Nhà trường cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong trường học cho học sinh. Đối với đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, phải gắn bó mật thiết, tăng cường nắm bắt các thông tin từ phía phụ huynh, học sinh, đặc biệt là hoàn cảnh của từng em để có biện pháp giáo dục phù hợp.
Đồng chí Nguyễn Đức Thịnh cũng khẳng định: Với quan điểm không bao che, giấu giếm, xử lý vụ việc công khai minh bạch, thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ tăng cường hơn nữa các giải pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng bạo lực học đường (nếu có) trong toàn ngành. Theo đó, Ngành sẽ tăng cường hơn công tác kiểm tra việc xây dựng các kế hoạch, văn bản, cách thức triển khai xây dựng văn hóa học đường, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường của các nhà trường; tránh tình trạng các nhà trường tổ chức tuyên truyền chỉ là hình thức, thiếu các giải pháp, việc làm cụ thể trong việc giáo dục, để học sinh thấy cái đúng không biết bảo vệ, cái sai không biết đấu tranh...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin