Khi vai trò của cơ quan dân cử được phát huy (bài 1)

Thu Hằng - Trần Trang 10:00, 24/04/2023

Đã có nhiều đổi mới trong hoạt động của HĐND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ này. Hai chức năng chính là quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương và giám sát những nội dung thuộc thẩm quyền tiếp tục được phát huy hiệu quả, hỗ trợ UBND tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như đáp ứng ngày càng tốt hơn sự kỳ vọng, tin tưởng của cử tri và nhân dân.

Bài 1: Để nghị quyết đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Tính đến cuối tháng 4/2023, dù chưa đi được nửa chặng đường nhưng HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, đã tổ chức được 11 kỳ họp (gồm 5 kỳ họp thường kỳ, 6 kỳ họp chuyên đề), với 241 nghị quyết được ban hành, nhiều hơn 26 nghị quyết so với cả nhiệm kỳ trước. Kết quả này có được là nhờ sự đổi mới trong hoạt động của HĐND tỉnh, từ công tác chuẩn bị, nâng cao chất lượng thẩm tra cho đến việc tăng tính phản biện của đại biểu tại các phiên họp, kỳ họp...

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua 241 nghị quyết.
Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, các đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua 241 nghị quyết.

Những đổi mới phù hợp

Theo đồng chí Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Nội dung trình tại các kỳ họp được chuẩn bị với tinh thần chủ động, từ xa, kỹ lưỡng. Đối với việc thẩm tra các báo cáo, tờ trình, các ban của HĐND tỉnh đã chủ động tiếp cận tài liệu, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh ngay từ khâu xây dựng, thẩm định; tham gia các cuộc họp của cấp ủy, phiên họp của UBND cùng cấp khi bàn về nội dung trình tại kỳ họp HĐND tỉnh. Đặc biệt, từ kỳ họp thứ 10, thực hiện Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngoài việc tổ chức để các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh còn yêu cầu các tổ đại biểu HĐND tỉnh tổ chức cho đại biểu thảo luận trước. Kết quả thảo luận được tổng hợp trong phiên thảo luận tại hội trường, góp phần nâng cao chất lượng thảo luận chung.

Đồng chí Bùi Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Phổ Yên: Để giúp Phổ Yên hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2023 và phát triển xứng tầm đô thị loại 3, chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 9 nghị quyết riêng về địa phương và 142 nghị quyết có liên quan. Trong đó, chính quyền và nhân dân Phổ Yên là một trong số những đối tượng điều chỉnh...

Ngoài ra, việc HĐND tỉnh triển khai kỳ họp “không giấy” đã giúp các đại biểu tiếp cận tài liệu thuận lợi và nhanh chóng hơn. Nhờ đó, mỗi kỳ họp đã rút ngắn được một nửa thời gian do không còn tốn thời gian nghe đọc các báo cáo, tờ trình. Nhiều nội dung được báo cáo bằng hình ảnh, không chỉ “buộc” các đại biểu phải đọc kỹ hơn tài liệu, mà còn giúp tăng thời gian dành cho việc thảo luận, giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn…

Đáng chú ý, trong quá trình khảo sát, thẩm tra, đối với các nội dung còn có ý kiến khác nhau mà cơ quan trình chưa chuẩn bị kỹ, đều được đưa ra khỏi chương trình kỳ họp.

Đồng chí Lê Văn Tâm, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các ban của HĐND tỉnh đã có ý kiến với Thường trực HĐND và UBND tỉnh về một số nội dung chưa đủ căn cứ, nên các cơ quan tham mưu đã xem xét chưa trình tại kỳ họp, có thể kể đến như Tờ trình về thông qua việc kéo dài kỳ quy hoạch và điều chỉnh, bổ sung tọa độ khép góc trong Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; Tờ trình về ban hành danh mục lĩnh vực đầu tư cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh giai đoạn 2021-2025…

Còn theo đồng chí Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Sự phối hợp giữa các ban của HĐND tỉnh với các sở, ngành thuộc UBND tỉnh rất chặt chẽ ngay từ giai đoạn xây dựng dự thảo nghị quyết. Chính vì vậy, với mỗi nội dung trình tại kỳ họp HĐND tỉnh đều nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu và khi triển khai thực hiện cũng thuận lợi, hiệu quả hơn...

NQ quy định một số chính sách hỗ trợ dạy và học tiếng Anh đã giúp nâng cao chất lượng dạy, học môn học này trong các cơ sở giáo dục. Trong ảnh: Thảo luận nhóm môn Tiếng Anh của học sinh lớp 9A, Trường THCS Hương Sơn (TP. Thái Nguyên).
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ dạy và học tiếng Anh đã giúp nâng cao chất lượng dạy và học môn này trong các cơ sở giáo dục. Trong ảnh: Giờ thảo luận nhóm môn tiếng Anh của học sinh lớp 9A, Trường THCS Hương Sơn (TP. Thái Nguyên).

Đến những nghị quyết hợp lòng dân

Theo đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Các nghị quyết của HĐND tỉnh được ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay đều đảm bảo chất lượng, đúng quy định của pháp luật, sát nhu cầu thực tiễn.

Đồng chí Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Việc HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ dạy và học tiếng Anh đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn này trong các cơ sở giáo dục. Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 353 học sinh (có IELTS từ 4.0 trở lên) được nhận hỗ trợ, tăng 303 em so với năm 2021. Trong quý I/2023, số học sinh được nhận hỗ trợ là 150 em (dự kiến cả năm nay là trên 600 em)...

Có thể kể đến là các nghị quyết: Quy định chế độ bồi dưỡng cho người làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh; Nâng mức hỗ trợ đối với cán bộ không chuyên trách ở cơ sở; Nâng mức hỗ trợ đối với công an cấp xã; Quy định hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tỉnh; các nghị quyết chuyên đề về việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri…

Ngoài ra, HĐND tỉnh cũng kịp thời điều chỉnh một số nghị quyết đã được ban hành trước đó nhằm đảm bảo phù hợp với văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đánh giá về hoạt động của HĐND tỉnh khóa XIV, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, khẳng định: Những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua của tỉnh Thái Nguyên có vai trò đóng góp đặc biệt quan trọng của HĐND các cấp. HĐND đã quyết định nhiều chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; quyết định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; đảm bảo quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội. Các hoạt động của HĐND được triển khai ngày càng khoa học, hiệu quả; hiệu lực trong hoạt động giám sát được nâng lên, qua giám sát đã có nhiều vấn đề bất cập được giải quyết triệt để…

(Còn nữa)