"Vay vốn ngân hàng: Dễ hay khó?" - Đó là câu hỏi mà với người này, chúng tôi nhận được câu trả lời là "dễ", nhưng với người khác lại là "khó", thậm chí "rất khó". Tại sao lại có sự khác nhau như vậy? Ghi nhận của phóng viên Báo Thái Nguyên tại Hội nghị đối thoại giữa ngành Ngân hàng (NH) với doanh nghiệp (DN) vừa được Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tổ chức mới đây sẽ phần nào lý giải về vấn đề này.
Đại diện các doanh nghiệp đưa ra một số khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp vừa được Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tổ chức. |
Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh, nêu vấn đề: Tính đến cuối tháng 3/2023, toàn tỉnh có 31 chi nhánh NH thương mại, với khoảng 150 điểm giao dịch. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn là khoảng 94 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay khoảng 85 nghìn tỷ đồng. So với cuối năm 2022, dư nợ cho vay trong những tháng đầu năm nay tăng không đáng kể và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, các NH hiện đang trong tình trạng “đốt đuốc đi tìm khách hàng”. Vậy, tại sao người vay vẫn "than khó" khi tiếp cận nguồn vốn vay NH?
Bà Đỗ Thị Mai Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Vận tải ô tô Thái Nguyên, Phó Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan, chia sẻ tại Hội nghị: Những năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các DN kinh doanh vận tải gặp rất nhiều khó khăn. Từ quý II/2022, khi dịch bệnh cơ bản được khống chế, DN muốn mua thêm phương tiện để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách nhưng lại gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn, do các NH cạn hạn mức cho vay. Điều này khiến nhiều DN mất đi cơ hội kinh doanh.
Bà Hương cũng khẳng định: Sang đến năm nay, việc tiếp cận nguồn vốn NH đã thuận lợi hơn, nhưng với DN vận tải thì chưa. Vì theo quy định, trong hồ sơ vay vốn, báo cáo tài chính của DN phải có lãi. Trong khi đó, trên thực tế trong hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, chúng tôi không thể có lãi. Chính vì thế, DN chưa thể tiếp cận nguồn vốn vay.
Theo ông Ngô Quốc Hội, Phó Chủ tịch Hội DN TP. Thái Nguyên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khoáng sản An Khánh: Việc các DN khoáng sản không thể thế chấp quyền khai thác khoáng sản với NH để vay vốn, khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Rõ ràng, để được cấp quyền khai khác, DN phải đóng hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, nhưng họ lại không được dùng “quyền” đó để thế chấp. Vướng mắc này tuy không xuất phát từ ngành NH mà do bất cập từ Luật Khoáng sản, nhưng chúng tôi mong NHNN và Hiệp hội DN tỉnh sẽ tiếp tục có tiếng nói đến cấp có thẩm quyền để điều chỉnh luật cho phù hợp.
Còn theo đại diện lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP. Thái Nguyên, việc NH giảm hạn mức cho vay so với năm 2022 sau khi tiến hành định giá lại tài sản đảm bảo đã và đang khiến DN rơi vào trạng thái bị động, khó khăn. Vì lúc này, DN không những không được sử dụng hạn mức cũ, mà mỗi tháng còn phải trả vào NH một số tiền nhất định để đảm bảo đúng hạn mức mới được cấp.
Việc chưa giải quyết kịp thời tình trạng thiếu đất san lấp cũng là nguyên nhân khiến một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. (Ảnh minh họa) |
Chia sẻ với những khó khăn các DN đang gặp phải, ông Bùi Trung Dũng, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Thái Nguyên, cho biết: Agribank hiện thừa vốn, rất muốn cho vay ra, nhưng không hề đơn giản. Trong thời gian qua, đơn vị tiếp nhận 10 dự án vay vốn, nhưng chỉ có 1 dự án đủ điều kiện đáp ứng. Một trong những nguyên nhân khiến DN khó tiếp cận vốn vay là báo cáo tài chính thiếu minh bạch. Không ít DN có tới 2-3 báo cáo tài chính, 1 báo cáo nộp cho cơ quan thuế, 1 báo cáo nội bộ, thậm chí 1 báo cáo gửi NH. Trong khi đó, NH yêu cầu DN cung cấp báo cáo tài chính thuế và báo cáo tài chính được kiểm toán phải khớp nhau. Ngoài ra, một số DN hiện “nhảy” NH nhiều quá. Nhiều người chỉ vì lợi ích trước mắt như lãi suất thấp hơn, hạn mức được vay nhiều hơn, liền chuyển sang vay NH khác…
Còn ông Hà Mậu Quý, Giám đốc NH TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên, cho rằng: Việc xác định lại giá trị tài sản đảm bảo của khách hàng là việc làm bình thường của NH. Nếu như từ năm 2021 đến trước tháng 6/2022, khi giá bất động sản trên địa bàn tỉnh tăng cao, NH “không định giá thấp được”, thì từ quý III/2022 trở lại đây, NH lại “không định giá cao được”. Nguyên nhân do thị trường bất động sản lao dốc. Chính vì thế, sau khi định giá lại tài sản đảm bảo, nhiều DN, cá nhân kinh doanh bị giảm hạn mức vay.
Ông Hà Mậu Quý cũng nêu thực trạng: Nhiều dự án của DN gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay có một phần nguyên nhân đến từ sự chậm trễ, bất cập trong giải quyết một số thủ tục hành chính của cơ quan quản lý Nhà nước. Trong đó có việc đăng ký tài sản đảm bảo, báo cáo đánh giá tác động môi trường, hay chậm khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung đất san lấp… Chính vì thế, cần có sự đồng hành, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp để cùng tháo gỡ khó khăn.
Từ thực tế cho thấy có rất nhiều khó khăn, vướng mắc mà các DN đã và đang phải đối diện trong việc tiếp cận nguồn vốn vay NH. Thực tế này rất cần được các bên liên quan: NHNN, các NH thương mại, DN và cơ quan quản lý Nhà nước cùng nhau trao đổi, nghiên cứu, có giải pháp can thiệp, hỗ trợ để các DN thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, đồng thời giúp ngành NH có được môi trường hoạt động an toàn, lành mạnh. Từ đó góp phần giảm bớt khó khăn cho cả ngành NH và các DN, nhất là trong bối cảnh kinh tế trong nước và trong tỉnh tiếp tục được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin