Thi đua chuyển đổi số: Thay đổi căn bản về lượng và chất

Tùng Lâm 10:08, 06/06/2023

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và phong trào thi đua “Thái Nguyên đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số”, toàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đây là những kết quả ý nghĩa, ghi nhận sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng và sự hưởng ứng mạnh mẽ của toàn thể nhân dân.

Đoàn viên, thanh niên phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên) hỗ trợ người 
dân tại Chợ Thái cài đặt, sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Đoàn viên, thanh niên phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên) hỗ trợ người dân tại Chợ Thái cài đặt, sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Một trong những thành quả quan trọng phải kể đến là việc triển khai Chính quyền số - trụ cột có ý nghĩa quan trọng, là “đầu tàu” trong hành trình chuyển đổi số của Thái Nguyên.

Theo đó, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính được duy trì ổn định, kết nối an toàn. Hiện nay, hệ thống này đã kết nối thông suốt đến 100% các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên toàn tỉnh. Thái Nguyên đã hoàn thành kết nối, giám sát mạng truyền số liệu chuyên dùng đối với 36 kênh cấp tỉnh, huyện và 178/178 kênh cấp xã.

Các cơ quan, đơn vị Nhà nước tăng cường sử dụng có hiệu quả Hệ thống quản lý văn bản đi đến và điều hành của tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có hơn 4 triệu văn bản điện tử được trao đổi giữa các đơn vị trên hệ thống, ước tính tiết kiệm khoảng hơn 15 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã cấp hơn 7.730 chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho các đơn vị, địa phương…

Cùng với đó, việc đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cũng được tăng cường.

Thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ, đến nay, Thái Nguyên đã thực hiện được 23/25 dịch vụ công thiết yếu; có trên 1 triệu căn cước công dân gắn chip được cấp, đạt tỷ lệ 99%; đã xác thực 1.148.705/1.190.032 người đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (đạt 97%); cung cấp tích hợp 100% thủ tục hành chính toàn trình, gồm 760 thủ tục lên Cổng dịch vụ công quốc gia; hoàn thành tích hợp chức năng số hóa hồ sơ thủ tục hành chính trên hệ thống ở cả 3 cấp.

Ngoài ra, ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử do Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương xây dựng đã được triển khai đến toàn bộ đảng viên tại 16 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, với 87% đảng viên đã cài đặt, đăng ký thành công (số chưa cài đặt là đảng viên dự bị, đảng viên được miễn sinh hoạt Đảng hoặc không sử dụng điện thoại thông minh…).

Trung tâm Điều hành thông minh (IOC)
Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: T.L

Về phát triển đô thị thông minh, Thái Nguyên đã triển khai thử nghiệm Trung tâm Điều hành thông minh (IOC). Với sự ra đời của ứng dụng công dân số “C-ThaiNguyen” đã phát huy hiệu quả vai trò là nền tảng kết nối giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người dân tham gia xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Đối với kinh tế số, ước doanh thu kinh tế số trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 357 nghìn tỷ đồng (hơn 15 tỷ USD). Số lượng doanh nghiệp số trên địa bàn tỉnh hiện nay là 324 doanh nghiệp. Đặc biệt, Thái Nguyên đã và đang đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai hóa đơn điện tử và thuế điện tử; phát triển thương mại điện tử (sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên đã có hơn 2.600 sản phẩm được cập nhật)...

Trên trụ cột xã hội số, hiện nay, 100% các xã trên địa bàn tỉnh đã có tổ công nghệ số cộng đồng, với tổng số 2.255 tổ được thành lập. Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách số, đưa các dịch vụ số phục vụ cuộc sống (như dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ việc làm, dịch vụ nhà ở…) tới người dân thông qua thiết bị di động, Thái Nguyên đã triển khai nền tảng xã hội số "Thai Nguyen ID". Hiện ứng dụng này đạt 74.591 lượt cài đặt; 3.012 tài khoản eKYC, 623 hồ sơ việc làm…

Một điểm sáng của Thái Nguyên trong phát triển xã hội số là triển khai mô hình Chợ 4.0 - chợ thanh toán không dùng tiền mặt. Chỉ sau hơn 1 năm triển khai, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 107 chợ 4.0.

Đáng nói, thực hiện chi trả chính sách xã hội, Thái Nguyên đã tạo tài khoản cho 95,38% số hộ nghèo, cận nghèo; 76,3% số người có công; 77,5% các đối tượng trợ giúp xã hội. Theo đó, tỉnh đã triển khai thí điểm chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng đang hưởng chính sách trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng trên toàn tỉnh. Đặc biệt, 100% các cơ sở khám, chữa bệnh của tỉnh đã tiếp nhận khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNeID. Hiện nay, tỉnh đã thực hiện số hóa 16 điểm di tích tại Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa, nâng cấp phần mềm 3D và tích hợp trên ứng dụng "C-ThaiNguyen"…

Với nhiều nỗ lực, chỉ sau 2 năm triển khai, Thái Nguyên được đánh giá xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về chuyển đổi số năm 2021 (tăng 4 bậc so với năm 2020). Đây chính là nền tảng vững chắc để tỉnh tiếp tục thực hiện phong trào thi đua này đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới.