Sau những đợt nồm ẩm kéo dài, Thái Nguyên bắt đầu bước vào một mùa Hè đầy nắng. Hình thái thời tiết này tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tăng cao. Bởi vậy, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang được các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đặc biệt quan tâm...
Bữa ăn đảm bảo chất dinh dưỡng và ATVSTP tại Trường Mầm non Phú Thượng (Võ Nhai). |
Trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, cùng với nguy cơ ô nhiễm môi trường, thức ăn bị ôi thiu… thì những hành vi không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm chính là tác nhân lớn nhất trở thành nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Chung, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), nói: Chúng tôi rất mong các cấp, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm để họ có trách nhiệm với người tiêu dùng, có ý thức bảo đảm ATVSTP.
Trước những nguy cơ mất vệ sinh ATTP và mong muốn của người dân, trong vai trò là cơ quan thường trực, mới đây, Sở Y tế đã tham mưu với tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Tháng hành động vì ATTP năm 2023 với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Thực hiện từ ngày 15-4 đến 15-5, Tháng hành động vì ATTP năm 2023 của Thái Nguyên mang nhiều thông điệp như: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong đảm bảo an ninh, ATTP. Cùng với đó là đề cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện pháp luật về ATTP; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao và các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ATTP.
Bên cạnh đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an ninh, ATTP; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, ATTP; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm ATTP, Tháng hành động năm 2023 còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Đây cũng là dịp gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác ATTP; nâng cao hiệu quả sự phối hợp ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác bảo đảm ATTP; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm ATTP.
Sau dịp nghỉ lễ, Thái Nguyên thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh do Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tiến hành kiểm tra, hậu kiểm tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; sẽ công khai các cơ sở, cá nhân vi phạm hành chính về ATTP nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trái pháp luật…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin