Thời gian gần đây, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò đã xuất hiện tại xã Khe Mo, Cây Thị, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) và phường Lương Sơn (TP. Sông Công). Để giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi, ngành chức năng của tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp kiểm soát, nhằm ngăn chặn dịch lây lan.
Bà Nguyễn Thị Là (tổ dân phố Ga, phường Lương Sơn, TP. Sông Công) đã cách ly vật nuôi bị bệnh viêm da nổi cục. |
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản, trong thời gian từ ngày 17-4 đến 9-5, bệnh VDNC được phát hiện trên 8 con bò ở các xã Khe Mo, Cây Thị và thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ). Còn tại phường Lương Sơn (TP. Sông Công), từ ngày 30-5 đến 6-6 cũng ghi nhận 2 con bò bị ốm, có biểu hiện của bệnh VDNC.
Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, xác định có dịch bệnh VDNC tại các địa phương trên, Chi cục đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp khống chế, xử lý dứt điểm các ổ bệnh, không để dịch lây lan trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, qua hơn 21 ngày kể từ ngày xuất hiện dịch bệnh VDNC tại huyện Đồng Hỷ, trên địa bàn không phát sinh thêm ca bệnh mới nào.
Còn với phường Lương Sơn, địa phương cũng tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Bà Dương Thị Lưu, Chủ tịch UBND phường, cho biết: Chúng tôi đã phân công cán bộ trực tiếp hướng dẫn các hộ dân cách ly, chăm sóc, điều trị cho vật nuôi ốm, bệnh; vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc chuồng trại và môi trường chăn nuôi nhằm tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh; thực hiện tiêu hủy, chôn lấp 1 con bò bị ốm, chết do bệnh VDNC theo đúng quy định; triển khai ký cam kết với các hộ chăn nuôi trong công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC; khuyến cáo các hộ khác không đưa trâu, bò ra bãi chăn thả chung.
Phường Lương Sơn cũng thực hiện thống kê đàn trâu, bò chưa tiêm vắc-xin VDNC, hướng dẫn người chăn nuôi đăng ký mua vắc-xin để tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi… Đến thời điểm này, địa phương chưa phát hiện thêm con trâu, bò nào mắc VDNC.
Hiện nay, thời tiết nóng ẩm làm giảm sức đề kháng của đàn trâu, bò và tạo thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán ra diện rộng; các loại côn trùng hút máu đang sinh sản, phát sinh nhiều. Cùng với đó, việc chăm sóc, nuôi dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho đàn trâu bò của người chăn nuôi vẫn chưa được quan tâm. Đặc biệt, một số hộ còn chủ quan, lơ là, không thực hiện tiêm phòng vắc-xin cho đàn trâu, bò; công tác giám sát, phát hiện, báo cáo dịch bệnh tại cơ sở ở một số địa phương vùng sâu, vùng xa chưa kịp thời…
Tính đến ngày 18-6, toàn tỉnh đã tiêm được trên 23.200 liều vắc-xin VDNC (đạt 39% kế hoạch năm). |
Trước nguy cơ cao phát sinh, lây lan dịch bệnh VDNC trên địa bàn tỉnh, theo ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản: Hiện giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là tiêm vắc-xin phòng bệnh trên diện rộng. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi chủ động đăng ký tiêm phòng vắc-xin VDNC theo hướng xã hội hóa, phấn đấu tiêm 60.000 liều vắc-xin VDNC (chiếm 80% tổng đàn).
Cùng với đó, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh, tuân thủ nguyên tắc 5 không (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển; không giết mổ tiêu thụ; không vứt ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để chăn nuôi). Gia súc mắc bệnh VDNC bị chết cần phải được tiêu hủy theo đúng quy định phòng, chống dịch, không để lây lan rộng, tránh thiệt hại cho người chăn nuôi…
Ngoài ra, không riêng với dịch bệnh VDNC ở trâu bò, đối với các dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi, chính quyền các địa phương và người dân cũng cần chủ động các biện pháp phòng ngừa.
Năm 2021, dịch bệnh VDNC trên trâu, bò đã xảy ra tại 641 thôn, xóm của 9/9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tổng số trâu, bò mắc bệnh là 2.640 con; số trâu bò chết, phải tiêu hủy là 564 con (tổng trọng lượng 71.479kg). Năm 2022, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh VDNC trên trâu, bò. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin