Tiền gửi tiết kiệm biến thành hợp đồng bảo hiểm: Người dân “kêu trời”

Nhóm P.V Nội chính 17:06, 21/07/2023

Vừa qua, đường dây nóng của Báo Thái Nguyên tiếp tục nhận được phản ánh của người dân về việc gửi tiết kiệm tại một số ngân hàng nhưng sau đó lại bị biến thành hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ.

Gia đình bà Ngân bức xúc về việc nhân viên ngân hàng tư vấn sai khiến món gửi tiết kiệm của bà biến thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Mẹ con bà Trịnh Thị Ngân bức xúc về việc nhân viên ngân hàng tư vấn sai, khiến món tiền gửi tiết kiệm của bà biến thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Cụ thể, bà Trịnh Thị Ngân, ở phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên) phản ánh, bà là khách hàng giao dịch lâu năm của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) chi nhánh Thái Nguyên và có 1 quyển sổ tiết kiệm đến tháng 8/2021 là kỳ đáo hạn.

Thời điểm đó, một nhân viên của Techcombank tên là Ngọc đã chủ động gọi điện tư vấn cho bà Ngân tham gia gói tiết kiệm khác, với lãi suất cao hơn. Theo lời nhân viên tư vấn, ngoài lợi ích là lãi suất cao hơn, gói tiết kiệm này còn có thể rút được ở bất kỳ thời điểm nào.

Tin tưởng nhân viên ngân hàng nên ngày 21/9/2021, bà Ngân đã ra ngân hàng gặp chị Ngọc để làm sổ tiết kiệm. Một tháng sau, không thấy chị Ngọc đưa sổ như đã hứa, bà Ngân gọi điện hỏi thì được trả lời là nhân viên sẽ kiểm tra lại, song cũng không thấy hồi âm. Thời gian sau đó, bà Ngân đã gọi điện thoại cho chị Ngọc hỏi nhiều lần, nhưng chỉ nhận được những câu trả lời quanh co. Đến cuối năm 2021, chị Ngọc nói đã chuyển công tác và hợp đồng của bà Ngân được bàn giao cho người khác.

Đến ngày 20/01/2022, bà Ngân mới được bàn giao hợp đồng bảo hiểm song trong thư bàn giao hợp đồng gia đình bà Ngân đang giữ lại thể hiện ngày 21/9/2021, hợp đồng có chữ ký của bà xác nhận đã nhận hợp đồng.
Đến ngày 20/1/2022, bà Trịnh Thị Ngân mới được bàn giao hợp đồng bảo hiểm, song trong thư bàn giao hợp đồng mà gia đình bà Ngân đang giữ lại thể hiện ngày 21/9/2021, hợp đồng có chữ ký của bà xác nhận đã nhận hợp đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên, bà Ngân bức xúc: Đến tháng 1/2022, tôi được nhân viên của Techcombank tới nhà để đưa hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (BHNT) của Manulife. Lúc này, tôi mới biết chị Ngọc đã lừa tôi gửi sổ tiết kiệm thành mua BHNT. Ngày 19/8/2021, chị Ngọc đã tự động chuyển 100 triệu đồng trong tài khoản của tôi sang cho Công ty Bảo hiểm Manulife để làm thủ tục hợp đồng mà tôi không hề hay biết.

Tôi khẳng định, trong cả quá trình tư vấn, chị Ngọc không hề nhắc với tôi một từ nào về BHNT. Chị luôn khẳng định đây là gói liên kết đầu tư sinh lời lãi suất cao, chứ không phải hợp đồng BHNT. Tôi cũng không ký vào hợp đồng BHNT Manulife và như vậy tôi nghĩ hợp đồng đó là không có hiệu lực pháp lý.

Bà Trịnh Thị Ngân

Được biết, gia đình bà Ngân đã có đơn khiếu nại gửi lãnh đạo Techcombank chi nhánh Thái Nguyên nhưng đến nay chưa được giải quyết thỏa đáng. Đáng nói, trong 2 lần lãnh đạo và nhân viên ngân hàng đến làm việc, gia đình bà có thắc mắc vì sao hợp đồng đến ngày 20/1/2022 mới được bàn giao, thì họ trả lời do thất lạc. Vậy nhưng trong thư bàn giao hợp đồng mà gia đình bà Ngân đang giữ lại thể hiện ngày 21/9/2021, hợp đồng có chữ ký của bà xác nhận đã nhận hợp đồng.

Hơn nữa, gia đình bà Ngân còn phản ánh các nội dung kê khai trong hợp đồng bảo hiểm có điểm sai sự thật, như: Bà Ngân 65 tuổi, bị xương khớp, bệnh lý rất nhiều, nhưng thực tế khi nhân viên làm hợp đồng bảo hiểm lại không kê khai.

 
Văn bản trả lời của Techcombank chi nhánh Thái Nguyên đối với kiến nghị của bà Trịnh Thị Ngân.

Với vẻ mặt mệt mỏi vì sức khỏe chưa bình phục sau trận ốm dài, bà Ngân nói: Tôi đến ngân hàng để gửi tiết kiệm, chứ không mua bảo hiểm. Chỉ vì tuổi cao, lại quá tin tưởng ngân hàng nên tôi bị nhân viên tư vấn dẫn dắt từ gửi tiết kiệm sang mua BHNT mà không hề biết. Hơn nữa, nhân viên cố tình giao hợp đồng bảo hiểm sau 5 tháng để tôi không thể kiến nghị và hủy hợp đồng nếu không đồng ý tham gia mua BHNT. Tôi đề nghị Techcombank chi nhánh Thái Nguyên sớm hoàn trả lại số tiền tôi đã gửi tiết kiệm...

Trước đó, Báo Thái Nguyên cũng đã phản ánh trường hợp một số người dân đến một số ngân hàng trên địa bàn TP. Thái Nguyên (như TPbank, MSB) để gửi tiết kiệm nhưng lại bị nhân viên ngân hàng tư vấn không rõ ràng và sau đó biến thành hợp đồng BHNT. Đa phần họ là những khách hàng thân thiết, lâu năm của ngân hàng đó, có một khoản tiền nhàn rỗi và có sự tin tưởng nhất định với ngân hàng cũng như nhân viên mà mình hay giao dịch.

Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thái Nguyên, khẳng định: Đơn vị đã đề nghị các ngân hàng liên quan xác minh làm rõ và phải có trách nhiệm trả lời cho khách hàng về việc gửi tiết kiệm thành mua BHNT.

Về phía một số ngân hàng liên quan, mặc dù Báo Thái Nguyên đã có văn bản đề nghị phối hợp trả lời đề nghị, kiến nghị của công dân, song các đơn vị đều né tránh không trả lời hoặc cho biết đang xác minh.

Qua nắm bắt của phóng viên, đến nay chỉ có một phần nhỏ số khách hàng kiến nghị đã được phía ngân hàng liên quan giải quyết thỏa đáng, trả lại số tiền gửi tiết kiệm. Còn phần lớn là những trường hợp như bà Ngân, đều chưa được giải quyết.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thái Nguyên, cho biết: Về phía quản lý Nhà nước, chúng tôi đều yêu cầu các tổ chức tín dụng cung ứng các dịch vụ theo đúng quy định của pháp luật và đảm bảo quyền lợi của các bên, trong đó có lợi ích của khách hàng. Đến nay, chúng tôi đã nhận được 2 đơn thư của người dân phản ánh về việc gửi tiết kiệm thành mua BHNT tại một số ngân hàng trên địa bàn. Chúng tôi đã đề nghị các ngân hàng liên quan xác minh làm rõ và phải có trách nhiệm trả lời cho khách hàng.

Luật sư Phạm Trung Kiên, Đoàn luật sư Thái Nguyên, cho rằng: Tâm lý của người dân là nếu có tiền muốn gửi tiết kiệm thì họ sẽ đến ngân hàng. Còn nếu tham gia mua bảo hiểm, họ sẽ đến đơn vị kinh doanh bảo hiểm. Bởi lẽ ngân hàng thương mại là ngân hàng kinh doanh tiền tệ vì mục đích lợi nhuận. Còn BHNT là một công cụ tài chính bảo vệ khách hàng trước những rủi ro trong cuộc sống, không phải là một hình thức đầu tư hay gửi tiết kiệm với lãi suất cao.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, không riêng Thái Nguyên mà tại nhiều địa phương trong cả nước đã xuất hiện tình trạng một số ngân hàng liên kết kinh doanh với các công ty bảo hiểm và để xảy ra sai phạm, gây bức xúc trong dư luận.

Hơn lúc nào hết, người dân mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, xử lý, chấn chỉnh lại hoạt động này, để người dân có cái nhìn đúng đắn và yên tâm hơn khi đến gửi tiết kiệm tại ngân hàng hay tham gia BHNT để bảo vệ bản thân, gia đình trước những rủi ro về tài chính trong tương lai.

Ngày 30/6/2023, Bộ Tài chính đã công bố kết quả công tác thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng đối với một số doanh nghiệp bảo hiểm. Theo đó, việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là ngân hàng thời gian qua còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới. Các hành vi vi phạm điển hình như: Không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ các thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp bảo hiểm; ngân hàng không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về các sản phẩm này…

Bộ Tài chính nhấn mạnh, đây là những hành vi sai phạm sẽ bị xem xét xử phạt hành chính theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh và tạo sự răn đe đối với các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động trên thị trường.