DDCI - Thước đo sự đồng hành

Thu Hằng 08:35, 29/06/2023

Việc đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) được tỉnh Thái Nguyên triển khai từ năm 2022, nhằm khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (gọi chung là DN) đối với hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đến nay, việc đánh giá DDCI của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cả DN, người dân và chính các đơn vị được đánh giá. Qua đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Nhiều DN cả trong nước và nước ngoài đang gặp khó khăn về đầu ra nên đã giảm giờ làm, thậm chí giảm lao động nên rất cần sự hợ trợ nhiều hơn từ cấp ủy, chính quyền các cấp.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về đầu ra của sản phẩm, nên buộc phải giảm giờ làm, thậm chí giảm số lượng lao động (ảnh mang tính chất minh họa).

DDCI bao gồm 8 chỉ số đối với sở, ban, ngành (khối sở) và từ 1 đến 9 đối với các huyện, thành phố (khối địa phương). Với thang điểm 100, kết quả đánh giá năm 2022 cho thấy tất cả 32 đơn vị (9 địa phương và 23 sở) đều đạt điểm số trên 80, thuộc nhóm xếp loại năng lực điều hành tốt.

Trong đó, điểm trung bình của khối sở là 86,6 điểm (tăng 0,63 điểm so với năm 2021). Kho bạc Nhà nước tỉnh tiếp tục là đơn vị dẫn đầu, với 89,22 điểm; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có điểm số thấp nhất, với 83,87 điểm.

Đối với khối địa phương, điểm trung bình là 85,65 điểm (tăng 1,44 điểm so với năm 2021). TP. Thái Nguyên là đơn vị có DDCI dẫn đầu toàn tỉnh, với điểm số 87,36; huyện Đồng Hỷ ở vị trí thấp nhất, với 84,18 điểm.

Địa phương có sức bật mạnh nhất trong bảng xếp hạng DDCI năm 2022 là huyện Đại Từ (từ vị trí thứ 8 lên vị trí thứ 3/9 huyện, thành). Theo ông Phạm Quang Anh, Chủ tịch UBND huyện: Ngay sau khi UBND tỉnh công bố kết quả DDCI năm 2021, UBND huyện đã thực hiện đồng thời các nội dung, như: Rà soát lại trình tự giải quyết các thủ tục hành chính để có những thay đổi, điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, DN; làm tốt công tác luân chuyển, điều động cán bộ theo hướng nâng cao chất lượng giải quyết công việc; nắm bắt lại toàn bộ các quy hoạch, dự án đầu tư trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN; chú trọng hơn đến công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân tích cực ủng hộ công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án. UBND huyện cũng đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số DDCI của huyện và định kỳ hằng tháng, hằng quý, đều có báo cáo đánh giá tiến độ triển khai thực hiện Nghị quyết…

Nói về việc đánh giá DDCI của tỉnh, bà Nguyễn Thùy Trang, Quản lý xuất nhập khẩu Công ty TNHH Myungjin Electronic Vina (Khu công nghiệp Điềm Thụy), cho rằng: Sự đồng hành của các cơ quan quản lý Nhà nước có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của DN. Vì thế, thông qua việc đánh giá DDCI của tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi có điều kiện nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn từ phía các sở, ngành cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương.

Đại diện các DN trao đổi tại Hội nghị đối thoại do Chi cục Hải quan Thái Nguyên vừa tổ chức.
Đại diện các doanh nghiệp trao đổi tại Hội nghị đối thoại do Chi cục Hải quan Thái Nguyên tổ chức mới đây.

Cũng như PCI, Chỉ số DDCI năm 2022 của tỉnh có điểm số tăng so với năm 2021. Trong đó, mức độ chuyển đổi số được DN chấm điểm cao nhất ở cả khối sở và khối địa phương.

Ở từng chỉ số thành phần, cũng có sự phân hóa rõ rệt về điểm số. Trong đó, Kho bạc Nhà nước tỉnh dẫn đầu 4 chỉ số (1, 2, 3 và 8); Thanh tra tỉnh dẫn đầu chỉ số 4; Sở Thông tin và Truyền thông dẫn đầu chỉ số 5; Sở Nông nghiệp và PTNT dẫn đầu chỉ số 6; Công an tỉnh dẫn đầu chỉ số 7.

Đối với khối các địa phương, TP. Thái Nguyên dẫn đầu chỉ số 1, 2, 9; huyện Định Hóa dẫn đầu chỉ số 3, 4; TP. Phổ Yên dẫn đầu chỉ số 5; huyện Đại Từ dẫn đầu chỉ số 6, 7. Riêng chỉ số 8 có 2 đơn vị cùng dẫn đầu, là TP. Thái Nguyên và TP. Phổ Yên, với 8,88 điểm.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư: DDCI năm 2022 đã đánh giá trên phạm vi rộng hơn đối với các sở, ban, ngành. Thay vì 20 sở, địa phương như năm 2021, năm nay, con số này là 32. Một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn cũng được đưa vào đánh giá, như: Ngân hàng Nhà nước tỉnh; Cục Quản lý Thị trường, Cục Thuế tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Chi cục Hải quan. Số lượng DN tham gia khảo sát cũng tăng từ 1.000 lên 1.500 DN…

Kết quả khảo sát cho thấy, không có sự chênh lệch quá lớn trong tổng điểm giữa các sở, ban, ngành, địa phương, cũng như giữa các chỉ số thành phần. Tuy nhiên, kết quả thu được vẫn đủ để thấy sự đánh giá, cảm nhận của DN đối với từng chỉ số. Trong đó đáng chú ý là chỉ số “Hỗ trợ DN” vẫn đứng ở vị trí cuối cùng. Điều này phần nào cho thấy cộng đồng DN chưa nhận thấy rõ sự hỗ trợ của các cơ quan như đối hoạt động của đơn vị và mong muốn sẽ được cải thiện trong thời gian tới…

Ông Chu Phương Đông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên, bày tỏ: Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh cần quan tâm khắc phục tình trạng “ngại” giải quyết công việc của cấp dưới, để các thủ tục của DN được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi, đáp ứng tốt hơn yêu cầu sản xuất - kinh doanh.

Có thể nói, DDCI đã và đang trở thành thước đo đánh giá của cộng đồng DN đối với các sở, ngành, địa phương. Chính vì thế, nâng cao chỉ số này trong năm 2023 và các năm tiếp theo đã và đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thiết yếu của mỗi đơn vị, góp phần nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh. Đồng thời là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó có người đứng đầu.

Chỉ số DDCI gồm: (1) Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; (2) Chi phí thời gian; (3) Chi phí không chính thức; (4) Cạnh tranh bình đẳng; (5) Hỗ trợ DN; (6) Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; (7) Vai trò người đứng đầu; (8) Mức độ chuyển đổi số; (9) Tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh.

Từ khóa:

DDCI

sự đồng hành

doanh nghiệp