Chủ động, sáng tạo, tích cực trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số, TP. Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn đều được nâng cao.
TP. Thái Nguyên đã đưa vào sử dụng hệ thống camera giám sát, góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân. |
Bắt tay vào thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số, TP. Thái Nguyên có nhiều thuận lợi về điều kiện kinh tế, cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, trình độ dân trí. Cùng với sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của cấp uỷ, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan chuyên môn và xã, phường trên địa bàn, thành phố đã trở thành đơn vị đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số.
2 năm qua (2021-2022), TP. Thái Nguyên đã quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng hiện đại, tạo thuận lợi để chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực. Điểm nhấn là hoàn thiện, đưa vào sử dụng Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) và hệ thống camera giám sát trật tự an toàn đô thị trên địa bàn. Đây là những hạng mục góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đồng thời là tiêu chí quan trọng để thành phố sớm trở thành đô thị thông minh trong thời gian tới.
Về phát triển kinh tế số, TP. Thái Nguyên đẩy mạnh hoạt động thanh toán trực tuyến, phát triển thương mại - dịch vụ, với trên 70 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số. Mô hình "Chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt" đang phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân tham gia cài đặt các nền tảng xã hội số, công dân số như: C-ThaiNguyen, Thái Nguyên ID, Sổ tay đảng viên điện tử và tài khoản số cho hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội… đạt cao.
Ngoài đầu tư phát triển hạ tầng, xây dựng chính quyền số, hình thành đô thị thông minh và phát triển kinh tế số, xã hội số, thời gian qua, TP. Thái Nguyên cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Thành phố đã thành lập và duy trì hiệu quả 401 tổ công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ tích cực người dân tham gia chuyển đổi số.
Người dân TP. Thái Nguyên thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch. |
Một trong những đơn vị điển hình trong công tác chuyển đổi số có thể kể đến là Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Thái Nguyên.
Bà Nguyễn Thị Quốc Hoà, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, cho biết: Với sự chủ động "đi trước, đón đầu" trong thực hiện chuyển đổi số, đến nay, 100% thủ tục hành chính thuộc ngành Giáo dục TP. Thái Nguyên đã được thực hiện trên cổng dịch vụ công trực tuyến. Tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn cũng đã hoàn thiện thu thập thông tin và chia sẻ với cơ sở dữ liệu dùng chung ngành Giáo dục tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo. 100% cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục có hạ tầng mạng internet và đảm bảo hạ tầng mạng băng rộng cáp quang, thuận lợi cho việc triển khai giáo dục tích hợp với kiến thức công nghệ số. Các cơ sở giáo dục cũng triển khai thu học phí và các khoản thu khác qua tài khoản ngân hàng…
Phường Hoàng Văn Thụ cũng là đơn vị tiên phong, chủ động và đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện Chương trình chuyển đổi số. Theo đồng chí Lê Lan Quyên, Bí thư Đảng uỷ phường: Hạ tầng công nghệ thông tin ở phường đã từng bước được đầu tư hoàn thiện theo hướng hiện đại. Hệ thống dữ liệu được số hóa như: thư điện tử, dịch vụ công và “một cửa” điện tử, họp trực tuyến. Đáng chú ý là hệ thống quản lý văn bản trên môi trường điện tử được khai thác sử dụng hiệu quả; việc sử dụng các phần mềm quản lý, gửi nhận văn bản điện tử, hội nghị trực tuyến được phường thực hiện thường xuyên.
Không riêng hai đơn vị nói trên, tại hầu hết các cơ quan, địa phương ở TP. Thái Nguyên, thực hiện chuyển đổi số đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Từ đó đã góp phần xây dựng chính quyền số, từng bước nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Đây cũng là tiền đề giúp TP. Thái Nguyên tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá, đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số, phấn đấu trở thành đơn vị đứng đầu về chuyển đổi số của tỉnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin