Đại Từ: Nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện

Thu Huyền 07:21, 08/09/2023

Xác định nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) là khâu đột phá có tính quyết định trong thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thời gian qua, huyện Đại Từ đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh. Nhờ vậy, năm 2022, Đại Từ tăng 5 bậc và xếp thứ 3/9 huyện, thành phố của tỉnh về Chỉ số DDCI.

Với môi trường đầu tư thuận lợi, thời gian gần đây, huyện Đại Từ đã thu hút nhiều dự án triển khai trên địa bàn, góp phần thay đổi diện mạo địa phương.
Với môi trường đầu tư thuận lợi, huyện Đại Từ đã thu hút nhiều dự án triển khai trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Chỉ số DDCI cấp huyện, thành phố và các sở, ban, ngành được xây dựng dựa trên các chỉ tiêu chính của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, gồm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; vai trò của người đứng đầu; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; chi phí không chính thức; chi phí thời gian; tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất - kinh doanh; chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; mức độ chuyển đổi số.

Năm 2021, tổng điểm của huyện Đại Từ đạt được là 83,32 điểm, xếp thứ 8/9 huyện, thành phố của tỉnh. Ngay sau khi có kết quả, huyện đã triển khai nhiều giải pháp, quyết liệt cải thiện thứ hạng Chỉ số DDCI.

Cụ thể, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/BTVHU ngày 16/8/2022 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải thiện Chỉ số DDCI huyện Đại Từ; UBND huyện ban hành kế hoạch về cải thiện Chỉ số DDCI năm 2022 và các năm tiếp theo. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các giải pháp cải thiện Chỉ số DDCI của huyện.

Ông Đặng Thanh Tùng, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Đại Từ, cho biết: Các chỉ số, thứ bậc xếp hạng từ bộ Chỉ số DDCI là cơ sở để địa phương nhìn nhận lại mức độ hoàn thành công việc của mình, những hạn chế cần khắc phục, hướng tới điểm mấu chốt là tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.

Theo thống kê, toàn huyện Đại Từ hiện có gần 400 doanh nghiệp (gồm doanh nghiệp trong huyện, doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh đóng trên địa bàn); hơn 60 HTX và trên 6.500 hộ kinh doanh. Trên cơ sở này, UBND huyện đã tập trung nguồn lực, đưa ra các giải pháp ưu tiên đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, HTX hoạt động ổn định, đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh.

Hàng năm, huyện Đại Từ tổ chức các cuộc đối thoại để kịp thời hỗ trợ giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã.

Một trong những giải pháp tích cực được huyện Đại Từ tập trung thực hiện là cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp. Với việc thời gian thực hiện các thủ tục được rút ngắn, cán bộ giải quyết công việc hiệu quả, thân thiện... đã nhận được sự quan tâm, đánh giá tốt của cộng đồng doanh nghiệp. 

Đặc biệt, UBND huyện giao cho các cơ quan chuyên môn luôn chú trọng đồng hành và thực hiện tốt nhất các chỉ số thuộc lĩnh vực, ngành mình quản lý, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp, HTX hoạt động đầu tư, sản xuất trên địa bàn huyện.

Để thu hút đầu tư, UBND huyện đã triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, bình đẳng cho các doanh nghiệp, HTX. Hàng năm, huyện tổ chức gặp mặt các doanh nhân, doanh nghiệp, HTX nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10); tổ chức nhiều cuộc đối thoại với doanh nghiệp, trực tiếp giải đáp những thắc mắc về nhiều lĩnh vực như đất đai, tài nguyên, môi trường, thủ tục hành chính…

Qua đây, địa phương kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Từ năm 2021 đến nay, huyện Đại Từ thu hút được 17 dự án đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, với tổng số vốn đăng ký 6.359 tỷ đồng; triển khai trên 150 dự án đầu tư công, với tổng số vốn trên 800 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thế Đại, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Đại Từ, chia sẻ: Các doanh nghiệp hội viên đánh giá cao năng lực điều hành kinh tế, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính và sự đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp của huyện. Đặc biệt, từ những buổi gặp gỡ và đối thoại thường xuyên của chính quyền với các doanh nghiệp đã góp phần tích cực để đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Qua đó các doanh nghiệp được tiếp cận thông tin về cơ chế, chính sách nhanh hơn, thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh.

Theo kết quả công bố Chỉ số DDCI năm 2022 hồi tháng 6 vừa qua, huyện Đại Từ đạt kết quả xếp loại năng lực điều hành tốt, với tổng điểm 86,53 điểm (tăng 3,21 điểm so với năm 2021). Trong 9 chỉ số thành phần, điểm số cao nhất của huyện là nội dung hỗ trợ doanh nghiệp, đạt 8,73 điểm. Nhìn chung, các chỉ số đều tăng điểm so với kết quả công bố năm 2021.

Theo ông Phạm Quang Anh, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ: Kết quả trên đánh giá sự chuyển biến tích cực của huyện trong nỗ lực cải cách hành chính, tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Năm 2023, huyện Đại Từ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn rà soát các chỉ số thành phần. Trên cơ sở đánh giá kết quả đã đạt được, phân tích, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, xác định các giải pháp cụ thể để tiếp tục cải thiện Chỉ số DDCI, tập trung vào các chỉ số thành phần như: Chi phí thời gian; mức độ chuyển đổi số; tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất - kinh doanh… Từ đó phấn đấu nâng cao hơn nữa Chỉ số DDCI của huyện trong năm 2023 và những năm tiếp theo.