Văn hóa công vụ - nét đẹp của nền hành chính văn minh

Nguyễn Thành Minh, Giám đốc Sở Nội vụ Thái Nguyên 09:40, 16/06/2023

Văn hoá công vụ là những giá trị để tạo nên niềm tin, niềm tự hào, lòng yêu nghề, sự gắn kết đội ngũ cán bộ, công chức. Xây dựng văn hóa công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước sẽ góp phần tạo ra môi trường văn hóa để mỗi cán bộ, công chức, viên chức không ngừng học tập, rèn luyện, xứng đáng là những công bộc của dân, tôn trọng, phục vụ Nhân dân, tạo nên nét đẹp văn hóa của một nền hành chính văn minh, hiện đại.

Người dân đến giải quyết các thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh.
Người dân đến giải quyết các thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh.

Nhận thức vai trò quan trọng của việc xây dựng văn hóa công vụ đối với sự phát triển bền vững đất nước, thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tỉnh Thái Nguyên nghiêm túc chỉ đạo thực hiện các quy định về xây dựng văn hoá công vụ.

Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt thực hiện các quy định về văn hóa công vụ; tăng cường tuyên truyền, phổ biến và quán triệt các nội dung về thực hiện văn hóa công sở đến cán bộ, công chức, viên chức. Quan tâm thực hiện lồng ghép việc tuyên truyền, giáo dục văn hóa công vụ trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Các nội dung, kiến thức, quy định về văn hoá công vụ được các cơ quan, đơn vị thường xuyên phổ biến trực tiếp tại cuộc họp hoặc quán triệt lồng ghép thông qua các hội nghị sơ kết, tổng kết, chuyên đề, tập huấn, hội nghị giao ban…

Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đưa nội dung tuyên truyền về văn hoá công vụ trong chuyên đề tuyên truyền về cải cách hành chính với các hình thức khác nhau. Qua đó, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng văn hoá công vụ và chấp hành các quy định về văn hoá công vụ đã được nâng lên.

Các cơ quan, địa phương, đơn vị đã chủ động đưa việc thực hiện văn hóa công vụ trở thành một trong những tiêu chí thi đua gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Các cơ quan, địa phương, đơn vị đã ban hành và nghiêm túc thực hiện quy chế làm việc, quy chế văn hóa công sở và chuẩn mực ứng xử của công chức, viên chức, người lao động, quy định rõ nguyên tắc làm việc, chế độ trách nhiệm, quan hệ công tác, cách thức và quy trình giải quyết công việc, tạo cơ sở pháp lý để quản lý, xử lý và kịp thời ngăn ngừa những hành vi vi phạm về văn hóa công vụ; thường xuyên nghiên cứu, sửa đổi nội quy, quy chế làm việc phù hợp với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đảm bảo đúng theo quy định về văn hoá công vụ.

Nội dung cải cách chế độ công vụ, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ Nhân dân, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được quan tâm chỉ đạo mà Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 đã đề ra.

Công tác cải cách hành chính tại các cơ quan trong giai đoạn hiện nay đã được quan tâm chỉ đạo, lề lối, phương thức làm việc trong các cơ quan, đơn vị được đổi mới theo hướng đảm bảo công khai, minh bạch, thống nhất và hiệu quả.

Công tác quản lý, sử dụng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức đã được chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, thận trọng và đúng quy định của pháp luật; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan, đơn vị và cá nhân cán bộ, công chức, viên chức; đề cao vai trò của người đứng đầu trong việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ.

Hoạt động kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính và văn hoá công vụ được tăng cường. Quá trình thực hiện kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở và xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để áp dụng hình thức xử lý kỷ luật theo quy định.

Việc chỉ đạo nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính đã góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc trên các lĩnh vực công tác; khắc phục tình trạng chậm trễ, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Tác phong làm việc, giao tiếp và ứng xử của cán bộ, công chức đã có nhiều tiến bộ; đa số cán bộ, công chức, viên chức giữ vững phẩm chất đạo đức công vụ, gương mẫu, đoàn kết nội bộ; tuân thủ quy định về thời gian làm việc, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; chủ động phối hợp thực hiện nhiệm vụ, công vụ; có tinh thần trách nhiệm cao và phong cách làm việc khoa học; tâm huyết, tận tuỵ, làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.

Sự hài lòng của người dân chính là thước đo hiệu quả trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức. Kết quả đo lường mức độ hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022 của tỉnh (Chỉ số SIPAS) cho thấy, có 86,26% người được hỏi hài lòng với sự phục vụ hành chính của tỉnh; xếp thứ 02/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ nhất trong 14 tỉnh vùng trung du, miền núi phía Bắc; tăng 9 bậc so với năm 2021.

Mức độ hài lòng của người dân đối với công chức trong tỉnh là 86,14%, xếp thứ 03/63 tỉnh, thành phố. Điều đó cho thấy, đội ngũ công chức có tinh thần trách nhiệm cao, có thái độ giao tiếp lịch sự, tôn trọng người dân, vì Nhân dân phục vụ.

Có thể khẳng định rằng, các giá trị của văn hóa công vụ đã từng bước lan tỏa và tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến nhận thức và hành động của các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh.

Xây dựng văn hóa công vụ đã được gắn với nội dung cải cách hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, xã hội và sự phát triển của đất nước.