Thái Nguyên mở rộng “lá phổi xanh” đô thị: Điểm sáng và khát vọng

Quốc Tuân - Nguyên Ngọc 16:10, 07/05/2023

Trong điều kiện khó khăn về quỹ đất, nguồn vốn như hiện nay, việc phát triển các khu công viên cây xanh, vườn hoa công cộng trên địa bàn tỉnh được đánh giá là điểm sáng. Các khu vực này thực sự trở thành “lá phổi xanh” của đô thị, mang lại không khí trong lành, không gian xanh để người dân thư giãn, rèn luyện sức khỏe. Trước mục tiêu quản lý và phát triển cây xanh đô thị theo tinh thần Chỉ thị số 13/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh, Thái Nguyên đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng không gian xanh với những công viên quy mô lớn.

Theo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, diện tích không gian xanh bán tự nhiên của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030 cần đảm bảo là 195.741,11ha, đạt 55,55% diện tích đất toàn đô thị.
Theo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, diện tích không gian xanh bán tự nhiên của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030 cần đảm bảo là 195.741,11ha, đạt 55,55% diện tích đất toàn đô thị.

Công viên nhỏ, tiện ích lớn

Cứ mỗi buổi sáng sớm và chiều tối, các khu vườn hoa công cộng trước cổng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên lại nhộn nhịp người tập thể dục. Không gian cây xanh tỏa bóng mát cùng hạ tầng vỉa hè, hệ thống thiết bị tập luyện thể dục được bố trí khoa học giúp người dân tận hưởng không khí trong lành, thư giãn và có điều kiện tập luyện thể dục, nâng cao sức khỏe.

Bà Phạm Thị Nga, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Trước đây, chúng tôi thường phải chịu cảnh lộn xộn, nhếch nhác trước cổng viện, nay được tận hưởng không gian xanh như công viên thu nhỏ nên khó có thể nói hết được niềm vui. Từ khi có khu công viên cây xanh, vườn hoa công cộng này, thời tiết đẹp là ngày nào tôi cũng ra đây tập thể dục.

Khu vườn hoa, cây xanh tại cổng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã góp phần hạn chế tình trạng lấn chiếm vỉa vẻ tồn tại nhiều năm qua ở đây.
Khu vườn hoa, cây xanh tại cổng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã góp phần hạn chế tình trạng lấn chiếm vỉa vẻ tồn tại nhiều năm qua ở đây.

Không chỉ tại khu vực trước cổng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, TP. Thái Nguyên đã xây dựng 6 khu công viên cây xanh, vườn hoa công cộng trên địa bàn các phường Hoàng Văn Thụ, Túc Duyên, Thịnh Đán và đang xây dựng 1 khu tại phường Quang Vinh với tổng diện tích trên 20.000m2, tổng mức đầu tư khoảng 25,6 tỷ đồng.

Bà Ma Thị Thăm, phường Đồng Quang (TP. Thái Nguyên): Biết bao thế hệ người dân Thái Nguyên nói chung và TP. Thái Nguyên nói riêng đều mơ ước có một công viên quy mô lớn. Tôi mong mơ ước đó sẽ thành hiện thực trong tương lai.
Bà Ma Thị Thăm, phường Đồng Quang (TP. Thái Nguyên): Biết bao thế hệ người dân Thái Nguyên nói chung và TP. Thái Nguyên nói riêng đều mơ ước có một công viên quy mô lớn. Tôi mong mơ ước đó sẽ thành hiện thực trong tương lai.

Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Hà, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ Thái Nguyên (Hội Kiến trúc sư tỉnh), đánh giá: Các khu công viên cây xanh, vườn hoa công cộng được xây dựng trên địa bàn TP. Thái Nguyên thời gian gần đây được ví như những “công viên nhỏ” bởi đáp ứng gần đủ những tiện ích phục vụ người dân. Trong điều kiện khó khăn rất lớn về quỹ đất, nguồn vốn, việc xây dựng các công viên nhỏ này được đánh giá là một sáng kiến đáp ứng hiệu quả tiêu chí cây xanh, kết cấu hạ tầng đô thị và nhu cầu người dân.

Chỉ thị đi vào cuộc sống

Các khu công viên cây xanh, vườn hoa công cộng trên địa bàn TP. Thái Nguyên được xây dựng từ sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của các cấp chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn. Đặc biệt, yếu tố khởi phát, giúp “khai sinh” các “công viên nhỏ” này là Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 17/6/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về quản lý và thúc đẩy phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Chỉ thị số 13).

Theo Chỉ thị này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành ưu tiên dành tối đa quỹ đất cho công viên, cây xanh, vườn hoa trong các khu dân cư, khu đô thị mới và các khu dân cư hiện hữu; đồng thời nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh các giải pháp để cải tạo, chỉnh trang đối với các khu dân cư hiện hữu chưa bố trí được quỹ đất cây xanh theo quy định…

Theo thông tin từ Sở Xây dựng và các huyện, thành phố, trong hai năm thực hiện Chỉ thị số 13, các địa phương đã đầu tư xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang và đưa vào sử dụng tổng cộng 11 công trình cây xanh, vườn hoa tại các khu đất công xen kẹp chưa sử dụng thuộc 4 đô thị trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích khoảng 32.000m2.

Người dân tập thể dục, sinh hoạt cộng đồng tại khu vườn hoa, cây xanh của Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tỉnh.
Người dân tập thể dục, sinh hoạt cộng đồng tại khu vườn hoa, cây xanh của Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tỉnh.

Các công trình được đầu tư đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất công, hạn chế việc lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích; giảm tình trạng người dân đổ chất thải ở các khu vực đất công chưa sử dụng gây ô nhiễm môi trường; cải tạo cảnh quan, không gian sinh hoạt chung cho cộng đồng dân cư, tạo mỹ quan cho không gian đô thị, góp phần nâng cao chất lượng sống cho nhân dân trong khu vực.

Khát vọng về những đô thị xanh

Theo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, diện tích không gian xanh bán tự nhiên của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030 cần đảm bảo là 195.741,11ha, đạt 55,55% diện tích đất toàn đô thị. Diện tích không gian xanh sử dụng công cộng tại các đô thị và khu dân cư nông thôn của tỉnh đến năm 2030 cần đảm bảo 627,44ha, đạt 0,17% diện tích đất toàn tỉnh với chỉ tiêu trung bình 4,13m²/người.

Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu này, đồng thời thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 13, các địa phương đã triển khai thực hiện rà soát các khu đất quy hoạch công viên - cây xanh theo các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch đô thị được phê duyệt.

Tổng diện tích các quỹ đất được quy hoạch công viên, cây xanh tập trung công cộng cấp đô thị trên toàn tỉnh hiện nay khoảng 1.800ha với khoảng 64 khu (không bao gồm các khu đất cây xanh - vườn hoa thuộc các dự án dân cư, đô thị, khu nhà ở).

Trong đó, TP. Thái Nguyên có 5 khu vực được xác định là công viên - cây xanh cấp đô thị với tổng quy mô diện tích 869ha; TP. Sông Công có 30 khu được quy hoạch là công viên cây xanh đô thị với tổng diện tích khoảng 345ha; còn lại là TP. Phổ Yên với tổng diện tích đất quy hoạch, dự kiến phát triển cây xanh là 407,49ha…

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Thái Nguyên: Nhìn một cách khách quan, việc tiếp tục xây dựng khu công viên cây xanh, vườn hoa công cộng quy mô nhỏ là rất khả thi, hữu dụng. Đối với những công viên quy mô lớn, việc xây dựng cần rất nhiều nguồn lực, sự chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành và nhân dân.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Thái Nguyên: Nhìn một cách khách quan, việc tiếp tục xây dựng khu công viên cây xanh, vườn hoa công cộng quy mô nhỏ là rất khả thi, hữu dụng. Đối với những công viên quy mô lớn, việc xây dựng cần rất nhiều nguồn lực, sự chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành và nhân dân.

Nhiều nhà quản lý, chuyên gia về xây dựng, kiến trúc bày tỏ, đô thị xanh là xu hướng phát triển chung của cả nước và Thái Nguyên cũng không ngoại lệ. Người dân luôn khát khao một không gian sống xanh, trong lành và những chủ trương phát triển công viên, không gian xanh luôn đúng, trúng và hợp lòng dân, được nhân dân ủng hộ.

Ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2025 diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6-8m2/người; đến năm 2030 đạt khoảng 8-10m2/người.

Cũng về vấn đề cây xanh đô thị, một số chuyên gia về xây dựng, kiến trúc bày tỏ, việc phát triển cây xanh đô thị thời gian tới cần khắc phục một số hạn chế: Diện tích hạng mục cây xanh, vườn hoa, cây bóng mát đường phố tại một số dự án khu dân cư, khu đô thị chưa đảm bảo tiêu chuẩn; việc tổ chức triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch, hiện thực hóa diện tích đất cây xanh từ quy hoạch thành các dự án, công trình khu công viên tập trung, vườn hoa, công viên chuyên đề… còn thiếu và chưa đồng bộ; chủng loại, kích thước, quy cách cây trồng tại một số tuyến đường, phố chưa hoàn toàn đồng nhất; chưa có nhiều tuyến phố với cây xanh đặc trưng, tạo nên cảnh quan mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền và của tỉnh…

Đây là những vấn đề đang được các cấp chính quyền, nhà quản lý tìm giải pháp tháo gỡ với mục tiêu xây dựng các đô thị Thái Nguyên theo hướng xanh, thân thiện với môi trường, hiện đại và đồng bộ trong thời gian tới.

 

Thước đo sự phát triển, văn minh và chất lượng đô thị

Công viên, cây xanh có thể coi là lá phổi của đô thị, đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người và môi trường đô thị, là một bộ phận trong hệ sinh thái tự nhiên, giúp cải thiện môi trường sống, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, kiến tạo cảnh quan và tạo ra các không gian công cộng giúp kết nối cộng đồng.

Theo các kết quả nghiên cứu khoa học, cây xanh, mặt nước trong đô thị có thể làm giảm nhiệt độ không khí từ 3,3-3,9 độ C khi diện tích đất cây xanh đạt 20-50% diện tích đất đô thị. Hiệu quả tổng hợp của bóng mát và bay hơi có thể làm giảm 17-57% năng lượng cần thiết cho hệ thống điều hòa không khí khi tăng 25% diện tích che phủ thảm thực vật. Cây xanh đô thị có thể hấp thụ từ 40-50% cường độ bức xạ mặt trời.

Đặc biệt, cây xanh hai bên đường phố có thể giảm lượng bụi trong không khí đối với những tầng trên của nhà cao tầng từ 30-60%. Trung bình 1ha rừng hay vườn cây rậm rạp có thể hấp thụ 1.000kg CO2 và thải ra 730kg O2 mỗi ngày. Như vậy, mỗi người dân đô thị cần diện tích khoảng 10m² cây xanh hoặc 25m² thảm cỏ để đảm bảo không khí trong lành cho cuộc sống.

Cây xanh đô thị không chỉ có giá trị kinh tế, môi trường, sức khỏe mà còn là di sản văn hóa góp phần tạo nên diện mạo, bản sắc văn hóa và đồng hành với những thăng trầm trong đời sống đô thị, chứng nhân thuyết phục nhất cho bề dày lịch sử văn hóa của một đô thị, làm tăng vẻ đẹp kiến trúc, cảnh quan, phản ánh trình độ văn minh đô thị.

Ngoài ra, cây xanh có vai trò quan trọng trong kiến trúc và trang trí cảnh quan chung cư đô thị. Những tính chất của cây xanh là những yếu tố trang trí làm tăng giá trị thẩm mỹ của công trình kiến trúc cũng như cảnh quan chung của đô thị.

Tại nhiều nước, số lượng, chất lượng, chỉ tiêu đất công viên, cây xanh trên đầu người là thước đo cho sự phát triển, văn minh, chất lượng sống của từng đô thị, thành phố và quốc gia.