Du lịch Thái Nguyên kỳ nghỉ lễ có gì đặc biệt?

Phạm Ngọc Chuẩn (thực hiện) 16:17, 23/04/2023

Năm nay, kỳ nghỉ lễ 30-4; 1-5 và ngày Quốc giỗ (10-3 Âm lịch), người lao động, học sinh, sinh viên được nghỉ 5 ngày liên tiếp từ 29-4 đến 3-5. Đây là thời gian lý tưởng để mọi người được nghỉ ngơi, tham quan du lịch và chào đón bạn bè về Thái Nguyên khám phá các điểm đến. Nhân dịp này, Báo Thái Nguyên có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thành Luân, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), với chủ đề: Du lịch Thái Nguyên kỳ nghỉ lễ có gì đặc biệt?

Sau mưa, hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai), trở nên đẹp hơn trong mắt du khách.
Sau mưa, hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai), trở nên đẹp hơn trong mắt du khách.

PV: Ông có thể giới thiệu với bạn đọc Báo Thái Nguyên một số điểm đến ấn tượng trong kỳ nghỉ này?

Ông Nguyễn Thành Luân: Không có biển làm bãi tắm chào mời du khách; không có vùng tuyết rơi cho du khách trải nghiệm, nhưng Thái Nguyên có nhiều điểm đến ấn tượng, cuốn hút du khách trong, ngoài nước đến khám phá, trải nghiệm và thỏa sức check in.

Thái Nguyên có nhiều loại hình du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách. Về loại hình du lịch lịch sử có thể kể đến các điểm, như: Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích lịch sử quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái (TP. Thái Nguyên). Đó là 2 địa điểm ghi dấu ấn lịch sử quan trọng của Thái Nguyên trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Rồi các điểm đến du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, như: Khu du lịch hồ Núi Cốc (Đại Từ); Trung tâm Thương mại và Du lịch Dũng Tân (TP. Sông Công); Điểm du lịch sinh thái Phượng Hoàng (Võ Nhai)... Du lịch cộng đồng trải nghiệm về văn hóa trà và văn hóa các dân tộc, du khách có thể tìm đến các địa điểm hấp dẫn gồm: Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (TP. Thái Nguyên) - Ngôi làng được Tổ chức Du lịch thế giới trao giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022”; Điểm du lịch cộng đồng xã Tân Cương; Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà...

Đặc biệt, Thái Nguyên có Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - một trong 5 bảo tàng quốc gia, đây là một trong những điểm nhấn của du lịch Thái Nguyên. Du khách cũng có thể tham gia các tuor khám phá hang động, như: Hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà (Võ Nhai); chùa Hang (Định Hóa); hang Chùa (Đồng Hỷ), hoặc những điểm đến sinh thái, dã ngoại, như: Suối Kẹm, hồ Ghềnh Chè, suối Cửa Tử, đồi chè Cầu Đá…

PV: Thưa ông, quê hương Thái Nguyên còn có sản phẩm du lịch gì tạo phấn chấn cho du khách?

Ông Nguyễn Thành Luân: Có chứ, đó là một kho tàng lớn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, như: Rối cạn Thẩm Rộc của người Tày Định Hoá; hát Soọng Cô của người Sán Dìu Đồng Hỷ; múa Tắc Xình (cầu mùa) của người Sán Chay (Phú Lương) và Lễ cấp sắc của người Dao (Đại Từ)… Rồi các làng nghề thủ công truyền thống, như: Làng nghề thủ công mỹ nghệ (Phú Bình); bánh chưng Bờ Đậu (Phú Lương); dệt mành cọ (Định Hoá).

Đặc biệt mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Tri thức trồng và chế biến chè của người dân vùng Tân Cương (TP. Thái Nguyên) vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Khu du lịch Dũng Tân, phường Cải Đan (TP. Sông Công), một điểm đến lý tưởng trong kỳ nghỉ của du khách.
Khu du lịch Dũng Tân, phường Cải Đan (TP. Sông Công), một điểm đến lý tưởng trong kỳ nghỉ của du khách.

PV: Ông có thể cho khách du lịch biết sơ bộ về chất lượng phục vụ của ngành Du lịch Thái Nguyên?

Ông Nguyễn Thành Luân: Trong những năm gần đây, các điểm du lịch của tỉnh cũng như hệ thống nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ và dịch vụ đưa đón du khách đã có sự chuyên nghiệp hơn, chất lượng sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ cơ bản đáp ứng được yêu cầu của du khách.

Hiện, trên địa bàn tỉnh có gần 400 cơ sở lưu trú phục vụ du khách, trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 5 khách sạn 3 sao, 39 khách sạn từ 1 đến 2 sao và một hệ thống nhà nghỉ chất lượng.

Đặc biệt, trong thời gian thực hiện tạm giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19, các doanh nghiệp tham gia hoạt động trong ngành Du lịch đã “biến nguy thành cơ”, tranh thủ đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao kiến thức, kỹ năng phục vụ của đội ngũ nhân viên.

PV: Thưa ông, kỳ nghỉ này ngành Du lịch Thái Nguyên có chương trình gì để kích cầu du lịch?

Ông Nguyễn Thành Luân: Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tuyên truyền, vận động các tập thể, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh tham gia một số chương trình khuyến mãi, kích cầu du lịch, như: Giảm giá tuor, giá phòng, giá vé vào cửa, cổng các khu, điểm du lịch. Sở cũng phối hợp với các cấp, ngành chức năng và địa phương giám sát chặt chẽ các hoạt động liên quan đến du lịch, bảo đảm an toàn cho du khách trong thời gian tham quan, nghỉ ngơi trên địa bàn. Kiên quyết xử lý các hành vi “chặt chém” du khách; không để xảy ra hiện tượng mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

PV: Thái Nguyên đã sẵn sàng chào đón du khách, nhưng Thái Nguyên đã làm gì để du khách biết và đến với các di tích, danh thắng?

Ông Nguyễn Thành Luân: Thông qua các cơ quan thông tấn, báo chí và các ứng dụng điện tử, đặc biệt là Cổng thông tin du lịch thông minh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã cập nhật hầu hết các điểm đến tham quan, nghỉ dưỡng, đồng thời chủ động chia sẻ đến bạn bè trong, ngoài nước về sự hấp dẫn của vùng đất, con người Thái Nguyên.

Tôi xin được cung cấp thêm thông tin: Cổng thông tin du lịch thông minh được xây dựng, đưa vào vận hành từ hơn 1 năm trước, đến nay có trên 1,6 triệu lượt truy cập. Hiện, hệ thống này đã cập nhật hơn 120 khách sạn, nhà nghỉ, 47 điểm đến, 45 điểm giải trí, 117 nhà hàng, quán ăn, 22 điểm mua sắm. Toàn bộ các địa chỉ này được tích hợp với bản đồ số. Chỉ cần chiếc máy điện thoại thông minh, du khách có thể kết nối, đăng ký nhu cầu sử dụng các sản phẩm du lịch với cơ sở phục vụ. Ngoài ra, Thái Nguyên cũng đẩy mạnh quảng bá du lịch trên các mạng xã hội, như: Facebook, Zalo, TikTok, Youtube... 

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!