Tạo sức hút cho du lịch Thái Nguyên

Chí Cường 08:13, 16/08/2023

Thái Nguyên đặt quyết tâm cao phấn đấu đến năm 2030 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đồng thời trở thành trung tâm du lịch của vùng Việt Bắc. Lộ trình đến năm 2025, ngành Du lịch của tỉnh đón hơn 3,2 triệu lượt khách, đạt tổng doanh thu 3.000 tỷ đồng/năm; đến năm 2030 sẽ đón 5,6 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 6.600 tỷ đồng/năm.

Lán Khuôn Tát, Phú Đình (Định Hóa), một địa chỉ đỏ cách mạng được nhiều du khách lựa chọn về tham quan.
Lán Khuôn Tát, xã Phú Đình (Định Hóa) - một "địa chỉ đỏ" cách mạng được nhiều du khách lựa chọn đến tham quan.

Thái Nguyên không có lợi thế du lịch biển như vùng duyên hải, cũng không có xứ lạnh như Sa Pa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng)… Bù lại, tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, được ví như những “mỏ vàng” lộ thiên phục vụ ngành Du lịch phát triển.

Phong phú nhất phải kể đến nguồn tài nguyên phục vụ du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; điểm đến sinh thái, nghỉ dưỡng; điểm du lịch cộng đồng nông thôn và hệ thống hang động phục vụ du lịch khám phá, mạo hiểm.

Theo thống kê của Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được đưa vào danh mục kiểm kê, bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Điển hình có Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa và các điểm đến được du khách trong nước, quốc tế quan tâm, như: Di tích khảo cổ học thời kỳ đồ đá cũ Thần Sa (Võ Nhai); hệ thống di tích kiến trúc nghệ thuật chùa, đình, đền, như đền Đuổm (Phú Lương), chùa Hang, chùa Phù Liễn, đền Xương Rồng, đền Đội Cấn (TP. Thái Nguyên)...

Các khu du lịch có thiên nhiên “sơn thuỷ hữu tình” được nhắc đến là hồ Núi Cốc (Đại Từ); hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà (Võ Nhai)... Cùng với đó là hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia, như: Lễ hội Cầu Mùa của người Sán Chí; hát Soọng Cô của người Sán Dìu, múa Tắc Xình của người Sán Chay (Phú Lương), Lễ cấp sắc của người Dao (Đại Từ)…  

Đặc biệt từ sau Festival trà quốc tế lần thứ nhất năm 2011 được tổ chức tại tỉnh, Thái Nguyên có thêm một sản phẩm du lịch mới, đó là tour tuyến qua những vùng chè và văn hóa thưởng trà.

Hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai), một điểm đến thân thiện với môi trường.
Hang Phượng Hoàng và suối Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai) là một điểm du lịch có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.

Hiện nay, các điểm đến của Thái Nguyên đã được quan tâm đầu tư và dần trở nên hấp dẫn hơn. Minh chứng là năm 2016, ngành Du lịch của tỉnh đón hơn 2 triệu lượt du khách, năm 2019 đón gần 3 triệu lượt du khách. Sau đó, liên tiếp 3 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành Du lịch gần như "đóng băng".

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã “biến nguy thành cơ”, tích cực chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất để sẵn sàng đón du khách ngay khi du lịch được phép mở cửa trở lại. Nhờ đó, năm 2022, Thái Nguyên đã đón hơn 2,1 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 1.800 tỷ đồng. Sang đến 6 tháng đầu năm 2023, ngành Du lịch của tỉnh đón gần 1,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt hơn 780 tỷ đồng.

Bàn về phát triển du lịch Thái Nguyên, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), đánh giá: Thái Nguyên có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, nếu khai thác hiệu quả sẽ thu hút được một lượng lớn du khách trong nước, quốc tế; đồng thời nhanh chóng trở thành trung tâm du lịch vùng Việt Bắc.

Còn ông Vũ Văn Tuyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH du lịch Travelogy Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, chia sẻ: Để trở thành trung tâm du lịch vùng, Thái Nguyên cần quan tâm hơn tới việc định vị thương hiệu du lịch, xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch chủ lực, đủ sức hấp dẫn đối với du khách.

Hiện nay, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm hơn tới phát triển du lịch, nhằm từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Theo đó, các đề án, dự án, kế hoạch phát triển du lịch được triển khai bài bản, đồng bộ. Hàng chục dự án phát triển du lịch được tỉnh mời gọi các nhà đầu tư cùng hợp tác phát triển. Việc thu hút đầu tư thành công sẽ mở ra cơ hội để phát triển "ngành công nghiệp không khói", hướng đến tương lai không xa, Thái Nguyên sẽ trở thành một điểm đến thân thiện của vùng Việt Bắc.

Đến nay, UBND tỉnh đã công nhận 6 điểm du lịch cộng đồng là: Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên); Làng văn hóa dân tộc Bản Quyên (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa); xóm Mỏ Gà (xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai); xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên); hồ Ghềnh Chè (TP. Sông Công) và xóm Tân Sơn (xã La Bằng, huyện Đại Từ).