Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (viết tắt là Nghị quyết 01) đang được các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh triển khai hiệu quả. Trong đó, trụ cột kinh tế số được thực hiện bằng nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo.
Lãnh đạo huyện Võ Nhai, Sở Thông tin và Truyền thông trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Đình Cả - mô hình Chợ 4.0 đầu tiên trên địa bàn huyện. Ảnh: T.L |
Hơn 4 tháng sau khi triển khai mô hình Chợ 4.0 đầu tiên tại chợ thị trấn Đình Cả, huyện vùng cao Võ Nhai đã nỗ lực nhân rộng mô hình này tới 3 chợ truyền thống khác trên địa bàn. Trong 4 tháng qua, có trên 700 mã QR được cung cấp cho các tiểu thương, hộ kinh doanh, với hàng nghìn tài khoản thanh toán được mở mới.
Để triển khai mở rộng mô hình chợ 4.0, bên cạnh nỗ lực của chính quyền địa phương còn có sự hỗ trợ tích cực của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) Chi nhánh Võ Nhai.
Chia sẻ về việc triển khai mô hình chợ 4.0 trên địa bàn huyện, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc Agribank Võ Nhai, cho biết: Các tiểu thương, hộ kinh doanh và người dân được nhân viên Agribank hỗ trợ tạo tài khoản ngân hàng, sử dụng mã QR và hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt an toàn. Trong năm nay, chúng tôi sẽ hỗ trợ huyện mở rộng hình thức thanh toán này tới tất cả các chợ truyền thống trên địa bàn.
Cùng với 4 chợ 4.0 ở Võ Nhai, tính từ tháng 4/2022 đến nay, toàn tỉnh đã có 107 chợ thực hiện mô hình thanh toán không dùng tiền mặt. Thông qua việc triển khai mô hình chợ 4.0, người dân từ thành thị đến nông thôn, miền núi, vùng cao đều được trải nghiệm tiêu dùng, sử dụng thành thạo các phương thức thanh toán hiện đại, kích cầu mua sắm.
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, không chỉ riêng chợ 4.0, hơn hai năm qua, Thái Nguyên đã có nhiều bước tiến trong phát triển kinh tế số. Các hoạt động thương mại điện tử diễn ra sôi động và phát triển nhanh trong nhiều lĩnh vực. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, bán hàng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số.
Hầu hết tiểu thương tại các chợ trên địa bàn huyện Định Hóa đã được hướng dẫn và sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: T.L |
Toàn tỉnh hiện có 324 doanh nghiệp công nghệ số, tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn năm 2022 đạt trên 833 nghìn tỷ đồng (tương đương 35 tỷ USD). Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu từ kinh tế số của Thái Nguyên đạt khoảng 357 nghìn tỷ đồng (tương đương 15 tỷ USD).
Đến nay, 100% các tổ chức, doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử, kê khai thuế điện tử; số doanh nghiệp nộp thuế điện tử, không dùng tiền mặt đạt 98%. Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh tại địa chỉ http://www.thainguyentrade.vn hiện đang quảng bá, giới thiệu 2.600 sản phẩm; trên 68.000 tài khoản kinh doanh trực tuyến của các hộ sản xuất nông nghiệp được kích hoạt...
Ngoài ra, 100% cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường đại học, cao đẳng; 100% cơ sở khám, chữa bệnh, các bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện thực hiện thanh toán học phí, viện phí không dùng tiền mặt. Tỉnh Thái Nguyên cũng đã rà soát các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, trong đó tạo tài khoản chi trả đối với 32.314/40.734 đối tượng, đạt 79,33%...
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Nghị quyết 01, ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Hơn 2 năm qua, Thái Nguyên đã đẩy mạnh triển khai và phát triển kinh tế số với nhiều giải pháp hiệu quả. Các doanh nghiệp và người dân đã thấy được lợi ích từ chuyển đổi số trong phát triển kinh tế, từ đó tích cực hưởng ứng.
Cụ thể, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 6/4/2021 về thực hiện thanh toán qua hệ thống ngân hàng đối với các dịch vụ công, thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chế độ an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 10/2/2022 về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022-2025.
Cùng với đó, các sở, ngành tăng cường hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp số. Trong đó, chú trọng tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ và các giải pháp trên nền tảng số. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đẩy mạnh hỗ trợ, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho người dân, tăng khả năng tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế…
Nghị quyết 01 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm ít nhất 20% GRDP của tỉnh. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%, phấn đấu toàn tỉnh quy tụ được 700 doanh nghiệp số. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP của tỉnh. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%. Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%, phấn đấu có trên 3.000 doanh nghiệp số...
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế số. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh các hoạt động phổ biến pháp luật về kinh tế số và chuyển đổi số; đầu tư phát triển hạ tầng số phục vụ hoạt động thương mại điện tử; thúc đẩy đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số, quan tâm hỗ trợ sinh viên thực tập, làm việc thực tế ở các doanh nghiệp số...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin